Tâm nguyện của họ là tìm hiểu và lắng nghe nắm bắt ý kiến của cử tri của cử tri và nhân dân để đề xuất, đóng góp ý kiến về chế độ, chính sách, giải pháp để giải quyết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Cô giáo Bùi Thu Nga- giáo viên Trường Phổ thông DTNT THCS&THPT huyện Kim Bôi (Hòa Bình) chia sẻ: Là một người con của Hòa Bình, tôi luôn mong muốn quê hương mình ngày càng phát triển hơn nữa về mọi mặt, người dân có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Vì vậy, nếu tôi được cử tri tín nhiệm chọn bầu tôi là đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi sẽ phát huy tốt khả năng, sở trường và kinh nghiệm công tác để làm thật tốt vai trò của người đại biểu Nhân dân, dành nhiều thời gian hơn để gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, để hiểu rõ hơn cuộc sống thực tế của cử tri và nhân dân.
Lắng nghe và tổng hợp các ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân để đề xuất đối với các cấp chính quyền về những yêu cầu mà cử tri và nhân dân mong đợi trên các lĩnh vực như: Công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống chính sách xã hội, các chính sách trực tiếp liên quan đến việc chăm lo cải thiện nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân... thông qua các hoạt động giám sát và chất vấn tại các kỳ họp.
Là ứng viên nữ người dân tộc, cô Nga cho biết rất quan tâm đến vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em như Luật Phòng chống bạo lực gia đình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề bình đẳng giới.
Đặc biệt, công tác trong ngành Giáo dục, cô Nga cam kết sẽ nghiên cứu,tìm hiểu và lắng nghe nắm bắt ý kiến của cử tri và nhân dân để đề xuất, đóng góp ý kiến về chế độ, chính sách, giải pháp để giải quyết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Còn thầy Bùi Văn Quyết- giáo viên Trường TH&THCS xã Phú Lương (Lạc Sơn) cam kết nếu được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội sẽ làm tốt vai trò là "chiếc cầu nối” giữa Nhân dân với Quốc hội, phản ánh trung thành ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội; tích cực đề xuất các cấp, ngành trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri kịp thời, đầy đủ theo luật định.
Là một giáo viên công tác tại trường vùng 135, cũng là một người con sinh ra và lớn lên ở xã khó khăn nhất của huyện nghèo tỉnh Hòa Bình, thầy Quyết cho biết vấn đề trường lớp, giáo viên, học sinh luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và cũng đang trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 29- NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Song bên cạnh đó, còn một số vấn đề mà cử tri trăn trở, mong mỏi như: Các chế độ đãi ngộ cho giáo viên, học sinh nghèo; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; nhà ở công vụ cho giáo viên, phòng học bộ môn, phòng y tế học đường, hệ thống nước sạch, công trình vệ sinh, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Vì vậy, đây sẽ là vấn đề thầy Quyết quan tâm, kiến nghị và theo đuổi, đem ý kiến của mình đại diện cho giáo dục vùng khó. Thầy Quyết cho rằng xã hội cần quan tâm nhiều hơn đến giáo dục, bởi giáo dục phải thực sự là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển.
Thầy Quyết cam kết nếu trúng cử sẽ thường xuyên học tập nâng cao trình độ để đề xuất, kiến nghị với Quốc hội tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, trường học, góp phần từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi, trong đó có Hòa Bình.
Còn cô Hà Thị Dung - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Mai Châu cho biết nếu được nhân dân tín nhiệm bầu vào Quốc hội khóa XV, cô sẽ luôn trau dồi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực để từng bước củng cố, nâng cao kỹ năng hoạt động, năng lực thực hiện vai trò, chức năng, trách nhiệm và quyền hạn của người đại biểu Quốc hội.
Cô Dung chia sẻ: "Là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại huyện Mai Châu và đặc thù của vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn thiếu thốn, chính vì vậy trong tôi luôn mong muốn làm sao để đời sống cán bộ giáo viên miền núi được quan nâng cao hơn nữa, các em học sinh vùng cao có cơ hội được tiếp cận với nhưng phương pháp giáo dục hiện đại.
Tính theo mặt bằng chung các trường ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Các em học sinh miền núi, các xã, các xóm việc giao thông đi lại khó khăn, nhà cách rất xa trường. Bởi vậy, nhân dân rất mong nhà nước quan tâm hơn, xây dựng thêm trường học tại các vùng xa, mở rộng nâng cấp đường giao thông giúp học sinh và người dân đi lại thuận tiện, đó cũng là giúp nâng cao chất lượng giáo dục".