Đổi mới dạy và học Sử
Theo cô giáo Phạm Thị Hồng, là một giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ môn Lịch sử đã được 25 năm. Trong quá trình công tác, cô thường xuyên quan tâm đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy môn Lịch sử để mong xóa bỏ được ý nghĩ của học sinh rằng đây là môn khô khan, nhàm chán, khó học… Vậy làm sao để môn học này hấp dẫn học sinh?
Trả lời câu hỏi đó, cô đã không ngừng tìm tòi và đổi mới phương pháp giảng dạy. Quá trình dạy học luôn động viên học sinh, nỗ lực hết sức để truyền đạt kiến thức sao cho các em yêu thích môn học.
"Kết quả tôi nhận được ngoài sự mong đợi, các em học sinh trường tôi rất đam mê yêu thích bộ môn Lịch sử, đã đăng kí thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp trường, cấp tỉnh, cấp Quốc gia ngày càng đông và đạt được kết quả cao", cô Hồng nói.
Theo cô Hồng, thay đổi cách dạy, học sinh không phải ngồi một chỗ ghi chép, học thuộc rồi trả bài như trước mà thường xuyên được đến bảo tàng, gặp gỡ các nhân vật lịch sử, tham gia hoạt động trải nghiệm. Được tự trải nghiệm và cảm nhận, học sinh trở nên say mê và thấu hiểu, từ đó nảy sinh tình yêu thương, cảm phục, lòng tự hào và tự tôn dân tộc. Điều này đã tạo đổi thay tích cực, có đến 80% học sinh Trường THPT Chu Văn An đều đăng kí dự thi tốt nghiệp môn Lịch sử.
Giáo viên phải chủ động thay đổi trong cách dạy học. |
Cần định hướng phương pháp hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung. Theo đó, chú trọng phương pháp hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu: Thông qua việc tổ chức các hoạt động học tập, giáo viên giúp học sinh từng bước hình thành và phát triển lòng yêu nước, tinh thần dân tộc chân chính; niềm tự hào về truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước;
Học sinh là chủ thể sáng tạo
Cô Phạm Thị Hồng cho rằng: Thông qua các bài học lịch sử, giáo viên cần truyền cảm hứng để học sinh yêu thích, có ý thức tìm tòi, khám phá lịch sử. Đặc biệt quan tâm hình thành và phát triển các năng lực chung như năng lực tự chủ và tự học thông qua các hoạt động học tập như thu thập thông tin từ các nguồn sử liệu trình bày ý kiến cá nhân về sự kiện, nhân vật, quá trình lịch sử, khảo sát, thực hành lịch sử trên thực địa, di tích lịch sử và văn hóa ở địa phương; Vận dụng kiến thức lịch sử để giải thích các vấn đề thực tế, tìm tòi, khám phá và tự học lịch sử.
Phát huy năng lực giao tiếp và hợp tác được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động nhóm, hoạt động trải nghiệm tại thực địa, bảo tàng, di tích lịch sử và văn hóa; hoạt động phỏng vấn nhân chứng lịch sử. Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động phát hiện vấn đề, nêu giả thuyết, ý kiến cá nhân về sự kiện, nhân vật lịch sử, tìm logic trong cách thức giải quyết vấn đề và vận dụng bài học kinh nghiệm lịch sử trong thực tế cuộc sống.
"Dạy học một cách tích cực sẽ giúp giáo viên không đặt trọng tâm vào việc truyền đạt kiến thức lịch sử cho học sinh mà chú trọng hướng dẫn học sinh nhận diện, khai thác các nguồn sử liệu. Từ đó tái hiện quá khứ, nhận thức lịch sử, đưa ra suy luận, đánh giá về bối cảnh, nguồn gốc, sự phát triển của sự kiện, quá trình lịch sử để tìm kiếm sự thật lịch sử một cách khoa học, vận dụng kiến thức lịch sử vào thực tiễn, từ đó hình thành và phát triển năng lực lịch sử cho học sinh.
Đưa học sinh thành chủ thể sáng tạo trong các hoạt động học mà chơi. |
Người dạy giúp học sinh biết cách tìm tòi, khai thác các nguồn sử liệu, đồng thời biết cách phân tích sự kiện, quá trình lịch sử và tự mình rút ra những nhận xét, đánh giá, tạo cơ sở phát triển năng lực tự học lịch sử suốt đời và khả năng ứng dụng vào cuộc sống những hiểu biết về lịch sử, văn hoá, xã hội Việt Nam và thế giới. Các hình thức tổ chức dạy học môn Lịch sử bao gồm các hoạt động dạy học ở trong và ngoài lớp học", cô giáo Phạm Thị Hồng nhấn mạnh.
Cũng theo cô giáo này, giáo viên cần tăng cường mở rộng không gian dạy học trên thực địa (di tích lịch sử, di sản văn hoá, bảo tàng, triển lãm,...), kết hợp các hoạt động dạy học trong lớp học với hoạt động trải nghiệm trên thực tế. Thông qua việc kết hợp các hình thức hoạt động đa dạng như thảo luận nhóm, làm việc nhóm, làm việc cá nhân,... giáo viên giúp học sinh trở thành “người đóng vai lịch sử” để khám phá lịch sử, vận dụng sáng tạo kiến thức vào các tình huống học tập và thực tiễn cuộc sống
Để nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục Lịch sử, cần chú trọng kết hợp giữa giáo dục lịch sử trong nhà trường với gia đình và xã hội. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông: Khuyến khích học sinh tự tìm đọc, thu thập tư liệu lịch sử trên mạng Internet, trong thư viện và trong các hệ thống cơ sở dữ liệu khác để thực hiện các nghiên cứu của cá nhân hoặc nhóm; Phát triển kĩ năng sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin để hỗ trợ việc tái hiện, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử.
"Chương trình môn Lịch sử được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực, vì vậy phương pháp dạy học chủ đạo là tích cực hoá hoạt động của người học. Phương pháp dạy học tích cực chú trọng tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động học tập gắn với những tình huống của cuộc sống; Gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn;
Tăng cường tự học, làm việc trong nhóm nhằm phát triển các phẩm chất chủ yếu, các năng lực chung (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo) và năng lực lịch sử cho học sinh, đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông". - Cô giáo Phạm Thị Hồng