Tới dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương Võ Thị Ánh Xuân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn...
Ngoài ra còn có các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các vị khách quốc tế, cùng các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước hơn 70 nghìn cán bộ
Trong chặng đường 60 năm, bằng lao động khoa học nghiêm túc và sáng tạo, các thế hệ cán bộ, giảng viên của Học viện đã khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trong diễn văn kỷ niệm, PGS.TS Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, xứng đáng là một trường Đảng, trường đại học trọng điểm quốc gia về đào tạo giảng viên lý luận chính trị, cán bộ báo chí - truyền thông, tư tưởng – văn hoá và một số lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khác.
60 năm qua, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước hơn 70 nghìn cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng, báo chí - truyền thông.
Đội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo, bồi dưỡng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn cao. Nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà khoa học, nhà giáo có uy tín, nhà báo, biên tập viên có tên tuổi... Không ít người là cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước trong các ngành, lĩnh vực ở Trung ương và địa phương.
Với những cống hiến bền bỉ trong 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tự hào là đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học có chất lượng và uy tín cao, được nhận nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập, Học viện vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.
Các đại biểu tham dự buổi lễ. |
PGS.TS Phạm Minh Sơn đồng thời chia sẻ, hoạt động chuyên môn của nhà trường so với thời kỳ đầu đã có bước phát triển mạnh mẽ. Các ngành, chuyên ngành đào tạo chính quy được mở rộng ở cả trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Hoạt động quản lý đào tạo đổi mới theo phương thức hiện đại. Các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại được đầu tư nhằm phục vụ kịp thời cho các chuyên ngành đào tạo đặc thù.
Nhà trường mở rộng hoạt động hợp tác với các đối tác nước ngoài, tham gia các dự án quốc tế. Hệ thống chương trình, giáo trình thường xuyên được đổi mới, cập nhật.
Đổi mới chương trình theo hướng hiện đại
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ kỷ niệm. |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn mà các thế hệ nhà giáo, cán bộ, viên chức, học viên, sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đạt được trên chặng đường phát triển
Đồng chí nhấn mạnh, Học viện cần ý thức sâu sắc hơn yêu cầu cấp thiết của việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học. Đồng thời có g bước đi táo bạo, cụ thể hơn để hiện thực hoá tầm nhìn và mục tiêu phát triển đã đặt ra.
Gợi mở một số vấn đề, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, tăng cường tính liên thông, liên kết.
Chú trọng đào tạo cán bộ chuyên môn đầy đủ phẩm chất đạo đức, nhất là đạo đức người làm báo và làm công tác văn hoá-tư tưởng. Đẩy mạnh số hoá toàn bộ quy trình quản lý đào tạo, bồi dưỡng, tích hợp và liên thông với cơ sở dữ liệu chung của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học…
Học viện cần tăng cường nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đặc biệt cần gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch.
PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại Lễ kỷ niệm. |
Cùng với đó, tiếp tục hiện đại hoá cơ sở vật chất, chăm lo cải thiện đời sống, tạo môi trường làm việc, học tập thuận lợi cho giảng viên, học viên, sinh viên; phát động các phong trào thi đua, khơi dậy truyền thống hiếu học…
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, Học viện chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên trẻ giỏi về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm; tăng cường về lý luận, sâu sắc về thực tiễn, có lập trường chính trị vững vàng, lối sống mẫu mực theo chuẩn mực của người giáo viên trường đảng.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần quan tâm xây dựng các cơ chế trọng dụng nhân tài, phát huy tốt nhất năng lực của cán bộ, giảng viên và sinh viên, cũng như khai thác hiệu quả lợi thế là một học viện trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh…