Ukraine nhận hàng trăm F-16 NATO, tại sao Mỹ không cho chiếc nào?

GD&TĐ - Theo giới chuyên gia, Mỹ không cung cấp cho Ukraine máy bay F-16 phiên bản hiện đại hóa sâu nhất của mình là do sợ lộ lọt công nghệ vào tay Nga.

Ukraine nhận hàng trăm F-16 NATO, tại sao Mỹ không cho chiếc nào?

Theo Defence Express, một thỏa thuận đã đạt được trong cuộc gặp của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyi với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte về việc Không quân Ukraine sẽ nhận được tất cả các máy bay chiến đấu đa năng F-16 Fighting Falcon hiện có gồm 42 chiếc của Không quân Hà Lan.

Đối với Hà Lan, việc chuyển giao 42 máy bay F-16 đồng nghĩa với việc toàn bộ tiêm kích dòng Fighting Falcon trong không quân nước này sẽ được chuyển giao cho Ukraine.

Việc Không quân Ukraine tiếp nhận F-16 phụ thuộc hoàn toàn vào các điều kiện đào tạo và số lượng phi công và kỹ thuật viên đã qua đào tạo, những người sẽ thành thạo loại vũ khí mới.

Các máy bay này sẽ được bàn giao sau khi quá trình đào tạo phi công và kỹ thuật viên Ukraine hoàn tất.

Nhưng theo bài đăng chính thức của tổng thống Ukraine cho biết “đây mới chỉ là bước khởi đầu”, có nghĩa là số lượng máy bay sẽ còn nhiều hơn nữa. Nhà tài trợ dự kiến ​​thứ hai là Đan Mạch, cùng với Hà Lan, cũng đã nhận được sự cho phép của Mỹ để tái xuất máy bay chiến đấu sang Ukraine.

Nếu Đan Mạch lặp lại hành động của Hà Lan và tăng viện cho chính quyền Kiev tất cả số máy bay F-16 của mình thì Ukraine có thể nhận thêm 44 máy bay chiến đấu loại này, nâng tổng số lượng tiêm kích F-16 trong biên chế Không quân Ukraine lên tới gần 90 chiếc.

Theo Military Balance, chỉ có 30 chiếc trong số 44 chiếc F-16 của Đan Mạch đang trong tình trạng hoạt động, tuy nhiên, 14 chiếc còn lại có thể được sửa chữa bảo dưỡng để tái sử dụng.

Defence Express cho biết, bước đầu tiên là Ukraine sẽ tiếp nhận lô đầu tiên gồm 19 chiếc F-16, nhưng chưa xác định chính xác thời gian giao nhận. Ngoài ra, các máy bay khác sẽ được cung cấp trong những đợt tiếp theo, để Đan Mạch duy trì khả năng bảo vệ không phận.

Tuy nhiên, Defence Express nhấn mạnh rằng, việc thông báo sẵn sàng chuyển giao máy bay không có nghĩa là chúng sẽ được chuyển giao ngay lập tức.

Khả năng cao là việc chuyển giao của họ sẽ đồng bộ với việc các quốc gia tài trợ tiếp nhận siêu tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II.

Việc chuyển F-16 Ukraine sau khi đã tiếp nhận máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 cho phép Hà Lan và Đan Mạch vừa tăng cường sức mạnh Không quân Ukraine mà không làm mất đi khả năng phòng thủ trên không của các quốc gia này.

Hiện tại, sắp bắt đầu khóa đào tạo của nhóm phi công Ukraine đầu tiên, chỉ bao gồm sáu phi công, những người sẽ hoàn thành khóa đào tạo của họ vào đầu mùa hè năm 2024.

Ngoài ra, các phi công Ukraine cũng bắt đầu “huấn luyện làm quen” trên máy bay chiến đấu hạng nhẹ JAS 39 Gripen của Thụy Điển .

Theo giới phân tích, có một vấn đề đáng lưu ý là mặc dù Mỹ đã bật đèn xanh cho các đồng minh chuyển giao F-16 cho Ukraine nhưng chính nước này lại tuyên bố không cung cấp bất cứ chiếc máy bay nào thuộc loại này cho Kiev, bất chấp việc các Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ đang còn sử dụng tới gần 900 chiếc.

Theo số liệu trong báo cáo của Tạp chí “Military Balance” (“Cán cân quân sự”) cho đến năm 2021, các máy bay tiêm kích hạng nhẹ dòng F-16 Fighting Falcon vẫn là loại máy bay phổ biến nhất trong các Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ.

Hiện nay, Lực lượng Không quân Mỹ (USAF) còn đang biên chế 443 chiếc F-16C và 114 chiếc F-16D.

Ngoài ra, trong thành phần lực lượng Vệ binh Quốc gia có thêm 336 chiếc F-16 thuộc các loại này, tức là Mỹ còn có tới 893 chiếc máy bay thuộc dòng Fighting Falcon.

Theo giới phân tích, các chiến đấu cơ Mỹ đang còn sử dụng chủ yếu là thuộc dòng D-16C/D. Mặc dù có không ít đồng minh của Mỹ cũng sở hữu các máy bay loại này nhưng máy bay dành riêng cho các lực lượng Mỹ đều là các phiên bản đã nâng cấp hết sức mạnh mẽ và hiện đại.

Do đó, theo các chuyên gia có lẽ là Mỹ không cung cấp F-16 của mình cho Ukraine là do nước này lo sợ lộ lọt công nghệ tối tân, nếu chẳng may 1 chiếc F-16 rơi vào tay Nga.

Đồng thời Mỹ cũng không muốn các phiên bản tối tân nhất tham chiến vì e ngại sẽ làm mất uy thế của một biểu tượng toàn cầu của Không quân Mỹ.

Với các vũ khí trước đó, các nước NATO cũng gỡ bỏ một số thiết bị sở hữu một số công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Nếu xét đến việc Hà Lan và Đan Mạch cũng cũng chỉ cung cấp các máy bay F-16 đời đầu hơn thì dường như nhận xét này hoàn toàn là có cơ sở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.