Hơn 700 thầy cô THPT tranh tài thi giáo viên giỏi cấp tỉnh Nghệ An

GD&TĐ - Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THPT tỉnh Nghệ An năm 2023 có nhiều nét đặc thù, là cơ hội để các thầy cô sáng tạo, thể hiện năng lực.

Giờ dạy học tại Trường THPT Mường Quạ (huyện Con Cuông, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài
Giờ dạy học tại Trường THPT Mường Quạ (huyện Con Cuông, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Ngày 24/10, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Lễ khai mạc Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THPT năm 2023. Hội thi năm nay có sự tham gia của 706 giáo viên đến từ 79 trường THPT và 15 trung tâm Giáo dục thường xuyên, Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp trong toàn tỉnh.

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THPT năm 2023 tỉnh Nghệ An có 706 thầy cô tham gia. Ảnh: Hồ Lài.

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THPT năm 2023 tỉnh Nghệ An có 706 thầy cô tham gia. Ảnh: Hồ Lài.

Trước đó, Ban tổ chức đã cân đối tỷ lệ giáo viên dự thi không quá 10% tổng số cán bộ, giáo viên của trường. Với trường trọng điểm, thực hiện mô hình tiên tiến tỷ lệ không quá 15%. Tuy nhiên có đến 40 trường đăng ký vượt chỉ tiêu. Trong đó có nhiều trường đến từ các trường ở huyện miền núi cao như Trường THPT Tương Dương 2, Trường THPT Mường Quạ… hoặc trường mới thành lập như THPT Hoàng Mai 2.

Về phía ngành giáo dục đã tạo điều kiện để tất cả các giáo viên đủ điều kiện được tham gia và được thể hiện năng lực. So với kế hoạch ban đầu, số lượng giáo viên đăng ký dự thi vượt 4,24%. Điều này, thể hiện trách nhiệm, tình cảm, sự đam mê nghề nghiệp của các giáo viên trong toàn tỉnh với tinh thần vì giáo dục, vì học sinh thân yêu và đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.

Các đại biểu dự lễ khai mạc Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THPT tỉnh Nghệ An năm 2023. Ảnh: Hồ Lài

Các đại biểu dự lễ khai mạc Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THPT tỉnh Nghệ An năm 2023. Ảnh: Hồ Lài

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Võ Văn Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, cho biết hội thi năm nay có nhiều nét đặc thù. Đây là hội thi lần đầu tiên được thực hiện theo Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với cấp THPT. Trong đó sự thay đổi lớn nhất là sự thay đổi về nội dung của hội thi.

Thực hiện theo Thông tư 22, mỗi giáo viên tham gia hai nội dung, gồm báo cáo một biện pháp do giáo viên đã thực hiện trong giảng dạy có tác động tích cực đến quá trình dạy học và 1 tiết thực hành giảng dạy trực tiếp do ban tổ chức quy định. Sự thay đổi này cho thấy, hội thi đã trở thành nơi trao đổi chuyên môn có chiều sâu và thúc đẩy quá trình đổi mới trong dạy học.

Ông Võ Văn Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An mong muốn giáo viên dự thi sẽ thể hiện được hết năng lực, sáng tạo trong dạy học. Ảnh: Hồ Lài

Ông Võ Văn Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An mong muốn giáo viên dự thi sẽ thể hiện được hết năng lực, sáng tạo trong dạy học. Ảnh: Hồ Lài

Đặc thù thứ 2 là hiện chương trình GDPT 2018 đã triển khai đến lớp 11. Vì thế, trong nội dung dự thi của các thầy cô thuộc 2 chương trình: Chương trình GDPT 2018 đối với khối 10 và 11, Chương trình GDPT 2006 đối với lớp 12.

“Trong đặc thù thực hiện đồng thời 2 chương trình dạy học sẽ có vất vả riêng, nhưng đây cũng là cơ hội để các thầy cô thể hiện năng lực chuyên môn, sự sáng tạo và tỏa sáng trong hội thi. Tất cả thầy cô giáo về dự thi lần này đều đã là thắng lợi. Nội dung hội thi cũng là công việc hàng ngày của giáo viên ở trường. Vì thế, thay mặt ban tổ chức tôi mong các thầy cô không tự tạo ra áp lực, mà bình tĩnh, tự tin đạt kết quả tốt nhất”, ông Võ Văn Mai nhấn mạnh.

Đại diện các đơn vị có giáo viên tham gia nhận phiếu dự thi giáo viên giỏi cấp THPT tỉnh Nghệ An. Ảnh Hồ Lài

Đại diện các đơn vị có giáo viên tham gia nhận phiếu dự thi giáo viên giỏi cấp THPT tỉnh Nghệ An. Ảnh Hồ Lài

Về phía ban giám khảo, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đề nghị trong quá trình chấm thi cần công tâm, khách quan, đúng thực chất về kết quả của giáo viên dự thi.

Hội thi năm nay được triển khai với chủ đề Đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng các biện pháp dạy học nhằm phát triển phẩm chất năng lực học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy ở các nhà trường.

Đây cũng là dịp để khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho giáo viên trao đổi chuyên môn, rèn luyện tay nghề, tăng cường tính tự chủ, tự học, đổi mới, sáng tạo và phổ biến kinh nghiệm trong công tác giảng dạy.

Theo kế hoạch, hội thi diễn ra trong gần 1 tháng tại 3 địa điểm là Trường THPT Lê Viết Thuật, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn và Trường THPT Cửa Lò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các nhà nghiên cứu đã kết nối song song nhiều sợi và dệt chúng lại với nhau thành một loại vải. Ảnh: Đại học Linkoping

Vải thông minh mang lại sức mạnh

GD&TĐ - Vải kết hợp với cơ bắp nhân tạo là một lĩnh vực nghiên cứu mới có nguồn gốc từ Đại học Linkoping và Đại học Boras (Thụy Điển).