Ứng dụng cờ vây trong quản lý cuộc đời

GD&TĐ - Nhân dịp ra mắt bản Việt ngữ ấn phẩm Nhà quản lý - Kỳ thủ cờ vây (nguyên tác Le Manager - Joueur de Go của Jean Christian Fauvet và Marc Smia, do Phạm Việt Khôi chuyển ngữ ), Trường ĐH Hoa Sen tổ chức buổi giao lưu “Cờ vây – Quản lý – Cuộc đời” với 3 diễn giả: TS David Nguyễn Quang Vũ, Kỳ thủ Lê Mai Duy, dịch giả Phạm Việt Khôi tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TPHCM).

TS David Nguyễn Quang Vũ trình bày tại buổi giao lưu
TS David Nguyễn Quang Vũ trình bày tại buổi giao lưu

Tại buổi giao lưu, 3 diễn giả đã có những chia sẻ thú vị về những ứng dụng của thuật chơi cờ vây trong kinh doanh, cuộc sống cũng như rèn luyện những kỹ năng sống. Chẳng hạn, trong cờ vây chúng ta có thể để thua một góc nhưng có thể thắng cả bàn cờ; hay ứng dụng cờ vây để chữa bệnh tự kỹ…

Theo TS David Nguyễn Quang Vũ, cờ vây, trò chơi chiến thuật cổ xưa của người phương Đông, được biết đến như trò chơi dùng để dạy cách trị quốc cho người kế thừa ngai vàng Trung Hoa ngày xưa.

Cờ vây bắt đầu từ bàn cờ trống, hai bên người chơi cùng xây dựng nên lãnh thổ của mình, và mục đích sau cùng là giành vùng ảnh hưởng rộng hơn đối phương.

Ngày nay, cờ vây ngày càng được các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn để ứng dụng trong công việc quản lý và trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp. 

Sau khi nghiên cứu liên hệ giữa cờ vây với Binh pháp Tôn Tử, với chiến thuật quân sự của Mao Trạch Đông và cả của người Nhật, các chuyên gia quân sự Mỹ bắt đầu… chơi cờ vây trong những căn phòng được CIA bảo vệ.  

Đây là những gì mà Jean-Christian Fauvet và Marc Smia tìm hiểu khi viết nên cuốn sách Nhà quản lý - Kỳ thủ cờ vây. Và theo như tác giả cuốn sách này, khi phương Tây thấy cần thúc đẩy mối quan hệ với châu Á, họ bắt đầu giải mã môn cờ vây. 

Tính uyển chuyển trong nghệ thuật quản lý của phương Đông được người phương Tây phân tích và học hỏi như thế nào qua các nước cờ vây được trình bày cụ thể trong 19 chương sách với nội dung đầy hấp dẫn như: Bàn cờ vây là “sân chơi” của nhà quản lý; Áp dụng “chiến thuật bám biên”; Hãy xây dựng tổ chức của bạn như một quần đảo, chứ không phải một hòn đảo; Biết từ bỏ cái đã mất và giữ thế chủ động.

Nhà quản lý - Kỳ thủ cờ vây, sách gồm 19 chương, dày 240 trang, do Trường ĐH Hoa Sen phối hợp với NXB Hồng Đức ấn hành. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ