Trước sự kiện trọng đại này, Báo Giáo dục và Thời đại có buổi trao đổi với nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV, TS Lê Thị Thanh Xuân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Buôn Hồ (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk).
-Để đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri, theo bà, đại biểu Quốc hội cần có những phẩm chất, năng lực gì?
-Trước yêu cầu ngày càng cao của nhân dân đối với cơ quan dân cử, đòi hỏi mỗi đại biểu Quốc hội phải có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, trí tuệ và kinh nghiệm hoạt động nghị trường. Mỗi đại biểu cần gần dân, biết lắng nghe, kịp thời chuyển tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, mang hơi thở của cuộc sống vào nghị trường, để Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, bám sát sự vận động của đời sống kinh tế-xã hội và hợp lòng dân.
-Là đại biểu Quốc hội khóa XIV, lại là đại biểu nữ người dân tộc thiểu số, góp ý của bà tập trung vào vấn đề gì tại các Kỳ họp?
-Nhiệm vừa kỳ qua, với vai trò là đại biểu Quốc hội, nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tôi đã thực hiện tốt Chương trình hành động và lời hứa trước cử tri, hoàn thành tốt nhiệm vụ của đại biểu với phương châm “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
Bản thân đã tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội, cuộc giám sát do Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và Đoàn ĐBQH tổ chức. Tôi dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận, thể hiện trách nhiệm cao trong việc biểu quyết thông qua những vấn đề quan trọng của đất nước, thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Bằng nhiều hình thức, bản thân cùng các vị đại biểu trong Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tiếp thu, tổng hợp và phản ánh đầy đủ, kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh nhà với Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan, tăng cường phát huy dân chủ để cử tri tham gia quá trình lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, các phương tiện thông tin đại chúng đã kịp thời thông tin, công khai hoạt động của Đoàn và của bản thân để cử tri biết, theo dõi và giám sát. Nhiều kiến nghị của cử tri tỉnh nhà đã được tiếp thu, đưa vào hoạch định các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, địa phương, đất nước.
-Xuất thân từ giáo viên và có hơn 20 năm công tác trong ngành GD&ĐT, là người con của núi rừng Tây Nguyên (dân tộc M’ Nông). Vậy, trong chương trình hành động cho nhiệm kỳ XV, bà đã có kế hoạch gì để phát triển GD&ĐT, nhất là GD vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số?
-Với kinh nghiệm 21 năm công tác trong lĩnh vực Giáo dục, tôi tiếp tục quan tâm, kiến nghị, đề xuất các giải pháp để triển khai hiệu quả công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa GDPT, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung 2018, Luật Giáo dục 2019 của Quốc hội và Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về ban hành Chương trình GDPT. Trong đó,chú trọng đổi mới về chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục, đào tạo; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Tôi đề xuất chế độ đãi ngộ-tôn vinh gắn liền với nâng cao trách nhiệm xã hội của các nhà giáo; đề xuất tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế quản lý giáo dục; đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục và xây dựng xã hội học tập một cách thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, đổi mới, đẩy mạnh công tác truyền thông để cả hệ thống chính trị và toàn xã hội hiểu, đồng thuận và chung tay cùng ngành Giáo dục thực hiện đổi mới thành công.
-Những năm gần đây, tỉnh Đắk Lắk đạt nhiều thành tựu quan trọng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đời sống người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa vẫn còn nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng nhiều nơi xuống cấp, chưa được đầu tư thỏa đáng; tình trạng mất bình đẳng giới vẫn khá phổ biến... Nếu được tái cử làm ĐBQH, bà sẽ làm gì để giải quyết những vấn đề này?
-Phát huy lợi thế là ứng cử viên nữ, người dân tộc thiểu số, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực giáo dục, có kinh nghiệm làm đại biểu Quốc hội, tôi tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực đề xuất các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em, vấn đề an sinh xã hội. Lao động và việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục, đề xuất các cấp quan tâm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình, sách giáo khoa GDPT 2018 là lĩnh vực tôi quan tâm. Đặc biệt là chính sách đối với cán bộ cơ sở, người có công. Tiếp tục theo dõi, đề xuất thực hiện vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; triển khai Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030.
-Xin cảm ơn bà!