Ước mơ của nữ sinh bản Mông

GD&TĐ - “Trong bản của em có người tham gia vận chuyển, buôn bán ma túy, thuốc phiện và bị bắt giữ. Vì thế, ước mơ của em là học tốt để sau này thi đậu vào trường an ninh, trở thành 1 chiến sĩ công an, tuyên truyền cho người dân từ bỏ ma túy”, nữ sinh dân tộc Mông - Thò Ý Sinh tâm sự.

Thò Ý Sinh và cô giáo bồi dưỡng môn Vật lý
Thò Ý Sinh và cô giáo bồi dưỡng môn Vật lý

“Yêu quý cô giáo nên cố gắng học giỏi”

Là một trong 3 học sinh trong đội tuyển HSG tỉnh môn Vật lý lớp 9, Thò Ý Sinh (lớp 9A1, Trường PT DTNT THCS Quế Phong, Nghệ An) đang nỗ lực ôn tập, bồi dưỡng kiến thức. Em cũng là học sinh có thành tích học tập nằm trong tốp đầu của trường, liên tục xếp loại học lực giỏi, với điểm trung bình chung học tập các năm lớp 6 - 7 - 8 lần lượt là 8,1 - 8,2 - 8.6.

Thò Ý Sinh có thế mạnh về các môn Khoa học tự nhiên. Đây cũng là điểm đặc biệt vì theo các giáo viên của trường chia sẻ, thông thường học sinh dân tộc thiểu số có khả năng học các môn xã hội hơn. Trong đó, môn Toán là “đam mê đầu tiên” của em, lý do năm lớp 4 cô giáo chủ nhiệm phát hiện ra Thò Ý Sinh có năng lực học tốt môn này và chú ý bồi dưỡng, dạy nâng cao thêm cho em. “Vì yêu quý cô nên em theo môn Toán luôn”, nữ sinh người Mông giải thích đơn giản.

Càng học lên cao em càng có niềm hứng thú với môn Toán, sau đó là Vật lý, Hóa học… những môn em được tiếp xúc sâu hơn ở bậc THCS. Đến năm lớp 9, em vào đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý vì “đây là môn học có tính ứng dụng cao, có những bài học áp dụng ngay được vào cuộc sống nên em thấy rất hứng thú. Em sẽ cố gắng ôn tập để đạt kết quả tốt nhất tại kỳ thi” - Thò Ý Sinh cho biết.

“Em muốn trở thành công an”

Cô Nguyễn Ngọc Dương, giáo viên Vật lý - đang trực tiếp bồi dưỡng Sinh cho biết: Em Thò Ý Sinh là một cô bé thông minh, chăm chỉ, ý thức tự học tốt. Những tố chất này được thầy cô phát hiện ngay từ đầu năm lớp 6. Trong lúc nhiều bạn chưa thông thạo tiếng Việt thì em phát âm chuẩn và nắm vững ngữ pháp. Riêng môn Vật lý em có khả năng nắm bắt vấn đề nhanh, tư duy logic để vận dụng kiến thức vào giải đề khó.

Một điều đáng nể nữa ở cô nữ sinh vùng cao này là em có nhận thức rất tiến bộ, tự chủ. Trước đây, có nhiều trường hợp nữ sinh người dân tộc Mông dù học rất khá nhưng sớm nghỉ học lấy chồng. Nhưng với em Sinh thì em luôn đặt nhiệm vụ học tập lên hàng đầu.

Sinh cho biết gia đình em có 3 anh em, nhà ở bản Minh Châu, xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong. Bố mẹ ở nhà đi rẫy, ít học nhưng cả 3 anh em đều chăm chỉ, học tập tốt. Anh trai của Sinh đang là học viên năm thứ 2 Trường Sỹ quan Lục quân (Sơn Tây, Hà Nội), còn em gái Sinh đang học lớp 7, cũng tại Trường PT DTNT THCS Quế Phong.

Hỏi Sinh sau khi học xong lớp 9 em dự định thế nào, cô bé tâm sự: “Em phấn đấu thi vào Trường THPT DTNT số 2 tỉnh Nghệ An và mong muốn sau này trở thành chiến sĩ công an. Lý do em biết một số người trong xã vận chuyển, mua bán ma túy trái phép và bị công an bắt giữ. Cuộc sống những gia đình đó sau này khổ, nghèo đói vì mất đi lao động chính, con cái cũng vất vả theo. Vì thế, em muốn trở thành công an, được trở về giúp giữ gìn an ninh trật tự tại quê hương, tuyên truyền cho bà con dân bản tránh xa ma túy, không vi phạm pháp luật”.

Giờ đây, ngoài học tập là nhiệm vụ chính, nữ sinh người Mông còn rèn luyện thể dục, thể thao để có đủ cân nặng, chiều cao, sau này đăng ký thi vào ngành an ninh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.