Chiến tranh không thể khiến giáo viên lùi bước

GD&TĐ - Trong khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine tiếp diễn, nhiều giáo viên vẫn tìm cách để duy trì công việc dạy dỗ học sinh hằng ngày.

Hai trẻ em tị nạn từ Ukraine chuẩn bị bắt đầu các lớp học ở Berlin (Đức) vào ngày 21/3.
Hai trẻ em tị nạn từ Ukraine chuẩn bị bắt đầu các lớp học ở Berlin (Đức) vào ngày 21/3.

Phá bỏ rào cản

Tại Lviv (Ukraine), nữ giáo viên Aleksandra (22 tuổi) cho rằng, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga sẽ không ngăn cản cô đưa nghệ thuật và ngôn ngữ đến với học sinh của mình. Phóng viên Molly Hunter hỏi Aleksandra qua Zoom: “Khi nào bạn và các giáo viên khác quyết định: ‘Được rồi, chúng ta cần giúp bọn trẻ học trở lại?’”.

Đáp lại câu hỏi này, nữ giáo viên trẻ cho biết: “Bạn biết không, chúng tôi chỉ hiểu rằng, chúng tôi có rất nhiều năng lượng để làm điều gì đó cho thế giới, như tham gia vào một chiến thắng chung”.

Theo ước tính của Chính phủ Ukraine, có 379 trường học tại quốc gia này đã bị hư hại trong cuộc xung đột. Trong đó, ước tính, có 59 trường bị phá hủy hoàn toàn do bom và pháo kích.

“Hôm nay, trong giờ học, một vài đứa trẻ của tôi đi đến cửa sổ và nói: ‘Xin lỗi, chúng ta phải đến một nơi trú ẩn. Bên ngoài rất nguy hiểm. Họ đang ném bom ở đó’. Khi đó, Aleksandra giải thích: “Tôi giống như ngừng thở. Đó không phải là bài học bình thường. Không hề bình thường”.

Phóng viên Matt Bradley của NBC đã đến thăm Zhytomyr - nơi một trường trung học đã bị phá hủy hoàn toàn vào đầu tháng 3. Không có học sinh nào ở bên trong trường khi cuộc tấn công xảy ra.

Tại đó, Bradley đã nói chuyện với Svetlana - người theo nghề giáo 27 năm. Khi được hỏi sẽ đi đâu trong bối cảnh chiến tranh, nữ giáo viên trả lời: “Tôi sẽ ở lại. Tôi sẽ bảo vệ các con của mình”. Olena - một giáo viên Ngữ văn cấp trung học, cũng tuyên bố sẽ ở lại.

“Tôi không thể phục vụ trong quân đội, nhưng có thể dạy học sinh”, bà Olena cho biết. Các nhà giáo dục khác đã rời khỏi Ukraine cũng đang tìm cách dạy học trực tuyến cho trẻ em.

Nastia - người sinh ra ở Ukraine và chuyển đến Mỹ khi lên 4 tuổi, đang dạy trực tuyến cho học sinh tại quê hương. Đến nay, cô đã tổ chức 5 buổi học. Nữ giáo viên chia sẻ sẽ tiếp tục giảng dạy, chừng nào học sinh còn tham gia. Lindsey - một nhà giáo dục làm việc tại Macedonia, đã rời khỏi Kyiv cùng chồng và ba con nhỏ, sau khi cuộc chiến xảy ra.

Giờ đây, bà làm việc để đảm bảo cả giáo viên và học sinh Ukraine, ở Kyiv cũng như những nơi khác, được tiếp tục dạy, học và cảm thấy bình thường trong cuộc tấn công dữ dội đang diễn ra.

“Tôi và chồng đều thuộc đội ngũ lãnh đạo tại trường học. Vì vậy, chúng tôi ngay lập tức bị thu hút bởi các lời kêu gọi. Sau đó, chúng tôi đã thực hiện các bước tiếp theo và tìm cách sơ tán nhân viên.

Chúng tôi đều có nhân viên cũ và nhân viên địa phương. Vì vậy, trường học của chúng tôi giúp bất kỳ ai cần hỗ trợ để đến nơi họ cần, hoặc nếu họ muốn sơ tán. Các cơ sở giáo dục của chúng tôi ở những quốc gia có chung biên giới đã chào đón nhân viên cũng như học sinh của chúng tôi”, bà Lindsey chia sẻ.

Nhà giáo dục Lindsey cho biết, điều quan trọng đối với trẻ em là phải có thói quen đến trường. Bởi, điều đó có thể giúp trẻ về mặt tinh thần trong khoảng thời gian sợ hãi. 

Bên bờ vực tê liệt

Trẻ em học tập và vui chơi tại một trường học ở Ba Lan - nơi tiếp nhận người tị nạn Ukraine.
Trẻ em học tập và vui chơi tại một trường học ở Ba Lan - nơi tiếp nhận người tị nạn Ukraine.

Các giáo viên đã rời khỏi Ukraine vẫn tiếp tục tổ chức lớp học trực tuyến theo giờ Kyiv. Trong khi đó, những giáo viên Ukraine khác đã liên hệ với những học sinh đang ở Kyiv.

“Một người mà tôi đã nói chuyện cho biết, 5/30 học sinh trong lớp của con gái cô ấy hiện có Internet. Cô ấy rất hy vọng, trường học ít nhất sẽ sớm bắt đầu giảng dạy trực tuyến”, bà Lindsey nói thêm. Theo chuyên gia giáo dục này, một trong những vấn đề khó nhất là giáo viên mất liên lạc với học sinh, dù chỉ trong vài ngày. Sự không chắc chắn của thời điểm này có thể làm tê liệt ngành giáo dục.

“Chúng tôi chứng kiến, có những đứa trẻ biến mất trong bốn hoặc năm ngày, và sau đó chúng giống như: ‘Ồ, em an toàn. Em đã vượt qua biên giới này’. Thật sự đáng sợ khi suốt nhiều ngày không biết học sinh đang ở đâu”, bà Lindsey bày tỏ. Theo nhà giáo dục này, bà giải quyết vấn đề bằng cách tiếp tục tập trung vào công việc của mình.

Đó là giáo dục học sinh và hỗ trợ giáo viên một cách tốt nhất có thể. Bên cạnh đó, bà cũng tập trung vào ba người con lần lượt 3, 5 và 7 tuổi. Song, những đứa trẻ chưa thể hiểu hết về những gì đang diễn ra ở Ukraine. “Chúng tôi đã trò chuyện với bọn trẻ và hỏi rằng: Con có muốn quay lại trường học vào năm tới không? Ý kiến của con là gì? Câu trả lời là, bọn trẻ muốn trở lại trường.

Chúng muốn về nhà. Tôi và chồng cũng vậy. Chúng tôi dự định sẽ trở lại Kyiv khi mọi việc kết thúc. Khi đó, chúng tôi sẽ giúp xây dựng lại thành phố, tái thiết cộng đồng. Nhờ đó, chúng tôi có thể tiếp tục làm những gì mình từng thực hiện. Đó là giảng dạy”, bà Lindsey chia sẻ. Những đoạn hội thoại với 3 con đã khiến bà

Lindsey nhận ra rằng, sự bình thường và thói quen mà trường học cung cấp là rất cần thiết đối với những học sinh phải di dời vì chiến tranh. May mắn là, một số giáo viên có thể theo kịp hướng dẫn. Nhờ đó, họ có thể tiếp cận học sinh từ xa, ngay cả khi chiến tranh nổ ra.

Sống trong hoảng loạn

Liên Hợp Quốc ước tính, 1,5 triệu trẻ em đã rời Ukraine kể từ khi chiến tranh nổ ra. Trong đó, trung bình mỗi phút có 55 người di chuyển qua biên giới. Người dân Ukraine sơ tán đến Ba Lan, Italy và nhiều nước phương Tây khác. Tại đây, trẻ em nhận được nhiều sự hỗ trợ cần thiết về nhu yếu phẩm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Xung đột giữa Nga vào Ukraine vẫn tiếp tục, sau khi Mat-xcơ-va tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, với quy mô lớn vào ngày 24/2. Đây được coi là cuộc xung đột trên bộ lớn đầu tiên ở châu Âu trong nhiều thập kỷ. Chi tiết về cuộc giao tranh thay đổi theo từng ngày.

Tuy nhiên, hàng trăm thường dân đã được báo cáo thiệt mạng hoặc bị thương, bao gồm cả trẻ em. Liên Hợp Quốc cho biết, hàng triệu người Ukraine cũng đã rời khỏi quê hương.

“Bạn không biết phải đi đâu, chạy đến chỗ nào, hay cần gọi cho ai. Bởi, đơn giản là chúng ta đang hoảng loạn”, Liliya Marynchak - một giáo viên 45 tuổi ở Ivano-Frankivsk nói với tờ People về khoảnh khắc thành phố của bà bị ném bom. Song, đây chỉ là một trong số hàng loạt câu chuyện về các cuộc bắn phá của Nga nhằm vào Ukraine.

Tại khu học chánh Shevchenko - nơi bà Yarova đứng đầu, mỗi buổi sáng đều bắt đầu bằng một phút im lặng để tưởng nhớ những người đã mất trong cuộc chiến. Trong bối cảnh này, Ukraine đã giảm khối lượng học của chương trình toán, tiếng Anh và tiếng Ukraine.

“Rất nhiều người cha của con chúng ta, họ tham gia vào cuộc chiến này. Lũ trẻ thường thảo luận: ‘Bố của bạn đâu?’ trên Zoom. Tất cả trẻ đều hỏi thăm nhau. Rất nhiều trẻ không thể sống cùng cha trong bối cảnh này”, bà Yarova nói.

Yulia Yaniuk - học sinh lớp 11 ở vùng Ivano-Frankivsk thuộc miền Tây Ukraine, cho biết bắt đầu học từ xa vì lý do an toàn. Trong khi đó, trường học của em được biến thành nơi trú ẩn của những người tị nạn. Theo nữ sinh này, việc học từ xa là một hướng đi đáng hoan nghênh.

“Học từ xa giúp chúng em phân tâm khỏi những tin tức tiêu cực về chiến tranh. Khi nhìn thấy các bạn cùng lớp trên Internet, điều đó khiến chúng em cảm thấy dễ chịu hơn”, nữ sinh này chia sẻ. Tuy nhiên, Yaniuk cho biết, một tháng học trong thời chiến tranh khó khăn hơn ba năm học trong lúc đại dịch.

“Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, chúng em thực sự không cảm thấy quá sợ hãi và căng thẳng. Chúng em có thể ở nhà trong một tháng hoặc lâu hơn và mọi chuyện rất bình lặng. Tuy nhiên, hiện tại, khi tín hiệu vang lên, chúng em phải đến nơi trú ẩn. Trong khi đó, ngôi nhà luôn có vẻ căng thẳng và hoảng loạn”, Yaniuk nói.

Khi điều đó xảy ra, lớp học kết thúc. Nữ sinh này tâm sự, đây là vấn đề lớn vì khiến các em mất thêm nhiều thời gian. Thậm chí, học sinh cũng không thể làm bài tập về nhà. Hệ thống trường học của giáo viên Yarova ở Kyiv đã thông báo rằng, trẻ em từ các thành phố khác của Ukraine được chào đón tham gia lớp học trực tuyến.

Theo bà Yarova, một số học sinh từ Kharkiv đã bắt đầu tham gia. Song, không ai từ Mariupol hoặc Chernihiv có thể kết nối với lớp học. Bà Yarova đã sống trong một ngôi trường - khu vực được chuyển thành hầm trú bom, kể từ khi rời khỏi nhà ở Kyiv vào ba tuần trước.

Khi các lớp học diễn ra, bà Yarova và các hiệu trưởng trường học đã dành thời gian để nấu hàng trăm bữa ăn cho những người đàn ông trong lực lượng phòng vệ của Ukraine. Trong khi đó, Yaniuk (16 tuổi) lo lắng về việc, em sẽ không thể tham gia các kỳ thi để đăng ký vào đại học.

Bà Yarova cũng cho biết, không rõ khi nào các bài kiểm tra tiêu chuẩn hoặc tốt nghiệp sẽ được tổ chức ở Kyiv. “Chúng tôi rất mệt mỏi vì điều này. Chúng tôi không hiểu khi nào tình trạng này sẽ kết thúc”, nhà giáo dục này bày tỏ.

Theo Today; People; Forber

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ