Phương pháp giúp con vượt qua mặc cảm, trở thành đứa trẻ tự tin

GD&TĐ - Có những chi tiết tưởng chừng không đáng chú ý, nhưng lại là dấu hiệu của sự tự ti ẩn sâu trong lòng trẻ.

Phụ huynh nên chủ động lắng nghe và ghi nhận ý kiến của con. Ảnh minh họa: INT.
Phụ huynh nên chủ động lắng nghe và ghi nhận ý kiến của con. Ảnh minh họa: INT.

Chúng có thể nghĩ rằng mình không xứng đáng nhận được những điều tốt nhất hoặc sợ bị người khác chê bai, chế giễu.

Mặc cảm, tự ti ở trẻ có thể bắt nguồn từ những so sánh trong cuộc sống hoặc trải nghiệm chưa tích cực. Nếu không được điều chỉnh kịp thời, điều đó sẽ để lại hệ quả xấu đến sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.

Yếu tố gây mặc cảm

Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, mặc cảm thấp kém được hiểu là khi ta luôn luôn cảm thấy như những gì bản thân làm là chưa đủ. Điều đó bắt nguồn từ việc ta cho rằng mình kém hơn những người khác về mặt thể chất hay tinh thần, bất kể là những suy nghĩ đó có cơ sở hay không.

Cảm thấy thấp kém là điều bình thường đối với trẻ. Với lứa tuổi này, những cảm giác đó là động lực để phát triển. Từ đó, giúp trẻ trở thành những con người có ích với xã hội.

Những đứa trẻ được dạy cách đối mặt thử thách có thể vượt qua được cảm giác mặc cảm, tự ti và học cách chấp nhận khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, đôi khi, cảm giác tự ti có thể trở nên lấn át.

Nguyên nhân có thể là do tổn thương tâm lý, ngược đãi hay khiếm khuyết về tâm thần hoặc thể chất. Từ đó, những cảm giác này bám theo trẻ tới tận lúc trưởng thành.

Dựa theo mô hình các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của nhà tâm lý học người Mỹ Erik Erikson, những đứa trẻ bị bạo hành về cả mặt tinh thần hoặc thể chất, đặc biệt là do không thể làm những việc quá khó, có thể sẽ ghi nhận những mặc cảm đó và mất đi sự tự tin.

Bên cạnh đó, nhiều đứa trẻ bị thiếu thốn tình thương do phụ huynh không coi trọng hoặc chỉ vì cha mẹ không đủ quan tâm có thể cố gắng đạt nhiều thành tựu để có được sự chú ý. Nếu khi đó, chúng vẫn không được quan tâm, có thể hiểu mình chưa đủ tốt để nhận được chú ý từ cha mẹ, dẫn đến trẻ sẽ phát triển cảm xúc thấp kém, mặc cảm.

“Tại sao con lại dốt thế nhỉ”; “Chuyện dễ như thế này mà không làm được, lớn lên biết làm cái gì?”… có lẽ là những câu mà không ít phụ huynh nói với con mình. Theo một nghiên cứu của Đại học Iowa (Mỹ), chỉ có khoảng 20% những gì cha mẹ nói với con hằng ngày theo hướng tích cực và khích lệ.

Trung bình, một đứa trẻ có hơn 30 nhận xét tiêu cực về bản thân mỗi ngày. Bác sĩ nhi khoa nổi tiếng người Mỹ Adele Faber từng nói: “Đừng bao giờ đánh giá thấp tác động của lời nói đối với cuộc sống của một đứa trẻ”.

Mạng xã hội Trung Quốc từng bàn luận sôi nổi về trường hợp của một cô gái 33 tuổi. Cụ thể, cô Phạm Thành Kim (Tiểu Kim), dù đã tốt nghiệp đại học nhiều năm nhưng vẫn không đi làm mà ở nhà. Cô nói rằng, bản thân như vậy là do cách giáo dục sai lầm mà cha mẹ cô gây ra.

Tiểu Kim từ nhỏ đã thích thiết kế. Song, trong mắt cha mẹ cô, đó không phải là một sở thích có thể kiếm được nhiều tiền sau này. Trong mắt cha mẹ, cô là “đồ bỏ đi”. Dù cô có làm tốt việc gì cũng chưa bao giờ được công nhận, thậm chí khi quét nhà cũng bị cha mẹ chế giễu. Những lời nói tiêu cực như vậy không ngừng gieo vào tai cô mỗi ngày, khắc sâu vào tâm trí và không bao giờ có thể xóa bỏ được.

Dù đã trúng tuyển đại học, nhưng Tiểu Kim nhận thấy bản thân không có khả năng giao tiếp với người khác. Sau khi tốt nghiệp, cô tìm được việc làm nhưng vì rụt rè, sợ thất bại cùng với việc không có sự ủng hộ từ gia đình, Tiểu Kim luôn sống trong mặc cảm. Do vậy, sau một thời gian, cô gái này chọn ở nhà, bất chấp cha mẹ mắng mỗi ngày.

giup-con-vuot-qua-mac-cam-1-8647.jpg
Cha mẹ không nên chê bai, chỉ trích và phản đối gay gắt với con. Ảnh minh họa: INT.

Ngừng phủ nhận trẻ

Trong cuốn sách “Ai cũng xứng đáng được Hạnh phúc”, tác giả Thu Hà viết: “Bạn đã bao giờ bị bố mẹ phủ nhận: ‘Loại mày thì làm được cái gì!’? Bạn đã bao giờ từng bị đổ tội: ‘Tất cả là tại mày, mọi chuyện đều do mày, biết thế đẻ ra tao bóp mũi mày luôn cho xong’? Bạn đã bao giờ bị từ chối: ‘Mày không phải con tao. Họ nhà tao không sản sinh ra cái loại như mày’? Bạn đã bao giờ bị áp đặt: ‘Trẻ con không được cãi, người lớn nói sai cũng là đúng, im mồm mà nghe!’…”, tác giả gọi đó là những lời nói sát thương hơn dao chém.

Tác giả Thu Hà cho biết, nhiều người dù đang sống trong những ngôi nhà khang trang, nhìn ngoài tưởng rất ấm êm, nhưng từng rơi vào trầm cảm, cắt cổ tay, uống thuốc ngủ và bỏ nhà đi. Nhiều bạn thú nhận bản thân cực kỳ đau đớn, luôn cảm thấy sự tồn tại của mình là thừa thãi…

“Sao nhiều trẻ em Việt Nam lớn lên thiếu sự tự chủ, thiếu chính kiến nhút nhát, tự ti mặc cảm? Tôi nghĩ, nó xuất phát từ sự áp đặt, cấm đoán và bạo hành khi chúng còn nhỏ. Thường xuyên bị chửi là ngu si dốt nát, là khốn khiếp, bị mạt sát, so sánh tục tĩu với người khác, sao có thể lớn lên khỏe mạnh, lạc quan và tự tin? ‘Con không chê cha mẹ khó’. Giá mà bố mẹ bớt công việc lại cho đỡ vất vả, bớt mệt nhọc, rồi bớt ‘giận cá chém thớt’, để đừng phải bao giờ đối xử tàn bạo với con… Tôi nghĩ, không có tiền thì mình sẽ ăn rau cháo. Rau cháo, hay áo rách, không sợ bằng ăn cá thịt rồi bị đánh chửi tàn sát”, tác giả cho biết.

Nữ tác giả chia sẻ, ở một số nước phát triển, khi bạo hành con, cha mẹ bị xử phạt, nhẹ thì cảnh cáo phạt tiền, phạt lao động công ích, nặng thì xử tù, hoặc tước quyền nuôi con. Tuy nhiên, tại nhiều nước Á Đông, phần lớn người lớn vẫn cho rằng: “Đánh con là chuyện thường, chuyện riêng của mỗi nhà”. Thậm chí, nhiều nhà, chưa bao giờ bố mẹ nói: Xin lỗi con.

giup-con-vuot-qua-mac-cam-2.jpg
Lời nói của cha mẹ có tác động lớn tới trẻ. Ảnh minh họa: INT.

Theo chuyên gia Nguyễn Thị Lanh - Học viện Minh Trí Thành, sự lắng nghe là yếu tố quan trọng trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh chưa có cách dạy con đúng đắn, chỉ giao tiếp với trẻ một chiều, thường xuyên áp đặt và ra lệnh mà không quan tâm đến cảm xúc và ý kiến của con.

Ở trường, trẻ bận rộn với việc nghe thầy cô giảng bài. Khi về nhà, trẻ lại phải nghe cha mẹ dạy dỗ và chỉ trích. Những câu nhận định mang tính tiêu cực như “Con thì biết cái gì, cứ hay nói linh tinh” hay “Không thấy mẹ đang bận đây à, sao con nói nhiều thế?” không chỉ làm giảm sự tự tin, mà còn khiến trẻ cảm thấy bị kìm hãm.

Khi cha mẹ chỉ tập trung vào giao việc mà không lắng nghe con, trẻ có thể cảm thấy mình không được tôn trọng và không có giá trị. Sự thiếu lắng nghe này có thể dẫn đến cảm giác hụt hẫng, thất vọng và tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con. Con có thể tìm đến những mối quan hệ bên ngoài như bạn bè trên mạng xã hội hoặc những nhóm bạn xấu để tìm kiếm sự chú ý và cảm giác được thấu hiểu. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như nghiện chơi điện tử, trốn học, hay thậm chí là các hành vi phản kháng khác.

Do đó, phụ huynh nên chủ động lắng nghe và ghi nhận ý kiến của con. Tập trung 100% vào những điều trẻ nói. Đồng thời, có những phản hồi hay tương tác với con như gật đầu, nhìn vào mắt và trả lời trẻ. Nếu cha mẹ vừa nghe con nói vừa xem tivi, lướt điện thoại hay có những phản ứng hời hợt, điều này không những không đem lại hiệu quả, mà ngược lại còn gây cho trẻ cảm giác hụt hẫng, thất vọng, không được quan tâm.

Ngoài ra, cha mẹ hãy tạo cơ hội để con chia sẻ cảm xúc và trải nghiệm của mình. Một câu hỏi đơn giản như “Hôm nay con đi học thế nào? Có chuyện gì vui không?” có thể gợi mở ra cuộc trò chuyện và giúp trẻ cảm thấy được quan tâm. Điều này giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng, cũng như tăng cường mối liên kết giữa cha mẹ và con.

Khi cảm thấy được lắng nghe, trẻ sẽ tự tin hơn trong việc thể hiện quan điểm của mình. Tuy nhiên, nếu cha mẹ phản ứng hời hợt hoặc đối phó, trẻ sẽ cảm thấy thất vọng và không còn muốn kết nối với gia đình. Điều này có thể dẫn đến những mối quan hệ tiêu cực bên ngoài và các hành vi phản kháng. Nếu không khắc phục được tình trạng này, cha mẹ sẽ không thể có cách dạy con tự tin và tỏa sáng.

Cũng theo chuyên gia, do khoảng cách độ tuổi và trải nghiệm, đôi lúc, những ý kiến quan điểm của trẻ có thể chưa đúng. Song, cha mẹ không nên chê bai, chỉ trích và phản đối gay gắt với con. Thay vào đó, hãy khen con có một góc nhìn mới và sáng tạo, sau đó trao đổi về ý kiến của mình với trẻ, cùng phân tích, so sánh lợi và hại. Từ đó, dẫn dắt con đến quyết định đúng đắn. Nếu cha mẹ chê ý kiến của con, trẻ sẽ xấu hổ, tự ái. Dần dần, trẻ thu mình, e ngại và không còn muốn chia sẻ góc nhìn của mình với cha mẹ hay bất kì ai nữa vì sợ sai, bị đánh giá.

Để khuyến khích con tự tin thể hiện quan điểm, phụ huynh cũng nên tạo môi trường giao tiếp cởi mở và hỗ trợ. Cha mẹ cần thường xuyên tổ chức các cuộc trò chuyện với con về những chủ đề mà trẻ quan tâm. Đồng thời, lắng nghe ý kiến của con một cách nghiêm túc. Khuyến khích con chia sẻ cảm xúc của mình. Phụ huynh không nên quên khen ngợi và ghi nhận những nỗ lực của con khi trẻ thể hiện quan điểm, ngay cả khi cha mẹ không hoàn toàn đồng tình với ý kiến đó.

“Việc khuyến khích trẻ tự tin thể hiện quan điểm là rất quan trọng để giúp con phát triển sự tự lập và khả năng giao tiếp. Khi cảm thấy ý kiến của mình được tôn trọng, con sẽ cảm thấy mình có giá trị và có thể tự tin hơn trong việc bày tỏ ý kiến. Điều này không chỉ giúp con phát triển các kỹ năng xã hội, mà còn tạo ra môi trường gia đình tích cực hơn”, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh chia sẻ.

Thông qua một cuộc khảo sát trẻ em từ hàng trăm gia đình, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Stanford (Mỹ), chỉ ra: Một số trẻ em mặc cảm tiêu cực là do giáo dục gia đình không hợp lý. Nếu cha mẹ không kịp thời phát hiện ra những hành vi giáo dục con không đúng cách, khiến trẻ nảy sinh mặc cảm, tự ti, thì sẽ gián tiếp hủy hoại cuộc đời con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ