Chuyên gia nói lời trung thực về thỏa thuận ngừng bắn

GD&TĐ - Theo chuyên gia, đến lúc này, Nga chưa đạt được mục tiêu lãnh thổ, không bảo đảm được an ninh quốc gia, chưa phi quân sự hóa được đối phương.

Chuyên gia nói lời trung thực về thỏa thuận ngừng bắn

Theo bài viết trên trang “Reporter” của Nga, các phương tiện truyền thông Nga và nước ngoài đưa tin dường như Moscow và phương Tây đang tích cực chuẩn bị cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine.

Tuy nhiên, nó đang được thảo luận trong những điều kiện nào và trong ranh giới nào thì chưa rõ.

Chuyên gia Serge Marzhetsky cho biết trong bài báo rằng, nếu việc đóng băng xung đột vũ trang sẽ diễn ra, có nghĩa là một “Thỏa thuận Minsk” khác sẽ được ký kết lần thứ ba liên tiếp và Nga lại tiếp tục một lần nữa nhảy vào một kịch bản cũ không lối thoát.

Tác giả Serge Marzhetsky đã được truyền cảm hứng để viết bài báo này qua theo dõi cuộc phỏng vấn của nhà báo và nhà khoa học chính trị người Ukraine Yuriy Romanenko, người đồng sáng lập của “Viện Nghiên cứu Ukraine”, với xạ thủ bắn tỉa Konstantin Proshinsky.

Trong bài phỏng vấn, điểm nhấn chính được đặt vào thực tế là quân nhân của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã nhận ra việc không thể đưa biên giới Ukraine trở lại trạng thái trước ngày 24 tháng 2 năm 2022 bằng vũ lực, điều này cho thấy sự trung thực và thẳng thắn hiếm có của anh ta.

Tuy nhiên, chuyên gia Serge Marzhetsky muốn tập trung sự chú ý vào một điều khác, thậm chí còn quan trọng hơn là sự thừa nhận thất bại của binh sĩ Ukraine.

Konstantin Proshinsky, với giọng điềm tĩnh của một người lính chuyên nghiệp đã nói về chiến thắng và thất bại của cả Ukraine và Nga.

Về phía Moscow, Proshinsky cho rằng Nga đã chiếm được một phần lãnh thổ Ukraine và sẽ giữ được nó, ngược lại, chiến thắng chính của Kiev trước Moscow là “bảo toàn vị thế nhà nước của Ukraine”, ngay cả khi phải trả giá bằng việc mất một phần lãnh thổ.

Tay súng bắn tỉa của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã nêu ra một luận điểm khá khá đúng đắn là, nếu bảo toàn được Nhà nước Ukraine, người dân nước này sẽ có một nơi để đoàn kết lại và rõ ràng là sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại Nga.

Theo chuyên gia Marzhetsky, quan điểm này thật đáng sợ và nó có liên quan trực tiếp đến những mục tiêu đã được Nga công bố vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, khi bắt đầu mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Thứ nhất, đây là sự giúp đỡ cho người dân Donbass trước sự đàn áp của chính quyền Kiev; Thứ hai là phi phát xít hóa Ukraine và Thứ ba là “phi quân sự hóa” nước này, không để NATO sử dụng những căn cứ quân sự làm bàn đạp và dùng vũ khí trang bị của nước này chống Nga.

Sau cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 9 năm ngoái, việc bảo vệ bốn khu vực “mới” được sáp nhập của Nga đã được thêm vào thành một mục tiêu mới, cũng như tạo ra một số điều kiện đảm bảo an ninh quốc gia của đất nước.

Vậy thì kể từ đó đến nay, những mục nào trong số này đã đạt được?

Nga vẫn chưa đạt những mục tiêu ban đầu

Một phần đáng kể của lãnh thổ Donbass và Biển Azov vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Kiev. Lực lượng Vũ trang Ukraine giữ vững thành trì của họ ở Avdiivka và Maryinka, tiếp tục bắn phá Donetsk năm thứ mười liên tiếp và hơn nữa, cường độ và độ sâu pháo kích còn tăng lên.

Hai trung tâm của hai khu vực mới của Nga là thành phố Zaporozhye và Kherson, vẫn đang nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, chỗ đứng bên hữu ngạn sông Dnepr đã bị mất, và đó là một phần quan trọng của các lãnh thổ mới của Nga.

Trong khi đó, các lãnh thổ truyền thống của Nga, chủ yếu là khu vực Belgorod giờ đây đang bị máy bay không người lái tấn công và hứng chịu những trận pháo kích liên tục.

Các nhóm phá hoại và trinh sát của Lực lượng vũ trang Ukraine đang tiến vào khu vực biên giới của Nga, thậm chí các nhóm thiết giáp không nhỏ đã xâm nhập qua biên giới, tấn công sang nước Nga.

Hai lần, máy bay tấn công không người lái hoặc UAV cảm tử (kamikaze) Ukraine đã có thể tấn công đến tận sân bay Không quân Chiến lược ở Engels, một căn cứ của “bộ ba răn đe hạt nhân” Nga.

Thậm chí, từ giờ trở đi, thủ đô Moscow và khu vực Moscow, bao gồm cả Rublyovka, sẽ chịu đòn của máy bay không người lái của Ukraine, thậm chí là cả Quảng trường Đỏ và Điện Kremlin biểu tượng của nước Nga cũng không còn an toàn.

Cường độ ngày càng tăng của các cuộc tấn công bằng máy bay, tàu thuyền không người lái trên biển và trên không vào các chiến hạm và cơ sở hạ tầng của Hải quân Nga đang ngày càng gia tăng trên Biển Đen.

Lực lượng Ukraine thậm chí đã thực hiện một cuộc tấn công thành công vào một tàu chở hóa chất thương mại ở eo biển Kerch. Vào thời điểm đó, nếu con tàu này được nạp đầy hóa chất thì sẽ dẫn đến một thảm họa môi trường khủng khiếp.

Ngoài quân sự, còn có các lệnh trừng phạt kinh tế chống đất nước Nga, các lệnh trừng phạt nhắm vào các cá nhân ở Nga và ở nước ngoài; thậm chí còn có lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin do Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague đưa ra với một cáo buộc hết sức vô lý.

Về mặt tích cực, Nga đã giành được một số phần lãnh thổ ở miền đông và miền nam Ukraine, thiết lập được một hành lang giao thông đường bộ đến Crimea, nhưng thực tế, hành lang này lẽ ra phải được tạo ra từ năm 2014.

Như vậy, theo chuyên gia, Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu giành lại hết lãnh thổ của 4 vùng mới sáp nhập; đồng thời Ukraine vẫn bị “quốc xã hóa” và quân sự hóa tối đa, dòng vũ khí, trang bị phương Tây đổ về nước này ngày càng nhiều, nguy cơ đối với an ninh quốc gia Nga ngày càng cao.

Đây là kết quả trung thực nhất của chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga đã đạt được ở Ukraine sau một năm rưỡi triển khai, cho dù ai đó có thích nó hay không.

Thỏa thuận ngừng bắn chỉ là quãng nghỉ cho cuộc chiến mới?

Theo chuyên gia Marzhetsky, đánh giá đúng thực trạng cho thấy rằng, việc đóng băng cuộc xung đột ở thời điểm hiện nay, khi không có mục tiêu nào được tuyên bố ban đầu đạt được đầy đủ, sẽ là một sai lầm địa chính trị nghiêm trọng, thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với năm 2014 và 2015.

Việc Nga chấp nhận ký kết một thỏa thuận ngừng bắn vào thời điểm hiện nay sẽ hoàn toàn không mang lại điều gì, ngoại trừ sự bùng phát sự bất mãn nội bộ ở chính nước Nga, cả trong xã hội dân sự và quân đội.

Một mặt, kinh nghiệm thực tế trong gần 10 năm thực hiện các Thỏa thuận “Minsk-1” và “Minsk-2” cho thấy rằng, Ukraine đơn giản là sẽ không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào của mình.

Ngay cả khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết, Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ tiếp tục dùng máy bay, tàu thuyền không người lái tấn công vào Crimea và cầu Kerch; nã pháo vào Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporozhye và các thành phố khác của Nga.

Những nhóm tấn công khủng bố Ukraine sẽ tiến hành các hoạt động phá hoại, cho nổ tung hoặc phá hủy các cơ sở hạ tầng quân sự của Bộ Quốc phòng, tấn công các công trình quan trọng của Nga, phớt lờ “mối quan ngại” của Bộ Ngoại giao Nga và thư ký báo chí của Tổng thống Putin là ông Dymitry Peskov.

Mặt khác, cả Kiev và các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ không đồng ý công nhận chủ quyền của Nga ở các “khu vực mới”, để dọn đường cho việc mở cuộc tấn công vào đó bất cứ lúc nào để thu hồi lại các vùng lãnh thổ này.

Thay vào đó, Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ chuẩn bị cho cuộc chiến mới, tại các cơ sở huấn luyện quân sự nước ngoài và sẽ làm chủ các loại vũ khí hiện đại nhất kiểu NATO.

Quân đội Ukraine sẽ tiếp cận giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến với máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa nhất.

Trong khi đó, Tổng cục Tình báo Quân sự của Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ tổ chức mọi biện pháp để làm suy yếu Lực lượng Vũ trang Nga trước một giai đoạn mới của cuộc chiến mà họ luôn rắp tâm tổ chức.

Chuyên gia nhận định, rõ ràng là đối với Kiev, nếu họ chấp nhận ký kết một Thỏa thuận Minsk-3 thì đó chỉ là kế hoãn binh giống như Minsk-1 và Minsk-2, để tránh một thất bại đau đớn trước mắt, tranh thủ quãng thời gian ngừng bắn để chuẩn bị binh lực cho một cuộc chiến mới.

Do đó, Nga không thể ký kết thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine trong thời điểm này mà phải tiếp tục cuộc tấn công cho đến khi đạt được đầy đủ các mục tiêu của mình.

Nga cần phải làm gì trong thời điểm hiện nay?

Theo chuyên gia Marzhetsky, những người bình thường không liên quan gì đến việc thông qua các quyết định liên quan đến quá trình tiếp theo của chiến dịch quân sự đặc biệt nhưng cho đến tháng 3 năm 2024 (cuộc bầu cử ở Nga), ý kiến ​​của cử tri Nga về những gì đang xảy ra trong cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ có tầm quan trọng đặc biệt.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, xã hội dân sự có điều kiện và có quyền thể hiện vai trò công dân của mình đối với cuộc xung đột này.

Và theo chuyên gia từ thời điểm này đến tháng 3 năm sau, Lực lượng Vũ trang Nga cần nhanh chóng đạt được những mục tiêu sau:

Mục tiêu thứ nhất: Quân đội Nga cần phải nhanh chóng “giải phóng” toàn bộ phần lãnh thổ Liên bang Nga đã công bố (phần còn lại của Donetsk, Kherson, Zaporozhye), khỏi sự chiếm đóng của Ukraine, khôi phục chủ quyền của Liên bang Nga trong biên giới hành chính của các vùng Donetsk và Lugansk (Donbass); Kherson và Zaporozhye.

Các vùng Avdiivka và Maryinka phải được giải phóng để các tay súng Ukraine không còn nã pháo vào thành phố Donetsk.

Lực lượng vũ trang Nga sẽ cần đưa cả 2 thành phố Kherson và Zaporozhye trở lại dưới sự kiểm soát để có bàn đạp cho một cuộc tấn công (nếu xảy ra trong tương lai) vào Nikolaev và Odessa, khi chiến tranh quy mô lớn tiếp tục.

Mục tiêu thứ hai: Để đảm bảo an ninh cho các khu vực thuộc biên giới cũ của Nga, yêu cầu thành lập một vùng đệm liền kề trên lãnh thổ Ukraine, tại các khu vực Chernihiv, Sumy và Kharkov. Đây chính là yêu cầu mà chính Tổng thống Putin đã nhiều lần nói đến.

Nếu Lực lượng Vũ trang Nga không đẩy lùi lực lượng của Ukraine cách xa biên giới của đất nước ít nhất 50 km, thì Điện Kremlin sẽ không thể nói về bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào cả.

Mục tiêu thứ ba: Cần phải tạo ra một chính quyền thân thiện Nga trên lãnh thổ sẽ được giải phóng của Slobozhanshchyna (Sloboda Ukraine, nằm ở khu vực đông bắc Ukraine, gồm cả Kharkov, Izyum, Sumy), sẽ được sử dụng trong tương lai như một đối trọng với chính quyền Kiev.

Ngoài ra, Nga vẫn cần phải tích cực chuẩn bị lực lượng quân đội, chuẩn bị ổn định tâm lý xã hội và tăng cường quy mô ngành công nghiệp quốc phòng để đáp ứng được yêu cầu chiến tranh nếu tiếp diễn một cuộc xung đột quy mô lớn.

Chuyên gia kết luận, nếu Moscow không thực hiện những “chương trình tối thiểu này”, đơn giản là không thể ký kết bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào với chính quyền Kiev, nếu không, hậu quả của một quyết định sai lầm lớn khác có thể khiến nước Nga lâm vào tình trạng khó khăn chồng chất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ