Sáng kiến mang tên PedaL
Hơn 140 học giả từ các trường ĐH tại châu Phi đã tham dự khóa đào tạo do ĐH Ghana tổ chức và được đồng triệu tập bởi Hiệp hội Đối tác nghiên cứu quản trị và xã hội châu Phi (PASGR) và các đối tác PedaL: Viện Nghiên cứu phát triển và ĐH Sussex tại Vương quốc Anh; Liên minh các trường ĐH nghiên cứu châu Phi (ARUA); ĐH Ibadan; ĐH Dar es Salaam; ĐH Martyrs Uganda và ĐH Egerton.
Các học giả đã bày tỏ mong muốn được cập nhật thường xuyên và đào tạo bồi dưỡng về kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giảng viên, nhằm bảo đảm việc dạy và học có thể đáp ứng được những thách thức mà quá trình toàn cầu hóa mang lại, cũng như giải quyết các nhu cầu địa phương.
PedaL là một sáng kiến của người châu Phi và là một trong 9 chương trình được hỗ trợ bởi quan hệ đối tác chiến lược cho Đổi mới và Cải cách GDĐH (SPHEIR) thuộc Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh.
Kể từ khi được ra mắt vào năm ngoái, số lượng học giả từ khắp các châu lục đã tìm đến PedaL với mong muốn được đào tạo và nâng cao kỹ năng giảng dạy.
Đến nay, PedaL đã đào tạo hơn 800 người được lựa chọn từ 40 trường ĐH trên khắp châu Phi. Nhiều chuyên gia nhận định, con số này cho thấy, Pedal sẽ sớm đạt được mục tiêu đào tạo 1.000 học giả trong vòng 3 năm.
Phương pháp sư phạm tại PedaL bao gồm các cách tiếp cận khác nhau, nhằm thay đổi trải nghiệm học tập và đạt được kết quả tốt hơn trong các chương trình khoa học - xã hội sau ĐH.
Các kỹ năng đạt được có: Học tập mở rộng về công nghệ, liên kết xây dựng các khóa học, cũng như các phương pháp sư phạm lấy SV làm trung tâm.
Nhận xét về tầm quan trọng của khóa đào tạo này, TS Beatrice Muganda - Giám đốc của PASGR về GDĐH kiêm trưởng nhóm PedaL, cho biết: “Việc chú trọng vào các kỹ năng của thế kỷ 21 có nghĩa là, khả năng giảng dạy được công nhận tại PedaL sẽ có đóng góp lớn tới sự phát triển của ngành và trở nên quan trọng hơn cả các sứ mệnh ĐH khác”.
Phát biểu với truyền thông, GS Tade Aina - Giám đốc Điều hành PASGR, đã mô tả PedaL là một giải pháp nhằm tạo nên không chỉ những giảng viên xuất sắc trong giảng dạy mà còn cả SV tài năng trong học tập, dựa trên các tiêu chuẩn toàn cầu.
Dung hòa truyền thống và đổi mới
GS Kwame Offei, Phó Hiệu trưởng chuyên ngành về các vấn đề học thuật và SV tại ĐH Ghana cho biết, các trường ĐH châu Phi cần đào tạo được thế hệ SV có thể đáp ứng cả nhu cầu của châu lục cũng như theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Offei cũng kêu gọi các trường ĐH châu Phi nắm bắt những đổi mới trong sư phạm; đồng thời khẳng định, PedaL đang trở nên phổ biến trên khắp châu lục này.
GS Kwesi Yankah, Bộ trưởng Nhà nước về GDĐH của Ghana, cho biết việc cải thiện chất lượng giảng dạy ở các trường ĐH châu Phi sẽ tạo ra các nhà nghiên cứu xuất sắc, nhằm thúc đẩy chương trình phát triển lục địa.
Cũng theo ông Yankah, các cơ sở GDĐH châu Phi nên đưa việc giảng dạy hiệu quả vào các tiêu chí để thúc đẩy các học giả.
Bộ trưởng Yankah cũng lưu ý rằng, các trường ĐH châu Phi hầu như chỉ tập trung vào nghiên cứu và giáo trình, thay vì cân nhắc tới những biện pháp giảng dạy hiệu quả. “Chúng ta cần phải thay đổi ngay lập tức”, ông nói thêm.
Chủ tịch sáng lập PASGR kiêm Tổng Thư ký ARUA, GS Ernest Aryeetey cũng kêu gọi các cơ sở GDĐH tăng cường đầu tư vào công nghệ hiện đại, giúp đáp ứng nhu cầu của SV.
“Các trường ĐH châu Phi nên nhận ra rằng, cách đào tạo SV trên toàn cầu đã thay đổi. Do đó, châu Phi cần bắt kịp với các nước trên thế giới”, GS Aryeetey nhận định.
GS Samuel Agyei-Mensah, Quản trị viên Khoa Nhân văn tại ĐH Ghana cho rằng, để có thể tạo ra một môi trường giảng dạy xuất sắc, các cơ sở GD cần có nhà lãnh đạo tài năng, cách phân bổ nguồn lực hiệu quả, cải thiện cơ sở vật chất và cung cấp công nghệ hiện đại.
Bên cạnh đó, GS Agyei-Mensah chia sẻ, ĐH Ghana đang triển khai các kế hoạch mở trung tâm giảng dạy và học tập, giúp tăng cường đổi mới trong cả dạy và học và đặc biệt là sẽ lấy SV làm trung tâm.
“Tôi hy vọng nhà trường sẽ từng bước hoàn thành được các mục tiêu đã được đề ra của ngành GDĐH”, ông nói.
GS Sulyman Abdulkareem, Phó Hiệu trưởng của ĐH Ilorin (Nigeria) cũng tán thành rằng, sự phát triển của các khoa là vô cùng quan trọng, bởi lẽ, SV có thể học tốt chỉ khi được giảng dạy một cách hiệu quả.
“Chỉ trình bày về những mẩu thông tin hoặc kiến thức thông qua các bài giảng không nên được coi là giảng dạy”, GS Abdulkareem khẳng định.
Trả lời truyền thông, GS Abdulkareem cho biết, điểm mạnh của phương pháp PedaL là được pha trộn giữa cách thức giảng dạy truyền thống ở châu Phi với sự đổi mới của toàn cầu.
Ông cũng cho rằng, các đánh giá của SV đối với giảng viên sẽ là một trong những công cụ để đo lường hiệu quả học tập; đồng thời khẳng định, những đánh giá như vậy không phải sử dụng để áp đặt kỷ luật các giảng viên, mà là giúp họ cải thiện chuyên môn cũng như kỹ năng nghề nghiệp của mình.