Mang âm nhạc vào dạy Sử

GD&TĐ - Sau nhiều năm dạy Sử, tôi thấy học sinh không còn hứng thú trước các số liệu, các bản đồ với quá nhiều kí hiệu quân ta, quân địch, tiến công, rút chạy… Tiết học Sử dần dần trở thành nặng nề với các em. Tôi suy nghĩ mãi: hình ảnh, tư liệu, video clip… cũng đã dùng, kể chuyện lịch sử tiết nào cũng có…, và giờ cần có một sự thay đổi mới để các em thêm hứng thú học tập.

Thầy Nguyễn Hữu Nhân, tác giả bài viết (thứ 3 từ trái qua) cùng học sinh tham quan Bảo tàng chứng tích chiến tranh
Thầy Nguyễn Hữu Nhân, tác giả bài viết (thứ 3 từ trái qua) cùng học sinh tham quan Bảo tàng chứng tích chiến tranh

Rồi tôi đã tìm ra được một giải pháp mới. Tôi nhận thấy gần như các giai đoạn của lịch sử nước nhà, các anh hùng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam và hình ảnh của Bác Hồ vĩ đại đều có trong các tác phẩm âm nhạc.

Tôi dành thời gian lựa chọn bài hát sao cho phù hợp với nội dung bài dạy của từng khối lớp được phân công. Tôi sắp xếp danh sách các bài hát sao cho đúng với thời điểm lịch sử mà kiến thức trong bài có nhắc đến. Tiếp theo, tôi nghe lại từng bài hát để tìm ra đoạn, câu hát tạo ấn tượng nhiều nhất, sâu lắng nhất để đưa vào bài giảng.

Một điều quan trọng khác là tính toán thời điểm và thời lượng khi cho học sinh lắng nghe. Có khi sử dụng cả bài hát, có khi chỉ là một đoạn nhưng lại có một giá trị cao trong tiếp nhận kiến thức ở các em. Thay vì giảng giải lí thuyết, tôi để các em tự cảm nhận và rút ra bài học về tư tưởng.

Trước đây, dạy bài Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (trong giờ Sử của lớp 9), tôi chỉ nêu ý nghĩa như sách giáo khoa đã ghi. Nay, trước khi dạy phần này tôi mời các em nghe bài hát Đảng là cuộc sống của tôi, khi đến câu hát “Đảng là cuộc sống của tôi, mãi mãi ghi ơn Người.

Từ thuở còn thơ, đời tôi chưa quen sóng gió, Đảng đã cho tôi lẽ sống niềm tin, giữa biển khơi biết đâu là bờ, bầu trời xanh chưa thấy bao giờ… Đảng làm nên bài ca chiến thắng cho đất nước và tình yêu…”, tôi thấy nét mặt các em rạng rỡ hẳn lên vì nắm được ý nghĩa Đảng đã thay đổi vận mệnh của cả dân tộc được đề cập trong bài học. Bài học thêm phần sâu lắng, các em hiểu thêm được ý nghĩa sự kiện Đảng ra đời đối với nhân dân ta.

Dạy bài Cách Mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ra đời, tôi mời các em nghe lại giọng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 kết hợp với nghe bài hát Mỗi bước đi thêm yêu Tổ Quốc: “Trên quảng trường Ba Đình hai mươi năm trước, vọng lời Bác Hồ tuyên ngôn dựng nước. Nước Việt Nam ta, từ trong gian khổ sinh ra. Tầm vông đứng dậy quê ta, đi theo tiếng gọi của Đảng. Ta đã đạp bằng sóng gió chông gai, đã viết nên trang sử mới….”. Học sinh nhớ mãi sự kiện Bác Hồ khai sinh ra nước VNDCCH 1945.

Dạy bài Chiến thắng Điện Biên Phủ, các em được nghe bản Hò kéo pháo rồi Chiến thắng Điện Biên. Nhịp điệu dồn dập, phấn khởi làm tái hiện cả một giai đoạn hào hùng “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Ngay cả trong lời bài hát cũng có những chi tiết mà bài học lưu ý, như phương châm tác chiến là “đánh chắc ta tiến lên, lực lượng như bão táp, quân thù mấy cũng phải tan”… Kết bài, tôi giới thiệu hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tiếng nhạc “Núi sông bừng lên, đất nước ta sáng ngời, cánh đồng Điện Biên cờ chiến thắng tưng bừng bay trên trời”. Cả lớp như sống lại chiến thắng hào hùng đó của dân tộc.

Không chỉ giai đoạn lịch sử từ 1930 đến nay mới có thể đưa nhạc vào bài giảng, một số chiến thắng lẫy lừng khác từ xa xưa cũng có thể tìm được các bài hát tương ứng có giá trị cao như chiến thắng Bạch Đằng với bài Bạch Đằng Giang của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước chẳng hạn...

Tính đến nay, tôi đã thực hiện việc đưa âm nhạc vào các bài giảng lịch sử được 10 năm. Mỗi năm tôi lại tự hoàn thiện, nhờ đồng nghiệp góp ý và sử dụng hiệu quả hơn. Học sinh cứ đến giờ Sử lại hay “dặn” tôi, hôm nay nhớ cho tụi em nghe nhạc, thầy ơi. Tôi đã hướng dẫn học sinh học bài có kết hợp giới thiệu tác giả, tác phẩm để các em có thể tìm nghe khi về nhà. Tôi chỉ cho các em những mẹo nhỏ để nhớ thật lâu mà không nhầm lẫn các sự kiện, nhân vật lịch sử…

Việc mang theo thiết bị như loa, máy tính và chọn bài hát cho phù hợp về thời lượng và nội dung tuy có mất công một chút nhưng là một niềm vui của tôi khi thấy các em náo nức đón nghe những bài hát truyền thống luôn có ý nghĩa với môn học của mình. Niềm vui như được nhân lên khi có học sinh chia sẻ rằng: “Em thích học Sử. Những bài hát thầy mang đến cho chúng em thật gần gũi với bài học và thật hay”.

Vào cuối năm học, tôi tổ chức cho các em tham quan một vài nơi ở TPHCM như: Dinh Thống Nhất, Bến Nhà Rồng, Bảo tàng chứng tích chiến tranh… Được tận mắt tiếp xúc với hiện vật, tranh ảnh có liên quan đến bộ môn, các em từng bước thay đổi nhận thức cũng như phương pháp học Sử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các xạ thủ phòng không Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 93.

Tham nhũng khiến binh sĩ vỡ trận?

GD&TĐ - Theo chuyên gia Vadim Kozyulin, nạn tham nhũng đang đẩy nhanh cuộc rút lui của quân đội Ukraine hơn là tình trạng thiếu vũ khí hiện nay.