Ukraine sắp nhận được hàng chục chiến xa T-80U và BMP-3 từ đối tác bất ngờ?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch sửa đổi lệnh cấm cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, mở ra triển vọng chuyển giao xe tăng cho Kyiv.

Ukraine sắp nhận được hàng chục chiến xa T-80U và BMP-3 từ đối tác bất ngờ?

Hàn Quốc đã cho Liên Xô vay 1,47 tỷ USD và lượng hàng hóa trị giá 470 triệu USD trước khi liên bang tan rã vào tháng 12/1991.

Hai bên sau đó đã thỏa thuận rằng Moscow sẽ trả nợ bằng cách chuyển giao cho Hàn Quốc các loại vũ khí, khí tài quân sự hiện đại.

Loại vũ khí tối tân đầu tiên Hàn Quốc nhận được từ Nga dưới hình thức thanh toán các khoản nợ từ thời Xô Viết là xe tăng chiến đấu chủ lực T-80U.

Tổng số xe tăng T-80 đang phục vụ trong Quân đội Hàn Quốc là 35 chiếc, trong đó có 33 chiếc T-80U được chuyển giao trong giai đoạn 1996 - 1997, đến năm 2005 Hàn Quốc tiếp tục nhận thêm 2 xe tăng chỉ huy T-80UK.

Bên cạnh xe tăng T-80U, Hàn Quốc cũng là một trong những khách hàng đầu tiên của dòng xe chiến đấu bộ binh BMP-3 tốt nhất của Nga.

Số lượng BMP-3 của Hàn Quốc là 70 chiếc, gồm 33 chiếc chuyển giao trong giai đoạn 1996 - 1997 và thêm 37 chiếc khác chuyển giao trong năm 2005, cùng đợt với các xe tăng chiến đấu chủ lực T-80.

Sau một thời gian sử dụng, những chiến xa từng được Seoul đánh giá rất cao đã trở nên lạc hậu, bên cạnh đó còn không đồng nhất được với hạ tầng kỹ thuật, bởi vậy Hàn Quốc đã có ý định loại biên.

Sau khi chiến sự bùng nổ, Ukraine đã nhiều lần đề nghị Seoul viện trợ số phương tiện chiến đấu trên nhưng chưa nhận được cái gật đầu, mặc dù vậy gần đây đã có diễn biến mới rất đáng quan tâm.

Xe tăng T-80U và xe chiến đấu bộ binh BMP-3 của Hàn Quốc trong một cuộc tập trận.

Xe tăng T-80U và xe chiến đấu bộ binh BMP-3 của Hàn Quốc trong một cuộc tập trận.

Sau khi Nga ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược với Triều Tiên, trong đó bao gồm hỗ trợ quân sự cho nhau, Chính phủ Hàn Quốc đã xem xét dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp vũ khí cho Ukraine.

"Chính phủ nhấn mạnh một cách rõ ràng rằng bất kỳ sự hợp tác nào trực tiếp hoặc gián tiếp giúp Triều Tiên tăng cường sức mạnh quân sự đều vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và phải chịu sự giám sát cũng như trừng phạt của cộng đồng quốc tế", ông Jang Ho Jin - Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia thuộc Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết.

Theo các quan chức Hàn Quốc, vấn đề viện trợ cho Ukraine và chuyển giao vũ khí sát thương cho nước này hiện đã được nêu ra. Bước đi trên được thực hiện vì sự hỗ trợ tương tự của Triều Tiên dành cho Nga trong cuộc chiến.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết: “Chúng tôi dự định xem xét lại vấn đề hỗ trợ quân sự cho Ukraine”. Việc cho phép xuất khẩu vũ khí phải được tổng thống phê duyệt, nhưng hiện tại hầu hết quan chức đều có khuynh hướng ủng hộ việc chuyển giao trang thiết bị quân sự cần thiết cho Ukraine.

Ngoài ra Seoul còn có kế hoạch tăng số lượng hàng hóa sẽ bị cấm xuất khẩu sang Nga, trong đó có những sản phẩm công nghiệp nặng.

Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến Ukraine, Hàn Quốc chưa hề chuyển giao thiết bị và máy móc quân sự cho Kyiv. Nước này chỉ cung cấp viện trợ nhân đạo hay khẩu phần ăn, bộ sơ cứu, quần áo... cho quân đội.

Ngày 9 tháng 5 năm 2024, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-yeol xác nhận quan điểm cấm chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Nhưng sắp tới nhà lãnh đạo sẽ đưa ra tuyên bố chính thức về việc xem xét lệnh cấm này và thông báo quyết định cuối cùng, mở ra cơ hội để Kyiv nhận thiết giáp hệ Liên Xô.

Sức mạnh xe chiến đấu bộ binh BMP-3.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ