Hầu hết các lớp nhằm mục tiêu hỗ trợ học sinh ổn định tâm lý do chiến tranh mang lại.
Cô Yulia Kuryliuk, giáo viên ở một ngôi làng gần thành phố Lviv, bày tỏ: Từ ngày 24/2, khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, tôi tập trung học sinh trong lớp trên phần mềm Zoom.
Nhiều em sợ hãi, khóc hỏi tôi khi nào cuộc chiến kết thúc nhưng thực tình, tôi cũng không có câu trả lời. Thay vào đó, tôi hướng dẫn học sinh các bài tập thở để kiểm soát sự lo lắng và khuyến khích các em ôm người thân, đồ chơi để tạo sự thoải mái.
Hàng tuần, cô Kuryliuk thường gặp mặt học sinh tại thư viện của trường. Cô trò cùng chơi trò cờ bàn nhằm xua tan cảm giác lo lắng, tạo dựng sự kết nối giữa căng thẳng. Mỗi tối, cô Kuryliuk đọc sách cho học sinh qua Zoom. Một số em tham gia lớp học từ Ba Lan, Italy, Hy Lạp, vì theo gia đình di tản nhưng vẫn muốn được kết nối với bạn bè ở quê nhà.
Trong khi đó, cô giáo Anastasiia Luzhetska phải rời bỏ căn nhà ở thành phố Kyiv để đến ở với gia đình ở thành phố Ternopil, khi Nga tiến vào khu vực này. Là giáo viên dạy nghệ thuật, cô Luzhetska hiện điều hành nhóm tình nguyện viên tổ chức các trò chơi, hoạt động giải trí cho trẻ em theo gia đình đi sơ tán.
Có mặt từ sáng sớm trong khu vực trú ẩn dành cho người tị nạn ở thành phố Ternopil, cô Luzhetska tập trung những đứa trẻ thành lớp học nhỏ. Ở đó, cô dạy các em cách làm thủ công, tổ chức trò chơi theo nhóm hay vẽ tranh, học hát. Trong lớp học nhỏ được dựng tạm, trẻ em cùng nhau nô đùa và tạm quên đi những âu lo do chiến tranh đem lại.
“Tuy nhiên, lũ trẻ hiểu rằng chiến tranh vẫn luôn ở đó. Trong khi tôi hướng dẫn các em nhỏ vẽ ngôi nhà, một cậu bé nói rằng: ‘Cháu nghĩ không còn ngôi nhà nào đâu vì họ đã đánh bom mất rồi’. Câu nói ấy khiến tôi thấy đau lòng”, cô Luzhetska bày tỏ.
Từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổ chức Giáo dục Teach for Ukraine, đã tổ chức các cuộc hội thảo với chuyên gia tâm lý nhằm trang bị cho giáo viên kỹ năng hỗ trợ học sinh trong chiến tranh. Đây là lần đầu tiên Teach for Ukraine tổ chức hội thảo về tâm lý trong chiến tranh nhưng đã đón nhận được sự ủng hộ và tham gia đông đảo của giáo viên trên mọi miền đất nước.
Cô giáo Anastasiia Holovatiuk bày tỏ: “Ngay cả trong bom đạn chiến tranh, chúng tôi vẫn nghĩ đến trường học. Tôi đã định từ bỏ nhưng nhiều học sinh của tôi sẽ tốt nghiệp trung học năm nay và ấp ủ giấc mơ học đại học. Nhìn những đứa trẻ này, tôi hiểu rằng mình cần phải tiếp tục và tiến lên”.
Theo cô Holovatiuk, bên cạnh hỗ trợ tâm lý cho học sinh, các thầy, cô giáo đang tích cực đóng góp công sức bằng cách nấu ăn cho binh lính, phân phát nhu yếu phẩm cho người dân, chuẩn bị chỗ ở cho người sơ tán... Nhiều người trong số họ đã mất tất cả mọi thứ từ nhà cửa đến người thân, song với niềm tin “giáo dục sẽ chữa lành khổ đau”, các thầy cô vẫn kiên trì cố gắng.
“Mỗi chúng tôi không còn gì ngoài hy vọng. Các trường học sẽ trở lại, có thể vào ngày mai, ngày kia, tuần tới... nhưng tôi biết chắc giáo dục sẽ lại tiếp tục với trẻ em Ukraine”, cô Holovatiuk bày tỏ.