Ứng dụng CNTT trong quản lý tài sản tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền

GD&TĐ - Quản lý tài sản là vấn đề quan trọng trong hoạt động của các học viện, nhà trường, tác động trực tiếp đến chất lượng giảng dạy, quản lý.

Ứng dụng CNTT trong quản lý tài sản tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền

LTS: Quản lý tài sản là một trong những vấn đề quan trọng trong hoạt động của các học viện, nhà trường nói chung và có tác động trực tiếp đến chất lượng của công tác giảng dạy, quản lý nói riêng. Nhìn nhận từ thực tế Học viện Báo chí và Tuyên truyền, quản lý tài sản, trang thiết bị là một trong nhiều hoạt động nhằm triển khai các nhiệm vụ đáp ứng mục tiêu năm học. Bài viết khái quát một số vấn đề về ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý tài sản và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay.

Bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Mến về vấn đề này, Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.

Trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước nói chung, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng luôn được quan tâm đầu tư.

Trong công tác quản lý tài sản của Học viện nhà trường, việc ứng dụng công nghệ thông tin thời gian qua đã tập trung xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về tài sản công; xây dựng, vận hành trang thông tin điện tử về tài sản công và triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài sản, trang thiết bị trở thành một chủ trương xuyên suốt, thống nhất trong các văn bản pháp lý, nhằm bắt kịp với xu thế phát triển công nghệ hiện nay, phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý điều hành của Học viện trong thời gian qua.

Một số vấn đề cốt lõi về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý tài sản

Ứng dụng công nghệ thông tin là hình thức sử dụng công nghệ thông tin tương tác vào các lĩnh vực đời sống của con người, từ lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và các hoạt động khác. Công nghệ thông tin được xem là công cụ hiệu quả giúp con người làm việc nhanh chóng, tiện lợi hơn.

Theo ông Peter Van Gils, chuyên gia dự án Công nghệ thông tin trong giáo dục và quản lý nhà trường (ICTEM) khẳng định: “Chúng ta đang sống trong một xã hội mà người ta gọi là một xã hội tri thức hay một xã hội thông tin. Điều này có nghĩa rằng những sản phẩm đầu ra mang tính công nghiệp trong xã hội của chúng ta đã mất đi cái tầm quan trọng của nó. Thay vào đó là những “dịch vụ” và “những sản phẩm tri thức”.

Trong một xã hội như vậy, thông tin đã trở thành một loại hàng hoá cực kì quan trọng. Máy vi tính và những kĩ thuật liên quan đã đóng một vai trò chủ yếu trong việc lưu trữ và truyền tải thông tin và tri thức.

Thực tế này yêu cầu các nhà trường phải đưa các kĩ năng công nghệ vào trong chương trình giảng dạy của mình. Một trường học mà không có công nghệ thông tin là một nhà trường không quan tâm gì tới các sự kiện đang xảy ra trong xã hội”.

Còn đối với tài sản, với tư cách là khách thể quyền sở hữu - đã được Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) xác định như sau: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản.

Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Như vậy, tài sản trong nhà trường bao gồm những như đất đai; Nhà, công trình xây dựng;

Các tài sản khác gắn liền với đất đai của nhà trường; Các phương tiện giao thông vận tải, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, phục vụ học tập giảng dạy, thí nghiệm, thực hành, NCKH, chuyển giao công nghệ, v.v...

Phòng máy tính hiện đại của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Phòng máy tính hiện đại của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Như vậy, khi nói đến ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài sản có nghĩa là: Tăng cường quản lý đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu sử dụng của cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên và sinh viên;

Sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, các phần mềm làm công cụ hỗ trợ phục vụ nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong nhà trường, khai thác tốt các phần mềm quản lý như phần mềm quản lý trang thiết bị; phần mềm thiết kế bài dạy (phần mềm powerpoint, word, violet…) phục vụ giảng viên giảng dạy; phần mềm quản lý sinh viên…;

Tăng cường sử dụng mạng internet để tuyên truyền, công khai và khai thác thông tin trong quản lý tài sản có chất lượng.

Sự cần thiết phải ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tài sản

Thực tiễn ứng dụng CNTT trong công tác quản lý tài sản thời gian qua trong các nhà trường cũng cho thấy còn có một số khó khăn, thách thức sau:

Thứ nhất, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản chưa bao quát được đầy đủ các loại tài sản theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản năm 2017.

Theo Nguyễn Thị Phương Hảo (2019), mặc dù, đã có sự nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng, nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhưng đến nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản cũng chỉ quản lý được dữ liệu về tài sản có giá trị lớn trong khu vực hành chính sự nghiệp (nhà, đất, xe ô tô, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/đơn vị tài sản), tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung... Việc cơ sở dữ liệu chưa bao quát hết các loại tài sản dẫn đến tình trạng thiếu thông tin tổng thể về tài sản gây khó khăn cho việc hoạch định, xây dựng chiến lược, quyết định các vấn đề về tài sản và đánh giá tổng thể nguồn lực của quốc gia.

Thứ hai, thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia chưa đầy đủ, kịp thời do không ít đơn vị vẫn chưa chấp hành nghiêm việc kê khai biến động tài sản theo quy định. Theo quy định hiện hành, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phát sinh tăng, giảm, biến động tài sản các đơn vị phải đăng nhập trong cơ sở dữ liệu quốc gia, nhưng cho đến nay còn có nhiều đơn vị không chấp hành nghiêm quy định này. Rõ ràng, sự đầy đủ của thông tin phụ thuộc rất lớn vào việc báo cáo kê khai, đăng nhập dữ liệu của các đơn vị cơ sở.

Thứ ba, việc ứng dụng CNTT vào việc thực hiện các giao dịch về tài sản còn chưa nhiều và kết quả chưa như kỳ vọng, thời gian qua chủ yếu mới tập trung vào việc hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu.

Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng tài sản là vấn đề mới, do vậy, quá trình triển khai thực hiện cần có thời gian và bước đi phù hợp. Ngoài ra, hiện nay, các chi phí tài chính để đầu tư hệ thống CNTT khá lớn, trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Thứ tư, nhận thức trong việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý vẫn còn bất cập. Một số cấp, ngành, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ vai trò của ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng tài sản.

Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý ngại thay đổi hoặc không bắt kịp sự thay đổi trong cách thức quản lý khi ứng dụng CNTT. Việc chấp hành các quy định về đăng tải thông tin đấu giá, đấu thầu, niêm yết giá hiện nay còn chưa nghiêm.

Thứ năm, nguồn kinh phí để ứng dụng CNTT cũng còn nhiều hạn chế. Theo Điều 116 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản, thì hệ thống giao dịch điện tử về tài sản là hệ thống CNTT do Bộ Tài chính tổ chức xây dựng, quản lý và vận hành nhằm thực hiện việc bán tài sản, cho thuê tài sản, chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác tài sản và các giao dịch khác về tài sản.

Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách khó khăn, việc xây dựng và quản lý vận hành Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn về hạ tầng máy chủ, phần mềm ứng dụng.

Vì vậy, việc xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản theo hình thức đối tác công – tư (PPP) nhằm bảo đảm cải cách hành chính, công khai, minh bạch nhằm tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, chia sẻ lợi ích, rủi ro là việc làm cần thiết hiện nay.

Việc giao cho nhà đầu tư thực hiện theo hình thức PPP vẫn đảm bảo quyền của Bộ Tài chính trong việc tổ chức xây dựng, quản lý và vận hành, cũng như đảm bảo công tác giám sát, thực hiện biện pháp xác thực để đảm bảo an toàn của Hệ thống.

Tác giả bên cạnh máy quay đời mới ở phòng quay ảo, ứng dụng công nghệ của Học viện.

Tác giả bên cạnh máy quay đời mới ở phòng quay ảo, ứng dụng công nghệ của Học viện.

Hình thức đầu tư này cũng phù hợp với quy định tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng tài sản về khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vốn, khoa học công nghệ để phát triển tài sản và hiện đại hóa công tác quản lý cung cấp dịch vụ công.

Từ những thách thức, khó khăn như vậy do đó cần thiết phải xác định các biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tài sản tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền Trong thời gian qua, việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý tài sản tạiHọc viện Báo chí và tuyên truyền đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, sử dụng tài sản tại Học viện:

Một là, ứng dụng CNTT đóng vai trò quan trọng vào công tác quản lý nhà nước về tài sản. Thông qua cơ sở dữ liệu, các cơ quan chức năng của Nhà nước, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản đã nắm được tổng thể và chi tiết về chủng loại, số lượng, hiện trạng sử dụng của tài sản tại các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp một cách đầy đủ, kịp thời.

Cơ sở dữ liệu là một kênh thông tin đắc lực giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra các biện pháp quản lý, xử lý tài sản phù hợp, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết kế chính sách và thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành phù hợp với thực tiễn, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Hai là, ứng dụng CNTT góp phần công khai, minh bạch công tác quản lý, sử dụng tài sản. Trang thông tin về tài sản là phương tiện để công khai tình hình quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản; các thông báo về đấu giá, đấu thầu, niêm yết giá (bình quân khoảng 2.200 thông báo/năm) giúp cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận một cách kịp thời, rộng rãi và liên tục về vấn đề mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản với hệ thống thông tin thống nhất từ cơ sở đến trung ương cho phép các cơ quan quản lý cấp trên bao quát tổng thể và chi tiết tài sản của các đơn vị cấp dưới, góp phần tích cực vào việc minh bạch thông tin khi ra các quyết định liên quan đến tài sản.

Việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến cho phép giải quyết các tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết kế chính sách và thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành phù hợp với thực tiễn được nhanh gọn, tiết kiệm chi phí cho các tổ chức, cá nhân, góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Ba là, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản cho phép quản lý, lưu trữ và cập nhật một cách kịp thời, từng bước đầy đủ thông tin về hiện trạng, biến động của tài sản.

Trước đây, để tổng hợp, phân tích dữ liệu về tài sản đều phải thông qua phương pháp thủ công theo quy trình cơ quan quản lý cấp trên đưa ra yêu cầu với các cơ quan quản lý cấp dưới đến đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản; cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản tổng hợp thông tin, báo cáo qua lần lượt các cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp, báo cáo cơ quan đưa ra yêu cầu.

Bốn là, CNTT góp phần tuyên truyền các chủ trương, chính sách liên quan đến quản lý tài sản. Theo đó, nhằm phổ biến các chính sách, chế độ liên quan đến lĩnh vực quản lý tài sản, truyền tải các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Tài chính về công tác quản lý tài sản được đầy đủ, kịp thời; đồng thời, công khai, minh bạch thông tin trong quản lý, sử dụng, xử lý tài sản, năm 2011, Bộ Tài chính (Cục Quản lý công sản) đã xây dựng Trang thông tin điện tử về tài sản (http://taisancong.vn).

Trang thông tin điện tử về tài sản, với việc cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, thủ tục hành chính giúp các cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng tài sản tổ chức thực hiện đúng quy định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hạn chế tối đa những sai sót trong quản lý, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản.

Biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tài sản tại Học viện Báo chí và tuyên truyền

Trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý tài sản công của Học viện Báo chí và tuyên truyền, trong đó, trọng tâm là việc xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản là một chính sách quan trọng thể hiện xuyên suốt từ Luật Quản lý, sử dụng TSNN năm 2008 đến Luật Quản lý, sử dụng tài sản năm 2017.

Quá trình triển khai ứng dụng CNTT thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng thực tiễn triển khai công tác này cũng đặt ra vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện để hiện đại hóa công tác quản lý tài sản, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài sản. Theo đó, cần tập trung vào một số biện pháp quan trọng sau:

- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các đơn vị, cán bộ, giảng viên và nhân viên liên quan về tầm quan trọng trong việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý tài sản; Chủ động hướng dẫn khai thác, sử dụng có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến đã xây dựng, phát huy hiệu quả các phần mềm này.

- Tăng cường triển khai các ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng tài sản, đáp ứng yêu cầu việc triển khai ứng dụng CNTT trong lĩnh vực tài chính - ngân sách theo Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ nhằm thích ứng, khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính đã xây dựng và vận hành 04 cơ sở dữ liệu về tài sản gồm: Cơ sở dữ liệu về tài sản nhà nước (quản lý tài sản là đất nhà, trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; xe ô tô các loại, các loại tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản, tài sản dự án); cơ sở dữ liệu về tài sản là công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; cơ sở dữ liệu về tài sản cố định tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Xây dựng hệ thống giao dịch điện tử về tài sản để thực hiện các giao dịch về tài sản (như: bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản...), đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý, xử lý tài sản.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về việc báo cáo kê khai, đăng nhập dữ liệu, sử dụng dữ liệu về tài sản, gửi thông tin đấu giá, đấu thầu, niêm yết giá để đăng tải trên Trang thông tin về tài sản và thực hiện các giao dịch điện tử về tài sản.

- Tiếp tục dành nguồn lực ngân sách đáng kể cho việc hiện đại hóa CNTT phục vụ công tác quản lý tài sản.

- Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia vào quá trình ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng tài sản: Tổ chức tốt các lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản trị cơ sở dữ liệu, cán bộ trực tiếp nhập, duyệt, khai thác dữ liệu, tham gia vào việc cùng xây dựng và phát triển các ứng dụng CNTT trong quản lý, sử dụng tài sản; Có chế độ phù hợp, chính sách ưu đãi tốt nhằm tạo sự gắn bó, nâng cao chất lượng cán bộ phụ trách CNTT tại các bộ, ngành, địa phương, qua đó, hình thành một đội ngũ chuyên nghiệp và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2017), Luật Quản lý sử dụng tài sản;

2. La Văn Thịnh, Nguyễn Tân Thịnh (2019), Triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: Một năm nhìn lại, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2019;

3. Nguyễn Thị Phương Hảo (2019), Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng tài sản công: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 4/2019;

4. Đức Minh (2019), Hiện đại hóa quản lý tài sản công bằng công nghệ thông tin, Truy cập ngày 1/3/2020 từ link: http://www.taichinhdientu.vn/tai-chinh/hien-dai-hoa-quan-ly-tai-san-cong-bang-cntt-159813.html;

Một số website: mof.gov.vn, taisancong.vn, tapchitaichinh.vn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ