Ước mơ trở thành giáo viên của nữ sinh nghèo dân tộc Thái

GD&TĐ - Vượt qua rất nhiều đối thủ nặng ký trong kỳ thi học sinh tỉnh môn Lịch sử lớp 12 của tỉnh Nghệ An, Vi Thị Quỳnh Như đã giành vị trí thủ khoa.

Vi Thị Quỳnh Như là người dân tộc Thái, học sinh lớp 12C1, Trường THPT tỉnh Nghệ An. Ảnh NTCC.
Vi Thị Quỳnh Như là người dân tộc Thái, học sinh lớp 12C1, Trường THPT tỉnh Nghệ An. Ảnh NTCC.

Khát vọng thay đổi cuộc sống

Vi Thị Quỳnh Như là người dân tộc Thái, học sinh lớp 12C1, Trường THPT tỉnh Nghệ An. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh do Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An tổ chức, Quỳnh Như đạt 18 điểm môn Lịch sử đứng đầu toàn tỉnh.

Quỳnh Như sinh ra ở xã Ngọc Lâm - một xã miền núi của huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chỉ dựa vào vài sào ruộng cằn cỗi nên cuộc sống của gia đình chật vật, thiếu thốn đủ thứ.

Quỳnh Như luôn khát khao thay đổi cuộc đời, thoát khỏi cảnh bữa no, bữa đói. Từ nhỏ, em đã rất chăm chỉ học tập.

“Bố mẹ em rất ủng hộ việc lựa chọn con đường học tập để thoát nghèo. Nhà có hai chị em, thấy con học trong thiếu thốn, bố mẹ rất thương nhưng vì kinh tế eo hẹp chỉ biết động viên, cổ vũ tinh thần”, Quỳnh Như trải lòng.

Vì gia đình khó khăn, những năm học THCS, Quỳnh Như quyết tâm ôn luyện nhằm thi đậu vào Trường THPT DTNT tỉnh để bố mẹ không phải lo lắng chi phí học tập trong những năm THPT.

“Ngày nhận được kết quả em đậu vào trường THPT DTNT, cả nhà em đã mừng khôn xiết. Em nói với bố mẹ cuộc đời con đã bước sang một trang mới”, Quỳnh Như chia sẻ.

Thế rồi, những năm tháng sống và học tập ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An Quỳnh Như luôn chăm chỉ, thức khuya dậy sớm học bài.

Vốn có tình yêu với môn Lịch sử cộng thêm được nhà trường tạo điều kiện học tập, nữ sinh không chỉ học những kiến thức trong sách giáo khoa mà còn tận dụng thời gian được sử dụng máy tính của thư viện tìm đọc tài liệu ở trên mạng.

“Nhiều người có suy nghĩ học môn Lịch sử khô khan. Trước ý kiến đó, em rất tò mò và muốn tự chinh phục có phải vậy không. Nhưng quá trình học, em nhận ra rằng môn học này như một cuộc phiêu lưu, không hề khô khan chút nào, chỉ cần đặt tâm vào học bạn sẽ thấy được sự hấp dẫn.

Quỳnh Như (hàng thứ 2, đứng thứ 3 từ trái sang) cùng cô giáo đến thắp hương tại đền thờ Hoàng đế Quang Trung trước ngày đi thi. Ảnh NTCC.

Quỳnh Như (hàng thứ 2, đứng thứ 3 từ trái sang) cùng cô giáo đến thắp hương tại đền thờ Hoàng đế Quang Trung trước ngày đi thi. Ảnh NTCC.

Quá trình học, em luôn tìm ra từ khóa, mấu chốt của vấn đề để cho dễ nhớ, nhớ lâu hơn. Em không học theo kiểu máy móc. Em chú tâm đọc để hiểu vấn đề. Ngoài ra, em thường xuyên liên hệ với những vấn đề xảy ra trong những năm gần đây để mở rộng kiến thức, tư duy sâu hơn về lịch sử trong nước và thế giới”, nữ sinh chia sẻ.

“Nhìn bố mẹ ngày ngày dầm mưa dãi nắng vất vả, em đã hứa với mình kiên trì theo đuổi học tập để sau này có công ăn việc làm ổn định, bù đắp cho gia đình. Em cũng muốn em trai em có cuộc sống tốt hơn, được học tập trong môi trường đầy đủ”, Vi Thị Quỳnh Như tâm sự.

Ước mơ trở thành giáo viên

Vốn đam mê môn Lịch sử vì vậy nữ sinh Vi Thị Quỳnh Như mong muốn mình trở thành một cô giáo để truyền cảm hứng và tình yêu môn Lịch sử.

Bên cạnh đó, nữ sinh người Thái cũng muốn ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để các bạn trẻ có thể tiếp cận với Lịch sử một cách mới mẻ hơn, không còn nặng nề là môn học thuộc, khô khan.

Là người đồng hành cùng Quỳnh Như từ ngày mới vào trường, cô Nguyễn Khánh Ly, giáo viên môn Địa lí, Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Quỳnh Như khá trầm tính, ít chia sẻ. Thế nhưng, em ấy rất có ý chí vươn lên trong học tập cũng như cuộc sống.

Mỗi buổi học, mỗi lần ôn thi, Quỳnh Như luôn tập trung cao độ, làm việc có hiệu quả và quyết tâm để đạt được dự định của mình.

Khi tham dự bất kỳ một kỳ thi nào, em ấy cũng rất nghiêm túc để học tập, xây dựng lộ trình học cũng như mục tiêu rõ ràng. Với môn Lịch sử, em rất say mê và học bằng cả trái tim”.

Cô Nguyễn Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An cho biết: “Gia đình Quỳnh Như điều kiện sống khó khăn, thuộc hộ nghèo của xã, nhưng bạn ấy có tính tự lập rất cao, ý thức tự học rất tốt. Quỳnh Như để lại cho tôi ấn tượng lớn về sự nghị lực, ý chí thoát nghèo, sự nỗ lực trong các cuộc thi và đặc biệt quyết tâm cho kỳ thi đại học sắp tới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.