Những lúc bệnh tật hành hạ, Tuyết “nước mắt chan cơm” nhớ về mẹ già, em thơ và đàn “con nhỏ” ở trường.
Chắc em “buông” thôi!
Rời Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên, cô gái trẻ Nguyễn Thị Tuyết (SN 1988) đã nắn nót từng chữ để viết vào lá đơn xin lên huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên công tác.
Với hoài bão của tuổi trẻ, cô hăm hở vượt 800km lên đường nhận nhiệm vụ không chút đắn đo. Cô Tuyết cũng chỉ biết đến huyện Mường Nhé là huyện miền núi, biên giới, khó khăn qua đài, báo chứ nào đã một lần được đặt chân.
“Vì từ nhỏ em đã ước mơ được dạy học cho các cháu vùng cao nên em cứ đi thôi chứ chẳng nghĩ gì. Ai ngờ khi vào đây thấy cuộc sống khó khăn quá, lại thấy thương các cháu hơn!”, cô Tuyết nhớ lại.
Năm 2011, cô Tuyết được tuyển dụng và phân công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Na Cô Sa, xã Na Cô Sa, huyện Mường Nhé (nay thuộc huyện Nậm Pồ). Khó khăn thì nhiều vô kể vì ở đó gần như tất cả bắt đầu bằng con số “0”. Không biết tiếng dân tộc, không có nhà ở, một số điểm bản không đường, không có điện… Những giáo viên như cô Tuyết phải nhờ đến cánh nam nhi dựng hộ những túp lều nhỏ ven suối để làm nhà ở.
Thế rồi, 2 năm sau cô thấy trong người có biểu hiện lạ. Cảm nhận rõ tình hình sức khỏe của mình, cô Tuyết đã xin nhà trường cho đi thăm khám để kiểm tra sức khỏe. Và rồi cô nhận được tin mình bị viêm cầu thận mãn tính như tiếng “sét đánh” ngang tai.
“Ban đầu em cũng nghĩ rằng bị suy thận và nghĩ miên man rằng nếu đúng mà bị suy thận thật thì chắc em “buông” thôi. Em đọc báo, thấy bảo bệnh đó không thể chữa chạy cho khỏi được. Nếu chữa chạy thì cũng mất rất nhiều tiền”, cô Tuyết nghĩ lại.
“Ngay sau đó, em đã gọi về cho mẹ và nói: Nếu con bị nặng thì mẹ đừng chạy chữa cho con nhé! Nhà mình nghèo, lại đông con, mẹ nên dành tiền cho các em ăn học… Nhà em có 4 chị em gái. Em là thứ hai. Hai em một đứa học phổ thông còn lại thì học chuyên nghiệp. Nếu chạy chữa thì mẹ em lấy đâu ra tiền để lo bây giờ”, Tuyết nghẹn ngào.
“Nước mắt chan cơm”
Cứ thế, 8 năm đằng đẵng trôi qua, cô Tuyết cứ nén nỗi đau của riêng mình để bám bản, bám trường, bám từng trang giáo án và cùng sống chung với bệnh.
Mỗi năm cô dành dụm quỹ thời gian và tiền bạc ít ỏi có được cho vài lần vượt hơn 800km đường rừng để về Hà Nội chữa bệnh. Dành được bao nhiêu thì chỉ một lần đi thăm khám, thuốc men là hết.
Thương con, mẹ cô ở quê nhà Hưng Yên vẫn cóp nhặt từng đồng, nghe thấy ở đâu có thầy giỏi là tìm đến mua thuốc Nam về rồi lại gửi lên trường cho con. Ngần ấy thời gian cô sống chung với bệnh là ngần ấy ngày cô uống thuốc thay cơm.
Năm 2021, cô Tuyết bước sang tuổi 33. Các cụ ngày xưa thường nói: “Trai 30 tuổi còn son/ Gái 30 tuổi đã toan về già”. Cô Tuyết hiểu điều đó hơn ai hết bởi những lúc ốm đau, trái nắng trở trời, cô Tuyết cũng từng nghĩ đến một “bờ vai” để nương tựa. Thế nhưng nào có được như mong muốn. Khi hỏi về chuyện riêng tư và mong muốn cuộc sống gia đình, cô Tuyết chỉ cười nhẹ: “Em cũng đã nghĩ đến, nhưng hãy để tùy duyên anh ạ!”.
Những lúc ốm đau, chẳng người chăm sóc cô Tuyết lại “nước mắt chan cơm” nhớ về mẹ, nhớ về đàn em thơ nơi quê nhà. Cô chỉ muốn chạy thật nhanh về để ôm chầm lấy mẹ. Nhưng rồi cô lại nghĩ đến tương lai của đám trẻ vùng cao nên cũng chẳng đành lòng bước đi.
“Lúc em buồn, em lại rủ học sinh của mình ra vườn hoa chơi, rủ các em lao động, dọn vệ sinh trường lớp, cô trò quây quần bên nhau để thời gian trôi qua mau. Với lại nghề giáo đó là ước mơ của em từ lâu rồi mà, làm sao em bỏ lại các cháu ở đây được chứ!”, cô Tuyết tỏ vẻ mạnh mẽ.
“Trước thì cô Tuyết ở điểm bản xa, khó khăn vất vả. Biết là các cô từ xuôi lên rất thiệt thòi nên nhà trường đã điều động cô về điểm trường trung tâm vừa là để cho cô đỡ vất vả. Cũng là để cho cô có cơ hội gặp gỡ mọi người. Biết đâu duyên lành sẽ đến”, thầy giáo Nguyễn Văn Quân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa nói.
“Trong công việc thì cô Tuyết là người có chuyên môn tốt, có năng lực và luôn hết lòng với học sinh. Năm trước, cô nằm trong đội tuyển đi thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và cô đã đoạt giải. Đó là dấu ấn về chuyên môn mà cô tạo ra, chứ không phải bi quan khi biết mình có bệnh đâu. Còn ngoài công việc, cô ấy rất thân thiện, gần gũi với bạn bè, đồng nghiệp, luôn được mọi người yêu mến”, thầy Quân chia sẻ.
“Cô ấy bị viêm cầu thận mãn tính. Thời gian đầu khi mới phát hiện ra bệnh thì nhà trường cũng tạo điều kiện cho cô ấy nghỉ 1 tháng không lương theo nguyện vọng cá nhân để điều trị dưới Hà Nội. Cô ấy cứ miệt mài điều trị như thế nên giờ bệnh tình cũng thuyên giảm rồi. Gần 2 năm nay, mỗi năm cô ấy chỉ phải về khám, theo dõi và điều trị khoảng 3 - 4 lần thôi chứ không như trước nữa. Cá nhân tôi cũng như thầy cô ở trường luôn mong cô sớm khỏi bệnh để yên tâm cống hiến”, thầy giáo Nguyễn Văn Quân nói thêm.