Dạy con khiêm tốn nhưng đừng mờ nhạt

GD&TĐ - Dạy con khiêm tốn cũng là cách giúp trẻ sống tích cực, tạo sự gần gũi, đồng cảm và được người xung quanh yêu mến. Tuy nhiên, nếu không có phương pháp đúng đắn, nét tính cách tốt này có nguy cơ phản tác dụng.

Dạy con khiêm tốn cũng là cách giúp trẻ sống tích cực, tạo sự gần gũi, đồng cảm và nhận được yêu mến từ người xung quanh. Ảnh: ITN.
Dạy con khiêm tốn cũng là cách giúp trẻ sống tích cực, tạo sự gần gũi, đồng cảm và nhận được yêu mến từ người xung quanh. Ảnh: ITN.

Nuôi dưỡng lòng biết ơn, kiểm soát cái tôi

Việc dạy trẻ những giá trị sống thiết yếu là nền tảng cơ bản của việc nuôi dạy con cái. Một trong số những phẩm chất quan trọng phụ huynh cần dạy trẻ chính là sự khiêm tốn. Có một câu ngạn ngữ Hy Lạp nói rằng: “Kiêu căng là đặc quyền của kẻ khờ dại”. Câu nói này nhằm đề cao lòng khiêm tốn và đạo đức làm người. Khiêm tốn không chỉ là một bài học, mà còn là một thái độ sống và là tiền đề cho nghệ thuật đối nhân xử thế trên đường đời của trẻ sau này.

Ngày nay, trong một thế giới đề cao thành tích cá nhân và hầu hết mọi người đều mong muốn tăng độ nhận diện, việc dạy cho trẻ đức tính khiêm tốn lại càng quan trọng đối với sự phát triển cá nhân. Theo các chuyên gia, trong thế giới kỹ thuật số và mạng xã hội lên ngôi, việc khoe khoang, “tô vẽ” một vỏ bọc hoàn hảo khiến cho cái tôi của con người có thể dễ dàng bị “thổi phồng”. Vì vậy, nuôi dưỡng sự khiêm tốn cũng chính là cách giúp trẻ kiểm soát được cái tôi của bản thân.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chị Tô Thúy Quỳnh (32 tuổi, phường Thủy Xuân, Huế) - phụ huynh một học sinh lớp 8, cho biết, việc nhiều người xây dựng hình ảnh hào nhoáng trên mạng xã hội có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường, đặc biệt tác động mạnh mẽ đến trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương do tư duy còn hạn chế, kinh nghiệm sống non nớt.

“Đôi khi không chỉ trẻ nhỏ mà chính người lớn cũng bị ảnh hưởng, cảm thấy ghen tị với thành công, hay đơn giản là đời sống, vật chất, hạnh phúc của những bạn bè đồng trang lứa, thậm chí những người lạ đăng trên mạng xã hội. Nguy hiểm hơn, trẻ nhỏ, nhất là các em đang ở giai đoạn dậy thì lại là nhóm đối tượng rất thích thể hiện cái tôi của mình. Vì vậy có thể dẫn đến những hành động thiếu chuẩn mực của trẻ. Việc dạy trẻ lối sống giản dị, nuôi dưỡng sự khiêm tốn có thể giúp các em có được cái nhìn đúng đắn, không bị chi phối bởi những yếu tố ngoại cảnh”, phụ huynh này nhấn mạnh.

Chị Quỳnh cho biết thêm, một trong những phương pháp dạy con về sự khiêm tốn của chị chính là luôn để con ghi nhớ về lòng biết ơn.

“Lấy ví dụ, mỗi khi con được điểm cao, tôi thường dạy con rằng con đã học tập rất siêng năng để có được điểm số cao như hiện tại, con rất đáng khen. Tuy nhiên con không nên tự cao, cần tiếp tục cố gắng nỗ lực và phát huy. Con cũng cần biết ơn thầy cô đã tận tâm chỉ bảo, dạy dỗ. Ngoài ra cần biết ơn bố mẹ - những người đã có công sinh thành, dưỡng dục. Trên con đường thành công của mỗi người đều có dấu ấn của những người xung quanh. Con may mắn được nhiều người yêu thương, giúp đỡ, chỉ bảo nên cần phải trân trọng điều đó”, chị Quỳnh chia sẻ.

Chị Trần Thị Hà My (28 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) lại có những phương pháp dạy con riêng song cũng chung mục đích giúp trẻ rèn luyện được đức tính khiêm tốn. Chị Hà My cho biết, phụ huynh cần quan tâm và kịp thời bảo ban khi thấy trẻ nhỏ có biểu hiện thích “hơn thua” từ những việc nhỏ nhất.

“Con gái tôi có cá tính khá mạnh mẽ, cháu thích được khen là học giỏi, vẽ đẹp, đàn hay. Có lần, con đi học đàn về, tôi thấy cháu khá cáu kỉnh. Hỏi ra mới biết hôm nay cô giáo dạy đàn đã chọn một bạn khác đàn chính cho tiết mục văn nghệ khai giảng đầu năm ở trường. Cháu nhà tôi thì được chọn vào dàn tốp ca. Cháu nói rằng như vậy là bất công vì cháu cảm thấy mình đánh đàn hay hơn bạn”, chị Hà My kể lại.

Vị phụ huynh này nhìn nhận, mặc dù sự cạnh tranh là cần thiết để kích thích trẻ có ý chí phấn đấu, nhưng đó cần là sự cạnh tranh lành mạnh. Chị cũng cho rằng, sẽ rất khó có thể khiêm tốn khi con trẻ luôn bị ám ảnh, thường xuyên cố gắng phải trở thành người giỏi nhất hoặc bất chấp để giỏi hơn người khác. Thay vào đó, chị dạy con nên tập trung vào bản thân mình nhiều hơn.

“Tôi luôn dạy con rằng, trong cuộc sống, con luôn cần nỗ lực, phấn đấu nhưng mục đích cuối cùng không phải là để giỏi hơn bất kì ai, mà là để hoàn thiện bản thân, giỏi hơn con của ngày hôm qua. Ví dụ, hôm nay con đạt được 8 điểm, đó là điểm số do con đã học hành chăm chỉ, cố gắng hết sức. Vậy là con đã làm bố mẹ tự hào rồi, con không cần phải so sánh bản thân với bạn được 9, 10 điểm. Khi tập trung năng lượng vào việc cải thiện bản thân thay vì so sánh mình với người khác, con sẽ thấy việc đó dễ dàng hơn nhiều vì không phải lo lắng liệu con có giỏi hơn hay kém cỏi hơn bất kì ai”, vị phụ huynh này cho biết.

khiem-ton-nhung-dung-mo-nhat.png
Khi ai đó thực hiện những điều gây tổn hại tới trẻ, bố mẹ cần dạy trẻ phải mạnh mẽ đứng lên đấu tranh, không tỏ ra yếu thế. Ảnh: ITN.

Đánh giá đúng giá trị bản thân

Từ xưa tới nay, khiêm tốn luôn là đức tính tốt và đáng trân quý. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại với môi trường sống đòi hỏi sự cạnh tranh, ý chí vươn lên, nhiều ý kiến cho rằng những người quá khiêm nhường lại khó có được thành công trong cuộc sống.

Trong hầu hết các câu chuyện cổ tích, sách dạy đạo đức thường có những nhân vật mang nét tính cách đáng ghét như tự kiêu, tự phụ thường phải hứng chịu kết cục tồi tệ. Đúng là tự kiêu hoàn toàn không tốt, nhưng niềm kiêu hãnh thì lại rất cần thiết để giúp trẻ phát triển bản thân. Tự kiêu là khi một người ảo tưởng sai lầm về năng lực bản thân, điều này hoàn toàn khác với cảm giác tự hào chính đáng về những thành quả cụ thể mình đã đạt được, những thử thách mà mình đã vượt qua.

Thế nhưng, nhiều bậc cha mẹ lại chỉ chăm chú phê phán tính tự kiêu, thường xuyên khuyến khích tính khiêm nhường mà bỏ quên việc bồi dưỡng niềm kiêu hãnh cho con. Theo các nhà nghiên cứu tâm lý, cách làm đúng là giúp trẻ phân biệt giữa tự kiêu và kiêu hãnh, xây dựng niềm tự hào một cách chính đáng về bản thân.

Khả năng tự hào chính đáng rất quan trọng với sự phát triển của một đứa trẻ. Jessica Tracy, Giáo sư tâm lý học của Đại học British Columbia (Canada), tác giả cuốn “Kiêu hãnh: Bí mật của thành công” đã chỉ ra rằng, những người có niềm tự hào chính đáng có mối quan hệ xã hội tốt hơn, mức độ tự tin cao và đạt được thành tích cá nhân khá lý tưởng.

Về vấn đề này, chị Tô Thúy Quỳnh chia sẻ thêm, mặc dù khiêm tốn là một đức tính rất đáng quý song trong cuộc sống hàng ngày, không phải lúc nào cũng cần tỏ ra khiêm tốn.

“Tôi nhớ, lúc con tôi học lớp 2, cháu thường bị bạn cùng lớp bắt nạt. Nhiều ngày con đi học về với những vết mực loang lổ trên áo đồng phục, vở và sách bị vẽ bậy lung tung. Khi tôi hỏi, con kể rằng bị bạn ngồi cạnh trêu đùa song vì lâu nay mẹ dạy cần phải khiêm tốn, nhường nhịn nên con không phản kháng. Lúc này tôi nhận ra, nếu mình chỉ dạy con nhún nhường thì trẻ rất dễ bị thiệt thòi. Trẻ đang ở độ tuổi tư duy non nớt, chưa thể biết được lúc nào cần khiêm tốn nhường nhịn, lúc nào không. Tôi nói với con rằng, khiêm tốn không đồng nghĩa với nhút nhát, dễ bắt nạt. Con không được tỏ ra khiêm tốn, yếu đuối khi bị bắt nạt. Một khi đối phương đánh giá con yếu thế sẽ dễ dàng bắt nạt hết lần này tới lần khác”, vị phụ huynh này chia sẻ.

Ở góc độ tâm lý học, TS Nguyễn Hạnh Liên, giảng viên Khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá, bản chất con người là bắt nạt kẻ yếu hơn và sợ hãi kẻ mạnh hơn. Trong tâm lý học, có một khái niệm được gọi là “hiệu ứng đá mèo” (kick the cat). Hiệu ứng này được giải thích là, con người có xu hướng bộc lộ cảm xúc với những người yếu thế hơn hoặc có trình độ thấp hơn mình. Điều này có thể gây ra sự lây lan của những cảm xúc tiêu cực.

Bà Liên lấy ví dụ, một người nọ bị sếp khiến trách nặng lời. Mặc dù cảm thấy vô cùng tức giận nhưng anh ta không dám nổi giận với sếp (một người có quyền cao hơn mình). Vì vậy, anh ta sẽ trút tất cả sự bực dọc với nhân viên cấp thấp hơn. Đây chính là ví dụ cho khái niệm “hiệu ứng đá mèo”. Hiểu một cách đơn giản, cảm xúc bất mãn và tâm trạng tồi tệ của con người thường sẽ lần lượt truyền nhiễm theo dây chuyền mối quan hệ xã hội, từ người có địa vị cao truyền xuống người có địa vị thấp, từ kẻ mạnh truyền sang kẻ yếu. Cuối cùng, kẻ yếu đuối nhất, không có ai để trút giận sẽ biến thành vật hy sinh. Bởi họ biết rằng người yếu thế hơn thường ít phản kháng.

Bên cạnh đó, theo quan sát của bà Liên, khi trưởng thành và đi làm, có rất nhiều người giữ thái độ khiêm tốn dù bản thân họ là người có năng lực. Họ không thể hiện năng lực nơi làm việc bởi lo sợ sẽ bị đồng nghiệp ghen ghét, đố kỵ. Tuy nhiên, điều này vô hình trung sẽ làm bản thân trở nên mờ nhạt tại nơi làm việc nói riêng và trong cuộc sống nói chung.

“Hãy để trẻ biết mình giỏi lĩnh vực nào và đó là năng lực đáng tự hào. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và sự phát triển của trẻ. Khi con trẻ lớn lên, tham gia vào thị trường lao động, nếu luôn khiêm nhường, không cạnh tranh, con sẽ khó có cơ hội thăng tiến. Vì thế, tôi cho rằng, bố mẹ không nên dạy trẻ nhỏ quá khiêm tốn, nhường nhịn trong mọi hoàn cảnh kẻo sẽ bị ức hiếp, đó là quy luật muôn đời. Khi ai đó thực hiện những điều gây tổn hại tới con, con phải mạnh mẽ đứng lên đấu tranh. Trong nhiều trường hợp, giá trị của bản thân cần được khẳng định và đánh giá đúng, đừng khiến mình bị lu mờ”, TS Nguyễn Hạnh Liên bày tỏ quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ