Ước mơ trở thành bác sỹ của cậu sinh viên mắc bệnh tan máu bẩm sinh

GD&TĐ - Không may bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), Nguyễn Thái Sơn (Hà Nội) đã vượt lên hoàn cảnh để viết tiếp ước mơ trở thành bác sỹ của mình. Hiện em đang là sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Y tế Công cộng.

Nguyễn Thái Sơn trong một buổi truyền thông về bệnh tan máu bẩm sinh
Nguyễn Thái Sơn trong một buổi truyền thông về bệnh tan máu bẩm sinh

Vượt lên số phận

Gặp Sơn trong một buổi truyền thông về căn bệnh Thalassemia, nhìn em nhỏ bé hơn nhiều so với lứa tuổi mười chín, đôi mươi của mình.

Thoạt đầu, ai cũng nghĩ em đang tuổi thiếu niên và là học sinh THCS, nhưng khi em giới thiệu đang là sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Y tế Công cộng và đang phải sống chung với căn bệnh Thalassemia từ khi còn nằm trong nôi, ai nấy đều khâm phục ý chí và nghị lực vươn của em.

Vượt lên số phận, Sơn đã cố gắng học tập và học rất giỏi, với thành tích là 12 năm liền đều là học sinh khá, giỏi. Đặc biệt, kỳ thi THPT năm 2015, em đủ điểm để đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội, nhưng em đã chọn Trường Đại học Y tế Công cộng để theo học.

"Sở dĩ em chọn học trường này là vì gần nhà và thuận tiện cho việc vào viện điều trị bệnh. Hơn nữa, em chọn trường này một phần cũng là để thực hiện tâm nguyện: Tuyên truyền đến cộng đồng về căn bệnh mà chính em đang mắc phải. Người thật, bệnh thật, tuyên truyền chắc sẽ hiệu quả hơn..." - Sơn dí dỏm nói và cho biết em sẽ chăm chỉ học tập, nỗ lực hết mình để trở thành bác sỹ của cộng đồng mà em đã từng mơ ước.

Học tập cũng cần có "mẹo"

Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Sơn cho hay: Điều kiện sức khỏe của em không chó phép thức khuya, dạy sớm để học bài, nên trong giờ học trên lớp em chăm chú nghe thầy, cô giáo giảng bài và làm bài tập trong sách giáo khoa. Chỗ nào không hiểu em thường hỏi luôn bạn bè hoặc là thầy, cô để nhận được sự trợ giúp.

"Theo em trong tập cũng cần có "mẹo". Chẳng hạn với các môn như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, sau mỗi bài học, em thường ghi các công thức, hoặc các chi tiết "đắt nhất" của bài học đó vào tờ giấy vàng rồi dán lên góc học tập. Sau đó áp dụng bằng các bài tập thực hành. Với cách này vừa giúp em ghi nhớ kiến thức và hình thành được kỹ năng tổng hợp" - Sơn chia sẻ.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của Sơn, các bạn có thể học bằng cách ghi nhớ kiến thức theo kiểu chọn từ khóa hoặc là thiết lập cây thư mục.

"Tùy từng môn, từng bài học để có thể lựa chọn phương pháp học tập sao cho hiệu quả với khả năn của mình nhất. Đặc biệt, tuyệt đối không được lơ là kiến thức trong sách giáo khoa. Đây là phần kiến thức cơ bản nhất và quan trọng vì thế cần phải nắm chắc thì mới có thể phát triển nội dung bài học theo hướng nâng cao" - Sơn bộc bạch.

Ước mơ trở thành bác sỹ trong lĩnh vực y tế công cộng

Tuy nhiên, để có được kết quả như ngày hôm nay, Sơn đã phải cố gắng rất nhiều để vượt lên chính mình.

"Hồi em học bậc THCS và THPT. Lứa tuổi đáng yêu nhất của cuộc đời với những trò tinh nghịch của học trò, thì em lại không được tham gia. Nhiều lúc nhìn các bạn chơi đá cầu với nhau mà em thấy tủi thân.

Có những lúc mệt mỏi vì phải điều trị trong bệnh viện em đã có ý nghĩ buông xuôi. Nhưng rồi, được gia đình, thầy, cô, bạn bè và các bác sỹ động viên em đã lấy lại được động lực cho mình. Đó cũng là lý do vì sao em mong muốn trở thành bác sỹ trong lĩnh vực y tế công cộng" - Sơn trải lòng.

Qua tìm hiểu được biết, hiện Sơn rất tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và trở thành một trong những thành viên tích cực của câu lạc bộ sinh viên tình nguyện - Trường Đại học Y tế Công cộng.

Em tâm sự: "Tham gia các hoạt động xã hội cho em nhiều trải nghiệm thú vị và phát triển được nhiều kỹ năng mềm. Điều này rất có ý nghĩa cho công việc của em sau này, mặt khác cũng giúp em tự tin, lạc quan hơn và quên đi việc mình đang là một người bệnh".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.