Ứng dụng CNTT làm hấp dẫn bài giảng Vật lý

GD&TĐ - Ứng dụng CNTT là cách thức hiệu quả giúp mô tả các khái niệm vật lí bằng hình ảnh trực quan, giúp học sinh dễ hình dung, từ đó tiếp thu bài học tốt hơn.

Ứng dụng CNTT làm hấp dẫn bài giảng Vật lý

Thông thường, việc sử dụng CNTT đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức cơ bản về tin học, sử dụng thành thạo các phần mềm phục vụ bài giảng; cũng như khả năng soạn và kết hợp sử dụng thành thạo các phần mềm dạy học vào các phần bài giảng, sử dụng thành thạo các máy móc hỗ trợ cho bài giảng của mình.

Một bài giảng có kèm theo các phần mềm hỗ trợ đòi hỏi sự chuẩn bị rất công phu, do đó người giáo viên cần rất nhiều thời gian chuẩn bị.

Từ thực tiễn dạy học, cô Nguyễn Thị Thu Đông – giáo viên Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) – đã chia sẻ những kinh nghiệm bổ ích trong việc ứng dụng CNTT, làm hấp dẫn các bài giảng Vật lý lớp 7.

Chuẩn bị câu hỏi gợi mở

Việc đầu tiên, theo cô Nguyễn Thị Thu Đông là giáo viên cần chuẩn bị hệ thống câu hỏi gợi mở khoa học, hình ảnh minh hoạ, các tình huống học tập, thí nghiệm ảo phục vụ việc soạn trên các slide và dụng cụ thực tế để làm thí nghiệm kiểm chứng, nhằm phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh.

Xây dựng được những câu hỏi có chất lượng trong một bài học là điều vô cùng khó khăn và phức tạp. Để có những bài soạn chất lượng, bài dạy gây hứng thú với học sinh, bên cạnh việc có những phương tiện dạy học hiện đại, giáo viên phải đưa ra những câu hỏi phù hợp với từng đối tượng học sinh và có khả năng khơi gợi, thu hút trí tò mò của các em.

Hệ thống câu hỏi đưa ra ở mỗi bài đi từ dễ đến khó, các câu hỏi có liên quan đến các vấn đề trong xã hội, từ câu hỏi phát hiện đến câu hỏi nhận biết rồi nâng cao hơn ở câu hỏi phân tích, nêu vấn đề để học sinh suy nghĩ thảo luận... nhằm giúp tiết học sôi nổi.

Ví dụ: Khi dạy bài “Nguồn âm” sách vật lý 7, muốn cho học sinh nhận biết được những vật như thế nào thì được gọi là nguồn âm, giáo viên đưa ra hệ thống câu hỏi trên máy như sau:

Thứ nhất: Cho học sinh nghe một đoạn nhạc có các âm thanh sống động trong thực tế như tiếng chim hót, tiếng kèn, tiếng sáo,...

Sau khi nghe xong đoạn nhạc, giáo viên hỏi: “Em nghe được những âm thanh nào?”

Học sinh trả lời: Tiếng chim hót, tiếng kèn, tiếng trống, tiếng sáo,…

Giáo viên: Những vật phát ra âm được gọi là nguồn âm.

Thứ hai: Hướng dẫn học sinh thí nghiệm bằng thực tế và hình ảnh trên máy, cụ thể:

Sau khi học sinh làm thí nghiệm, giáo viên hỏi: “Vật nào phát ra âm? Học sinh trả lời: Dây chun. Giáo viên tiếp: Dây chun là nguồn âm.

Thứ ba: Để học sinh đưa được ra khái niệm “nguồn âm”, giáo viên tiếp tục hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm thông qua thí nghiệm thực và (ảo) trên máy rồi mới cho tiến hành thí nghiệm thực tế.

Qua thí nghiệm học sinh rút ra được kết quả tương tự như ở thí nghiệm thứ nhất từ đó hiểu được khái niệm: Những vật phát ra âm được gọi là nguồn âm.

Thứ tư: Yêu cầu học sinh tìm các ví dụ về nguồn âm trong thực tế.

Thiết kế bài dạy trên slide.

Mỗi bài dạy gồm các slide trình chiếu, giáo viên tiến hành bài dạy cho học sinh thông qua bàn phím, chuột và các phím lệnh. Tư liệu bài dạy có thể là kênh chữ, kênh hình các video… phù hợp với yêu cầu ở mỗi bài dạy.

Một trong những phần gây hứng thú học tập cho học sinh là trò chơi ô chữ. Nhưng đây cũng là phần nhiều thầy cô gặp nhiều khó khăn khi thiết kế theo ý tưởng để phù hợp với nội dung bài học và đối tượng học sinh.

Để thiết kế được trò chơi này, thông thường sử dụng lập trình VBA hoặc thiết kế Flash, sau đó nhúng vào Micrsoft Power Point. Nhưng phương pháp này rất khó cho giáo viên khi thiết kế đòi hỏi giáo viên phải biết Flash và VBA. Trong khi đó, trong Micrsoft Power Point có một kỹ thuật có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của trò chơi này.

Cách tạo trang trò chơi ô chữ bằng cách sử dụng Power point như sau:

Giả sử câu hỏi của trò chơi: Những vật phát ra âm gọi là gì? Gợi ý: Ô chữ gồm 7 chữ cái ứng với 7 ô.

Giáo viên tiến hành thiết kế theo các bước:

Bước 1: Tạo Slide Micrsoft Power Point vào chọn mẫu Slide Design tùy ý theo ý muốn. Trên slide chèn vào một table có 1 dòng và 12 cột. Định dạng table sao cho các ô là hình vuông (độ rộng của cột bằng chiều cao của dòng)

Bước 2: Nhập liệu kết quả vào table mỗi ký tự trong một ô. Lưu ý: Định dạng cho ký tự nằm giữa mỗi ô.

Bước 3: Click phải chuột vào chọn table và chọn UnGroup Micrsoft Power Point hiện thông báo như hộp thoại, nhấn OK để chấp nhận. Khi đó table gồm 7 cột đã được chia thành 7 hình vuông nhỏ.

Bước 4: Thiết lập hiệu ứng cho từng ô chữ. Chọn Slide Show - Custom Animation. Quét chọn ô chữ. Ví dụ: Quét chọn ô chữ N sau đó chọn hiệu ứng (Ví dụ chọn hiệu ứng Diamond trong nhóm Entrance.)

Bước 5: Thiết lập hiệu ứng nâng cao cho hiệu ứng Diamond bằng cách click chuột phải vào hiệu ứng đã thiết lập và chọn Effect Options... Sau đó thiết lập các thuộc tính Speed: 0.5 seconds (Very Fast);

Click vào Triggers. Chọn Start effect on click of. Chức năng này có tác dụng khi click vào đối tượng được chọn sẽ thực hiện hiệu ứng tương ứng.

Thực hiện tương tự với các ô chữ khác. Kết quả thực hiện được khi trình diễn, click vào ô chữ nào thì ký tự tương ứng trong ô chữ đó sẽ hiện ra.

Cách tạo trang phần thưởng qua 4 bước:

Bước 1: Chọn thanh công cụ vẽ các khối hình hộp (số lượng tuỳ theo ý đồ của giáo viên).

Bước 2: Chọn màu nền cho từng hộp quà (giống chọn màu nền trong phần ô chữ).

Bước 3: Tạo Textbox để đánh nội dung phần thưởng.

Bước 4: Tạo liên kết (giống phần trên).

Quy trình bài giảng

Quy trình giảng khi sử dụng CNTT, giáo viên cần lưu ý 4 bước.

Bước 1: Chuẩn bị nội dung bài dạy, sưu tầm các tranh ảnh, dụng cụ thí nghiệm và mô hình thí nghiệm ảo trên các Slide trình chiếu.

Bước 2: Thiết kế trang (văn bản, ảnh, hình ảnh động…) cùng hiệu ứng hợp lý, khoa học trên cơ sở sắp xếp các Slide.

Bước 3: Tạo sự liên kết. Bước 4: Trình diễn bài giảng theo các slide đã thiết kế.

Những lưu ý chung

Mặc dù CNTT mang lại rất nhiều lợi ích cho cả thầy và trò, nhưng là người dạy học, cô Nguyễn Thị Thu Đông cho rằng, khi soạn bài không nên lạm dụng công nghệ nếu chúng không tác động tích cực đến quá trình dạy học và sự phát triển của học sinh.

Để một tiết dạy bằng bài giảng trên máy tính thành công, để công nghệ thông tin thực sự là công cụ đắc lực phục vụ cho việc dạy và học và để nâng cao chất lượng dạy và học, đòi hỏi giáo viên phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ sử dụng vi tính, phải th¬ường xuyên cập nhật thông tin, tìm kiếm tư liệu, cập nhật các phần mềm mới hỗ trợ việc soạn giảng bằng máy tính.

Giáo viên phải làm chủ công nghệ, làm chủ bài giảng và quan trọng nhất giáo viên phải có năng lực chuyên môn vững vàng bởi hiệu quả của tiết học vẫn phụ thuộc vào vai trò của ng¬ười thầy.

Hơn nữa CNTT chỉ là một trong những phương tiện hỗ trợ cho việc đổi mới phương pháp dạy học, truyền đạt kiến thức đến học sinh chứ không phải là phương tiện duy nhất, số một.

Đừng sử dụng CNTT để thay đổi từ việc đọc chép sang chiếu chép, để biến học sinh thành những khán giả xem phim, xem các kỹ xảo với sự thích thú trầm trồ rồi sau đó không có gì đọng lại trong đầu chúng.

Đối với giáo viên, để có thể thực hiện các bài giảng với CNTT cần học, tập huấn các lớp soạn, giảng bài giảng điện tử, thường xuyên truy vào các trang web và thành viên của diễn đàn.

Ví dụ vào trang Bachkim.vn, dayhocintel.org, giaovien.net, moet.edu.vn, … Đồng thời, mỗi trường cần có câu lạc bộ “Giáo án điện tử” để trao đổi và rút kinh nghiệm, tiếp thu những công nghệ mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ