Ước mong học trò "ăn no, mặc ấm" của cô giáo vùng núi Kon Tum

GD&TĐ - 5 năm bám bản dạy chữ, cô Nga mong ước những ngày về sau học sinh không còn mang chiếc bụng đói khi đến lớp. Bên cạnh đó các em sẽ có cuộc sống ổn định và điều kiện tốt hơn để học con chữ.

Cô Võ Thị Quỳnh Nga luôn mong ước học sinh vùng khó sẽ có tương lai tốt đẹp hơn.
Cô Võ Thị Quỳnh Nga luôn mong ước học sinh vùng khó sẽ có tương lai tốt đẹp hơn.

Ngược núi

Tháng 9/2016, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, cô Võ Thị Quỳnh Nga rời quê hương Quảng Bình vào mảnh đất Kon Tum tìm việc làm.

Thương con gái một thân một mình lại đến mảnh đất xa lạ nên gia đình khuyên cô tìm lấy một công việc gần nhà. Sau vài ngày đấu tranh tư tưởng, cô Nga quyết định xách ba lô vào Kon Tum. Khi được nhận vào công tác tại Trường Tiểu học xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei, Kon Tum) cô rất vui mừng nhưng xen chút lo lắng.

“Ngày đầu nhận công tác, do chưa quen đường sá nên các anh chị đồng nghiệp dẫn mình vào trường. Tuy nhiên, càng đi mình càng thấy xa xôi, hẻo lánh. Xung quanh chỉ toàn là vực sâu và đồi núi. Để trấn an tinh thần mình, mọi người liên tục động viên rồi nói “sắp tới nơi rồi, ráng một tí nữa thôi”. Nhưng phải mất 2,5 giờ đồng hồ, cả đoàn mới từ trung tâm huyện vào tới điểm trường”, cô Nga chia sẻ.

Con đường quen thuộc trên hành trình dạy học ở những bản làng xa xôi của giáo viên Trường Tiểu học xã Mường Hoong.
Con đường quen thuộc trên hành trình dạy học ở những bản làng xa xôi của giáo viên Trường Tiểu học xã Mường Hoong.

2 tuần đầu nhận công tác, cô Nga được phân công giảng dạy tại điểm trường Tu Chiêu cách trường chính khoảng 5km. Tuy nhiên, do đường sá khó khăn nên cô "cuốc bộ" gần 2 tiếng dồng hồ mới đến nơi. Chưa quen với cảnh núi đồi hiểm trở, có lúc cô Nga muốn từ bỏ công việc hiện tại để trở về quê.

Dù thương con, nhưng bố mẹ cô Nga luôn động viên, khích lệ cô cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thế rồi, cô giáo trẻ gạt nước mắt tiếp tục hành trình dạy chữ cho học trò.

Cô Nga chia sẻ, trước kia do đường sá khó khăn, hiểm trở nên đầu tuần giáo viên mua đồ tươi sống mang lên điểm trường để sử dụng. Nhưng đến cuối tuần bữa cơm của thầy cô chủ yếu là đồ khô và rau rừng. Bên cạnh đó, mạng Internet lúc có, khi không nên muốn gọi về nhà giáo viên phải tìm đến chỗ cao để dò sóng.

“Mặc dù những ngày đầu bám bản dạy chữ cho học trò với mình khá khó khăn. Tuy nhiên, mỗi lúc gọi về nhà mình luôn vui vẻ, lạc quan và kể cho bố mẹ nghe những câu chuyện vui trong cuộc sống hàng ngày. Bởi mình không muốn bố mẹ lo lắng”, cô Nga tâm sự.

Học trò thiếu thốn trăm bề

Cô Nga cùng học trò vui Tết Trung thu.
Cô Nga cùng học trò vui Tết Trung thu.

Cô Võ Thị Quỳnh Nga cho hay, các em học sinh nơi đây chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số nên cuộc sống còn nhiều thiếu thốn. Đặc biệt, việc giao tiếp và truyền đạt của các em gặp nhiều khó khăn. Để gần gũi, sẻ chia nhiều hơn với học trò, cô Nga tìm hiểu và học tiếng địa phương.

Cô Nga chia sẻ, vì đói nghèo đeo bám nên nhiều em ngại đến lớp học. Chính vì vậy, giáo viên trong trường thường xuyên chia nhau đến các làng để vận động phụ huynh cho con em mình ra lớp.

“Có lần, mình cùng một số giáo viên vào làng để vận động học sinh ra lớp. Tuy nhiên, khi thấy thầy cô, các em bỏ chạy. Có học sinh trốn xuống mương nước. Khi giáo viên tìm thấy thì người các em đã ướt sũng, lấm lem bùn đất. Đợi học sinh thay đồ xong, giáo viên liền bế, cõng các em xuống lớp để học chữ”, cô Quỳnh Nga kể.

Những bó hoa dại ven đường mà học sinh tặng cho cô Nga nhân ngày 20/11.
Những bó hoa dại ven đường mà học sinh tặng cho cô Nga nhân ngày 20/11.

Nhằm khích lệ học sinh đến trường, cô Nga thường xuyên mua bánh kẹo cho các em. Bên cạnh đó, ngày đầu năm học cô Nga mua thêm bọc sách, nhãn vở để các em đến lớp được tươm tất hơn.

Vào những ngày đông giá rét, thấy học trò co ro, run rẩy ngồi học, giáo viên trong trường lại kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ áo ấm. Có khi cô Nga tự trích tiền túi để mua áo len, giày dép cho học trò bớt lạnh.

“Mình mong rằng, các em sẽ có đầy đủ dép, đồ ấm mặc trong mùa đông. Bên cạnh đó học sinh được ăn no, đầy đủ dưỡng chất hơn. Thương cho cuộc sống khó khăn của học trò, có những hôm mình và giáo viên trong trường nấu thêm cơm và đồ ăn rồi gọi các em ăn cùng. Mặc dù cuộc sống giáo viên cũng không khá giả gì, nhưng ít ra bữa cơm của học sinh sẽ có thêm dưỡng chất”, cô Quỳnh Nga tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...