Ước mơ làm chiến sĩ Công an của cậu học trò dân tộc Thổ

Cậu học trò dân tộc Thổ đang là niềm tự hào, nguồn động viên to lớn đối với ngôi trường nằm ở vùng khó khăn của huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ước mơ làm chiến sĩ Công an của cậu học trò dân tộc Thổ

“Môn Sử giúp em hiểu về cội nguồn dân tộc, truyền thống yêu nước, sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh trong công cuộc dựng nước và giữ nước để đất nước ta được thanh bình như ngày hôm nay”. Đó là lời tâm sự của cậu học trò người dân tộc Thổ Đinh Công Sơn, Trường THCS Đạo Trù, huyện Tam Đảo.

Niềm tự hào của nhà trường

Nhắc đến em Đinh Công Sơn, học sinh lớp 9 trường THCS Đào Trù, phụ huynh, học sinh và các thầy cô trong trường ai ai cũng biết. Sơn được mọi người yêu quý bởi tinh thần hiếu học, luôn năng nổ nhiệt tình trong các hoạt động của trường, lớp và biết quan tâm, gần gũi với các bạn.

Giới thiệu về nhà trường và cậu học trò Đinh Công Sơn, nhà giáo Lê Mạnh Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THCS Đạo Trù cho biết: Đơn vị nằm trên địa bàn xã Đạo Trù, thuộc khu vực khó khăn của huyện Tam Đảo. Đa số học sinh trên địa bàn là người dân tộc thiểu số. Về tư tưởng và mong muốn, đồng bào rất khát vọng con em học tập và vươn xa ra bên ngoài xã hội. Tuy nhiên, do nhận thức, trình độ dân trí chưa cao nên phương pháp dạy bảo, quan tâm đến học tập của con em hạn chế, thường phó mặc cho nhà trường và thầy cô về chuyện học tập.

Bên cạnh đó, người dân chủ yếu tập trung làm ăn, mưu sinh nên con cái học tập, tiến bộ chủ yếu do nhà trường và các cấp chính quyền tuyên truyền, hướng dẫn hay do tự thân các em nỗ lực, cố gắng. Vì thế đã rất nhiều năm qua, kết quả thi học sinh giỏi của nhà trường rất thấp so với các trường trong huyện và trên phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, trong năm học 2021 – 2022, nhà trường bất ngờ đón nhận tin vui khi có 2 học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện và tỉnh, trong đó em Đinh Công Sơn đạt giải Khuyến Khích cấp tỉnh môn Lịch sử.

“Vì là địa bàn đặc thù, lại là vùng khó khăn nên quan điểm giáo dục của nhà trường là vận dụng tốt việc bảo tồn phong tục, tập quán địa phương và chia sẻ những sinh hoạt cộng đồng để tranh thủ các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và gần gũi, cởi mở, thân thiện với người dân. Thông qua những tấm gương sáng như của em Sơn, cùng các hình thức tuyên truyền khác nhau để để vận động phụ huynh học sinh chăm lo, giúp đỡ, đồng hành cùng nhà trường; nhắc các em học tập hàng ngày”, nhà giáo Lê Mạnh Quỳnh khẳng định.

Ước mơ làm chiến sĩ Công an của cậu học trò dân tộc Thổ ảnh 1

Sơn là người đại diện dân tộc Thổ được vinh danh trong Lễ tuyên dương giáo viên, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu, xuất sắc năm học 2021 -2022 của tỉnh Vĩnh Phúc

Nói về niềm đam mê với môn Lịch sử, Đinh Công Sơn chia sẻ: Từ nhỏ, em đã được nghe những người già trong làng kể về những câu chuyện lịch sử của dân tộc mình và của đất nước. Lớn lên, em được thầy cô dạy về những truyền thuyết đó để biết rộng, hiểu sâu hơn về những nhân vật trong lịch sử và truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.

“Trong khi nhiều bạn cùng trang lứa ngại học môn Lịch sử thì em lại rất yêu thích môn học này, càng học em lại thấy hay. Em không có nhiều sách tham khảo Lịch sử. Em chỉ lắng nghe cô giảng, ghi chép bài về nhà em học và đọc đi đọc lại sách giáo khoa, tài liệu bồi dưỡng cô giáo đưa em tham khảo em đều học hết. Niềm say mê và sự hứng thú khiến em nghiên cứu để hiểu bản chất vấn đề chứ không học vẹt”, Đinh Công Sơn cho biết thêm.

Nhiều người cho rằng, việc đạt điểm cao môn Lịch sử là cần học thuộc lòng, về điều này Công Sơn lại nghĩ khác: Theo em, ý kiến học thuộc môn Lịch sử là chưa thật sự đúng lắm, bởi ở một số câu hỏi, ngoài việc nhớ được mốc thời gian, diễn biến sự kiện thì cần phải có tư duy đánh giá và xâu chuỗi các vấn đề lại với nhau, từ đó mới chọn được đáp án đúng.

Với niềm yêu thích đặc biệt, sự say nghiên cứu và những cố gắng miệt mài học tập ở môn Lịch sử, năm học vừa qua, Sơn đã đạt giải Khuyến Khích cấp tỉnh môn Lịch sử. Đồng thời, em Sơn còn là người đại diện dân tộc Thổ được vinh danh trong Lễ tuyên dương giáo viên, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu, xuất sắc năm học 2021 -2022 của tỉnh Vĩnh Phúc.

Ước mơ làm chiến sĩ Công an

Sinh ra và lớn lên nơi vùng quê nghèo, cậu học trò người Thổ tự ý thức rằng, chỉ có con đường học vấn mới có thể đưa cậu đến tương lai tươi sáng hơn, góp sức gánh vác gia đình và cống hiến cho quê hương.

Có thể đối với nhiều trường khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thì giải Khuyến Khích cấp tỉnh của Sơn đạt được chưa phải thành tích quá cao nhưng với ngôi trường nằm trên địa bàn còn nhiều khó khăn như Trường THCS Đạo Trù thì đây chắc chắn là một thành tích lớn, một bước ngoặt mới. Đây không chỉ là niềm vui đối với cá nhân, gia đình Sơn mà còn là vinh dự tự hào của nhà trường, địa phương và cả cộng đồng dân tộc của em.

Ước mơ làm chiến sĩ Công an của cậu học trò dân tộc Thổ ảnh 2

Lãnh đạo Trường THCS Đạo Trù động viên 2 học sinh có thành tích xuất sắc

Nhắc đến ước mơ trong tương lai, Đinh Công Sơn không giấu nổi sự háo hức mong đợi: "Từ nhỏ, thấy các cô, chú Công an trong quân phục trang nghiêm nhưng rất đẹp, gần gũi với bà con mỗi khi về làng nên từ đó em đã ước trở thành một chiến sĩ Công an nhân dân. Và em ước mơ vào ngành Công an để trở thành một người chiến sĩ công an dũng cảm, không sợ nguy hiểm, đem hết tâm sức cống hiến cho xã hội, bảo vệ sự bình yên của nhân dân".

Để biến ước mơ đó thành hiện thực, sắp tới, Sơn đặt mục tiêu thi đỗ vào lớp 10 THPT công lập và em sẽ tiếp tục theo đuổi khối C để vào ngành An ninh.

Nhận xét về em Đinh Công Sơn, nhà giáo Lê Mạnh Quỳnh cho biết: Sơn là một học sinh có ý chí và nỗ lực vươn lên. Em là học trò chăm chỉ, ngoan ngoãn, thành tích em đạt được là niềm vinh dự, tự hào của nhà trường. Bên cạnh thành tích đáng nể, Sơn luôn tham gia đầy đủ và tích cực các hoạt động của trường lớp, luôn thân thiện, hoà nhã và thường hay giúp đỡ các bạn trong học tập cũng như các công việc nên được thầy cô và bạn bè quý mến. Sơn thực sự là tấm gương sáng, cổ vũ và khơi dậy ước mơ, hoài bão cho nhiều học sinh noi theo.

Thông tin từ nhà giáo Lê Mạnh Quỳnh, năm học 2022-2023, Trường THCS Đạo Trù có 25 lớp với 1.074 học sinh. Trong đó, tỷ lệ học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 89,60%, chủ yếu là dân tộc Sán Dìu. Hiện, số lượng người dân tộc Thổ sinh sống trên địa bàn xã là rất ít, chiếm tỉ lệ khoảng 1% dân số (hơn chục người). Đa phần họ có nguồn gốc từ tỉnh Phú Thọ về sinh sống tại tỉnh Vĩnh Phúc qua con đường hôn nhân với người Sán Dìu. Người Thổ nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, chăn nuôi như người bản địa.

Theo giaoducthoidai.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ