Ứng dụng văn hóa dân gian vào bài giảng

GD&TĐ - Sóc Trăng là nơi giao thoa văn hóa của ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer. Vốn là người hoài cổ, thầy giáo Trần Minh Thương - Trường THPT Ngã Năm (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) đặc biệt yêu thích và đam mê tìm hiểu về văn hóa dân gian (VHDG) Nam bộ. Đặc biệt, thầy còn ứng dụng vốn kiến thức đó vào công tác dạy học.

Thầy Thương bên kệ sách nghiên cứu của mình
Thầy Thương bên kệ sách nghiên cứu của mình

Khao khát lưu giữ tinh hoa văn hóa

Thầy giáo Trần Minh Thương (47 tuổi) sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Ngã Năm của tỉnh Sóc Trăng - vùng đất giàu truyền thống Cách mạng và đậm nét văn hóa của miền quê sông nước. Năm 1993, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ Văn của Trường ĐH Cần Thơ, thầy Thương nhận nhiệm vụ công tác tại trường học quê nhà.

Vốn say mê VHDG, chứng kiến sự phai nhạt của văn hóa truyền thống, thầy bắt đầu mày mò nghiên cứu những nét văn hóa đặc sắc của quê hương Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói chung.

“VHDG tại địa phương đang dần bị mai một, vòng xoáy của xã hội hiện đại đang cuốn đi các giá trị văn hóa xưa cũ, trong khi đó kho tàng VHDG Nam bộ vốn rất đồ sộ cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Tôi trân trọng những giá trị đó nên tự dặn mình không để bản thân bị mất gốc, tìm lại gốc gác cũng là một giải pháp để bảo tồn các giá trị đó” - thầy Thương chia sẻ.

Hiện tại, thầy Trần Minh Thương là tác giả của 13 công trình nghiên cứu đạt giải Nhì, Ba, Khuyến khích của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Trong đó có 11 công trình đã in thành sách như: Đặc trưng bánh dân gian Nam bộ; Câu đố Thai ở Mỹ Xuyên - Sóc Trăng; Nghi lễ trong gia đình ở Sóc Trăng; Văn hóa phi vật thể của người Khmer ở Sóc Trăng; Văn hóa phi vật thể của huyện Ngã Năm; Ca dao Tây Nam bộ; Chuyện ăn uống của người bình dân ở Sóc Trăng; Trò chơi dân gian Sóc Trăng; Đặc điểm sông nước Sóc Trăng…

Thầy Minh Thương tự đặt mục tiêu cho bản thân là mỗi năm sẽ hoàn thành từ 1 đến 2 cuốn sách về vẻ đẹp của mảnh đất miền Tây Nam bộ. Để đào sâu tìm hiểu, thầy Thương tự thân đi thực tế và thầy rất chú trọng đến yếu tố kiểm chứng.

Đối với thầy, một phần của nghiên cứu là phải tận mắt nhìn, tận tay chạm… để xác thực thông tin. Với những thắng cảnh hay các đảo xa nơi cư trú, thầy tự lên kế hoạch cho chuyến đi…, có thể hành trình đó không thu hoạch được nhiều, nhưng đối với thầy, đó là những trải nghiệm đáng nhớ.

Ngoài ra, thầy còn tìm đọc nhiều tài liệu viết về VHDG Nam bộ của các bậc tiền nhân như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Vương Hồng Sển, Nguyễn Văn Hầu..., từ những công trình để đời của các vị ấy, thầy tìm thấy cho mình động lực để tiếp tục phát huy, giữ gìn nét đẹp của VHDG.

Luồng gió mới trong dạy học

Thầy Minh Thương đã đem những trải nghiệm nghiên cứu về VHDG chuyển tải vào giờ học và được học trò của mình đón nhận. Thầy Thương đặc biệt chú trọng nội dung đổi mới sách giáo khoa, dạy định hướng năng lực cho học sinh. Với những bài học có liên quan đến VHDG, thầy mạnh dạn giao đề tài sưu tầm về VHDG ở Sóc Trăng cho học sinh.

“Với việc lồng ghép VHDG của quê hương vào chương trình dạy và học, tôi hi vọng giúp học sinh biết trân quý và gìn giữ văn hóa của cha ông. Từ trách nhiệm hoàn thành đề tài, các em phần nào nhận ra trách nhiệm của mình với văn hóa dân tộc. Đề tài các em tìm hiểu cũng khá nhẹ nhàng, chủ yếu xoay quanh đời sống sinh hoạt nên không gây áp lực cho học sinh. Thông qua việc tự tìm tòi, các em sẽ nhận ra được cái gốc văn hóa của dân tộc mình vốn thân quen nhưng các em thường không để ý. Từ đó, hướng các em về sự biết ơn khi được thừa hưởng vốn văn hóa đó”, thầy Thương nêu quan điểm.

Hoạt động này được thầy kết nối vào bài dạy từ năm học 2013-2014, được ứng dụng trong các tiết học ngoại khóa, kỹ năng mềm, hoạt động ngoài giờ lên lớp… Đặc biệt, thầy còn hướng dẫn cho học sinh tái hiện các hình thức diễn xướng mang đậm bản sắc văn hóa 3 dân tộc tại Sóc Trăng như: các điệu hò Nam bộ, hát dù kê của người Khmer, hát cải lương… Bài học của thầy trở nên cuốn hút, gần gũi hơn bao giờ hết. Lời ca tiếng hát quê hương khiến tiết học thành nơi lưu trữ bảo tồn VHDG hết sức tự nhiên.

Một số công trình nghiên cứu của thầy Thương đã in thành sách

Một số công trình nghiên cứu của thầy Thương đã in thành sách

Tuy nội dung VHDG Sóc Trăng không xa lạ với học sinh, nhưng hướng dẫn các em học bằng chính năng lực của mình mới là điểm thầy hướng đến. Với học sinh cấp THPT, việc nghiên cứu đề tài VHDG còn mới mẻ.

Quá trình đi thực tế sưu tầm yêu cầu các em phải tự thu thập những file ghi âm, tự chụp lại hình ảnh thực tế từ sinh hoạt trong gia đình, lễ hội tại địa phương… Tất nhiên sản phẩm mang tính trung thực, không được sao chép thì mới được chấp nhận. Từ quá trình sưu tầm này, giáo viên cũng như bản thân học sinh có thể nhận ra được năng lực thực sự của mỗi em.

Thầy Thương chia sẻ: “Trong những công trình của mình, tôi quý nhất cuốn sách sưu tầm VHDG có nguồn tư liệu của học sinh đi thực tế. Các em đã biết tự lập kế hoạch để thực hiện và tôi cũng đánh giá cao những đóng góp của các em. Sau đó, học sinh báo cáo, trình bày những hiểu biết, tâm đắc mà mình tích lũy được với giáo viên. Thông qua hoạt động này, học sinh ít nhiều đã nhận ra vai trò của mình, theo đuổi cách học tập năng động, đạt kết quả tốt trong chương trình đổi mới”.

Sẽ có những đề tài khác nhau ở mỗi năm học để thầy và trò cùng thực hành. Nỗ lực của thầy Thương đã khơi gợi hứng thú trong học sinh đối với môn Ngữ văn. Không những thế, từ học sinh đã lan tỏa ý thức gìn giữ đến phụ huynh.

Sáng kiến này của thầy cũng được Hội đồng bộ môn Ngữ Văn tỉnh Sóc Trăng đón nhận, xem đó là tài liệu quan trọng trong việc ứng dụng dạy và học đổi mới thành công. Đặc biệt vào năm học 2016-2017, thầy Thương được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen về phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Ông Châu Tuấn Hồng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, nhận xét: “Thầy Trần Minh Thương là giáo viên giỏi, nhiệt tình trong công việc, tâm huyết với nghề. Ngành giáo dục cũng đánh giá rất cao về tinh thần, trách nhiệm, năng lực của thầy. Xét về góc độ chuyên môn, thầy Thương rất tích cực tham gia, đóng góp những sáng kiến môn Ngữ văn trên tinh thần trao đổi khoa học với các giáo viên khác. Chúng tôi đã xem qua các đầu sách nghiên cứu của thầy Thương và ghi nhận sự vượt khó của thầy ở trường vùng khó để hoàn thành. Qua đó, chất lượng giảng dạy của địa phương được nâng cao, phương pháp giáo dục học sinh đạt nhiều hiệu quả”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.