Mong có nhiều chính sách hỗ trợ thầy trò vùng khó

GD&TĐ - Phóng viên Nguyễn Đức Nhật (Báo Thanh niên) - tác giả bài viết “Lớp học miễn phí của vợ chồng A Kâm” mong muốn có thêm nhiều chính sách hỗ trợ thầy trò vùng khó, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số.

Phóng viên Nguyễn Đức Nhật - tác giả bài viết "Lớp học miễn phí của vợ chồng A Kâm".
Phóng viên Nguyễn Đức Nhật - tác giả bài viết "Lớp học miễn phí của vợ chồng A Kâm".

Phóng viên Nguyễn Đức Nhật sinh và và lớn lên tại huyện Mang Yang (Gia Lai). Sau khi tốt nghiệp Khoa Báo chí - Trường Đại học khoa học Huế đã trở về Gia Lai công tác. Năm 2019, anh chuyển lên Kon Tum.

Sau nhiều lần đi thực tế, anh Nhật nhận thấy đây là một tỉnh nghèo, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên đời sống của thầy và trò gặp rất nhiều khó khăn. Để tôn vinh những đóng góp cống hiến của thầy cô, cũng như kêu gọi sự giúp đỡ của các mạnh thường quân cho học sinh vùng khó, anh thường tìm hiểu, viết bài về đời sống giáo dục vùng cao.

“Trong quá trình tác nghiệp, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Tôi đặc biệt chú trọng đến đồng bào dân tộc thiểu số, vì cuộc sống của họ còn rất thiếu thốn”, anh Nhật cho biết.

Tình cờ trong một lần trò chuyện cùng người bạn, phóng viên Nguyễn Đức Nhật nghe kể về câu chuyện của vợ chồng A Kâm. Vừa thoáng nghe, anh đã rất khâm phục và tò mò muốn tìm hiểu câu chuyện xung quanh lớp học miễn phí này.

Phóng viên Nguyễn Đức Nhật trong một lần tác nghiệp.
Phóng viên Nguyễn Đức Nhật trong một lần tác nghiệp.

Theo tìm hiểu, năm 2014, A Kâm tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, anh kết duyên cùng Y Thoan cũng vừa tốt nghiệp chuyên ngành mầm non. Không tìm được việc, nên vợ chồng anh trở về làng làm thuê kiếm sống.

Thấy những đứa trẻ trong làng ít quan tâm đến học hành, A Kâm liền nghĩ đến chuyện mở lớp. Anh gõ cửa từng nhà, nhưng dân làng rất dửng dưng, việc vận động học sinh đến lớp càng khó khăn.

A Kâm đi tìm lũ trẻ thuyết phục, nhưng chúng cũng không có hứng thú. Y Thoan bàn với chồng mua bánh kẹo dụ lũ trẻ đi học.

Ngày khai giảng đúng 5 giờ chiều, hơn 30 học sinh đem sách vở đến tập trung trước vuông sân nhà thầy A Kâm. Không diễn văn, không tiếng trống, chỉ có bánh kẹo và tiếng cười đùa - lớp học của vợ chồng thầy A Kâm bắt đầu như thế.

Thấy đi học vui hơn ở nhà, nhiều em bắt đầu tìm đến nhà thầy A Kâm theo học. Lớp học cứ thế đông dần, kéo dài đến tối mịt mới kết thúc.

Lớp học bắt đầu từ thứ Hai đến thứ Sáu, các môn học chủ yếu là toán, văn, tiếng Anh. Do ban ngày 2 vợ chồng phải đi làm rẫy nên chỉ tranh thủ dạy học từ khoảng 5 - 7 giờ tối, có hôm đến 9 giờ đêm.

Sau 5 năm, vợ chồng A Kâm đã tổ chức giảng dạy cho hơn 300 lượt học sinh nghèo.

Vợ chồng A Kâm đã mở lớp học miễn phí tại nhà để dạy học cho con em địa phương. - ảnh NĐN.
Vợ chồng A Kâm đã mở lớp học miễn phí tại nhà để dạy học cho con em địa phương. - ảnh NĐN.

Sau khi bài viết đăng tải trên Báo Thanh niên, đã thu hút đông đảo bạn đọc quan tâm đến các vấn đề về giáo dục. Sự đóng góp, cống hiến của vợ chồng A Kâm vì sự nghiệp giáo dục đã chinh phục hàng triệu trái tim của độc giả quan tâm đến ngành Giáo dục.

Khi biết thông tin Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, với mong muốn lan tỏa câu chuyện ý nghĩa về lớp học miễn phí của vợ chồng A Kâm, phóng viên Nguyễn Đức Nhật đã gửi tác phẩm dự thi.

“Thông qua cuộc thi, tôi mong rằng mô hình lớp học miễn phí như thế này sẽ được nhân rộng để cải thiện chất lượng học tập của học sinh, đặc biệt là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số”, anh Nhật cho hay.

Dù là lần đầu tiên tham gia cuộc thi, phóng viên Đức Nhật cảm nhận đây là cuộc thi rất ý nghĩa để các phóng viên có thể trải lòng về những câu chuyện giáo dục.

Phóng viên Đức Nhật chia sẻ: “Thông qua cuộc thi, tôi mong muốn ngành Giáo dục có thêm nhiều chính sách hỗ trợ thầy và trò vùng khó. Đặc biệt là đối với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ