Uganda: Nạn sao chép giáo trình diễn ra tràn lan

GD&TĐ - Không ít tổ chức cho biết, họ bị sao chép chương trình học thuật. Trước bối cảnh này, một số trường tuyên bố sẽ loại bỏ chương trình học chứng chỉ và      tập trung vào đào tạo bậc đại học.

Nhiều trường ĐH tuyên bố ngừng cung cấp khóa học chứng chỉ
Nhiều trường ĐH tuyên bố ngừng cung cấp khóa học chứng chỉ

Sao chép chương trình giảng dạy

Không ít trường CĐ tại Uganda cáo buộc các tổ chức GDĐH đang sao chép chương trình giảng dạy thuộc khóa học cấp chứng chỉ. “Các trường ĐH không còn ưu tiên GDĐH dưới hình thức bằng cấp cũng như các chương trình sau ĐH và nghiên cứu.

Chỉ có một số nơi vẫn còn như vậy. Nhiều trường đang giảng dạy các chương trình chứng chỉ. Đây là những chương trình mà chúng tôi đã và đang giảng dạy”, ông Silver Mukwasiibwe, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Uganda Bushenyi tại miền Tây nước này khẳng định.

Cũng theo vị hiệu trưởng này, theo luật, SV cần đạt được ít nhất hai lần thang điểm A để có thể theo học tại một trường ĐH. Tuy nhiên, các tổ chức GD này bắt đầu cung cấp các khóa học nền tảng cho SV - những người có thể không đạt được yêu cầu tối thiểu - trước khi cho phép họ theo học.

“Vì họ có cái tên là “trường ĐH”, sẽ rất khó để chúng tôi có thể cạnh tranh. Bởi một số lý do, SV tại quốc gia này luôn bị thu hút bởi các tổ chức GDĐH”, ông Mukwasiibwe chia sẻ.

Ông Benard Akol Otemor, Chuyên gia giảng dạy về kinh doanh, GD và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề (BTVET), cho biết mâu thuẫn giữa các trường CĐ và ĐH là minh chứng của những tiêu chuẩn thấp. “Chúng tôi đang hợp lý hóa BTVET tại đất nước này. Chương trình học chứng chỉ nên được cung cấp bởi các tổ chức kỹ thuật, để trường ĐH có thể tập trung vào những khóa học cao hơn”, ông Otemor nói.

Chuyên gia này cũng cho hay, vấn đề đang trở nên nghiêm trọng hơn khi nhiều người làm việc trong môi trường GDĐH chỉ để “kiếm tiền”, thay vì thúc đẩy phát triển ngành. “Trọng tâm chính của họ không phải là chất lượng hay tạo ra sự khác biệt. Đó là lý do tại sao họ đang sao chép các khóa học, các chương trình giảng dạy cơ bản và cạnh tranh với các trường CĐ cũng như kỹ thuật”, ông Otemor khẳng định.

Một báo cáo vào năm 2016 do Hội đồng GDĐH học Quốc gia Uganda (NCHE) thực hiện đã chỉ ra rằng, nhiều trường ĐH vẫn hoạt động khi không đạt được tiêu chuẩn tối thiểu và không được công nhận chương trình học thuật. Thậm chí, nhiều trường ĐH đã giới hạn số lượng tuyển sinh và không tuyển dụng nhiều nhân viên học thuật.

Ngừng cấp khóa học chứng chỉ

Trước tình trạng này, không ít SV đã kêu gọi NCHE ngăn chặn các trường ĐH cung cấp chương trình cấp chứng chỉ. Vấn đề này không hề xa lạ khi vào năm 2017, một báo cáo cho rằng, Hội đồng Y tá và Nữ hộ sinh Uganda đã từ chối cho phép hơn 1.000 SV tốt nghiệp ngành điều dưỡng, chủ yếu từ các trường ĐH tư thục vì những người học này có bài luận “không đầy đủ”.

Hội đồng cho rằng, những SV này đã được nhận vào ngành Khoa học Điều dưỡng tại các tổ chức GDĐH mà không đạt được điểm A tại hai bài kiểm tra.

Tại Kenya, Ủy ban GDĐH Quốc gia đã ban hành một chỉ thị, kêu gọi tất cả trường ĐH ngừng cung cấp các khóa học cấp chứng chỉ vào tháng 7/2017. Mới đây, ông Fagil Mandy, một nhà GD kỳ cựu Uganda, cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự.

“Đất nước chúng ta có nhiều trường ĐH không có cơ sở hạ tầng và SV. Các tổ chức GD như vậy nên được đóng cửa. Chúng ta cần đưa ra những tiêu chuẩn được đáp ứng bởi tất cả những nhà điều hành trường ĐH hoặc thậm chí là người có ý định bắt đầu xây dựng trường”, ông Mandy nhấn mạnh.

Ông Mandy khẳng định, NCHE đã cấp phép cho “quá nhiều trường ĐH”. “Họ nên tập trung vào các tổ chức hiện có và thực thi tiêu chuẩn để duy trì chất lượng”, ông nói thêm. Uganda hiện có 52 trường ĐH bao gồm cả công lập và tư thục, 8 tổ chức cấp chứng chỉ, cũng như hơn 200 viện ĐH.

Trả lời truyền thông, ông Saul Waigolo, người phát ngôn của NCHE cho biết, hội đồng không thể ngăn chặn việc cấp phép cho các trường ĐH mới, chưa nói tới việc yêu cầu họ ngừng giảng dạy các khóa học văn bằng hoặc chứng chỉ.

“Chúng tôi không có luật để ngăn chặn các trường ĐH dạy những gì họ muốn. Một số tổ chức phàn nàn rằng, các trường ĐH đang sao chép chương trình của họ, nhưng các cơ sở GDĐH được quyết định những gì họ muốn dạy. Vai trò của chúng tôi là xác minh xem họ có khả năng dạy những gì họ cho biết sẽ dạy hay không”, ông Waigolo nói.

Ông Aggrey Kibenge, người phụ trách tại Bộ GD và Thể thao, cho biết các trường ĐH đã “đáp ứng một số nhu cầu nhất định trong xã hội” và vẫn có sự liên quan cho dù họ cung cấp các chương trình chứng chỉ.

“Bạn không thể có được tất cả các trường ĐH hoạt động ở cấp độ nghiên cứu. Vấn đề duy nhất là nếu họ sao chép chương trình, Hội đồng GDĐH Quốc gia có quyền không công nhận các chương trình này”, ông Kibenge cho hay.

Trước tình hình này, một số trường ĐH tại Uganda bắt đầu lên ý tưởng nhằm loại bỏ các chương trình học chứng chỉ và văn bằng. Tháng 7 vừa qua, Trường ĐH Kyambogo cho biết, đã có kế hoạch ngừng cung cấp các chương trình như vậy.

Giáo sư Fabian Nabugoomu, Phó Hiệu trưởng phụ trách tài chính và quản trị tại tổ chức cho biết, nhà trường quyết định loại bỏ một số khóa học chứng chỉ để tập trung vào chương trình ĐH và sau ĐH.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Makerere cũng lựa chọn hướng đi tương tự. Năm 2015, lãnh đạo trường tuyên bố ngừng công nhận các khóa học văn bằng mới và vẫn đang lên kế hoạch loại bỏ các chương trình chứng chỉ hiện có. Ông John Chrysostom Muyingo, Bộ trưởng Bộ GDĐH Uganda đã kêu gọi các tổ chức GD chú trọng về chất lượng.

“Điều quan trọng nhất chúng ta cần cải thiện là chất lượng. Sau đó, chúng ta có thể nghĩ tới việc việc chuyên môn hóa. Các trường ĐH không nhất thiết phải dạy tất cả các chương trình. Họ có thể tập trung vào những thứ liên quan hơn. Đó là điều chúng ta nên hướng tới”, ông Muyingo chia sẻ.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ