UAV Houthi tiến sát chiến hạm mạnh nhất của Đức

GD&TĐ - Theo War Zone, nhiều vấn đề với hộ vệ hạm Hessen của Đức đã bộc lộ sau vụ bắn nhầm nhưng không trúng chiếc UAV MQ-9 của Mỹ trên Biển Đỏ.

Chiến hạm Hessen hoạt động tại Biển Đỏ.
Chiến hạm Hessen hoạt động tại Biển Đỏ.

Đêm 26/2, chiến hạm Hessen đã phóng hai tên lửa đánh chặn SM-2 nhằm vào chiếc UAV khả nghi trên Biển Đỏ. Mục tiêu mà hai tên lửa nhắm tới sau đó được xác định là MQ-9 Reaper của Mỹ, cho thấy đây là sự cố bắn nhầm của tàu chiến Đức.

Sự cố còn cho thấy thực trạng đáng lo ngại với tàu Đức là cả hai tên lửa SM-2, mỗi quả có giá khoảng 2 triệu USD, đều không trúng mục tiêu và rơi xuống biển. Hải quân Đức đã lãng phí hơn 4 triệu USD trong sự cố nhầm lẫn và bị truyền thông nước này mô tả là "nỗi xấu hổ lớn".

Báo Mỹ nhấn mạnh sự việc xảy ra trong bối cảnh hải quân Đức gặp vấn đề với kho dự trữ tên lửa cho ba tàu hộ vệ phòng không lớp Sachsen, loại chiến hạm từng được tư lệnh hải quân Jan Kaack mô tả là "tiêu chuẩn vàng" về năng lực tác chiến.

Sau vụ bắn nhầm, tàu Hessen đã phải sử dụng pháo hạm 76 mm và tên lửa tầm ngắn RIM-116 để đánh chặn UAV của Houthi, cho thấy những UAV này đã đến khá gần chiến hạm Đức và gây ra mối đe dọa lớn.

Florian Hahn, quan chức về chính sách quốc phòng của đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) tại Hạ viện Đức, nói:

"Chúng tôi mới phát hiện ra rằng không thể mua thêm một số loại vũ khí trang bị trên tàu hộ vệ Hessen, do dây chuyền sản xuất đã đóng cửa. Khi kho dự trữ cạn kiệt, hải quân Đức sẽ mất khả năng nạp lại tên lửa và phải rút chiến hạm về cảng".

Vị quan chức này thừa nhận, dây chuyền chế tạo tên lửa SM-2 Block IIIA của Mỹ đã ngừng hoạt động. Đơn hàng cuối cùng được đặt từ năm 2021, trước khi nhà sản xuất Raytheon tập trung cho dây chuyền SM-2 Block IIIC.

Ông Florian Hahn nói đồng thời cáo buộc giới chức Đức che giấu tình trạng thiếu hụt tên lửa của lớp Sachsen trong suốt thời gian qua: "Hải quân quyết định triển khai tàu Hessen mà không tính đến thực trạng tên lửa của chiến hạm này".

Hộ vệ hạm Hessen là một trong ba chiếc thuộc lớp tàu phòng không tối tân Sachsen do Đức phát triển, được ứng dụng nhiều công nghệ tàng hình để ẩn mình trước radar đối phương.

Tàu được trang bị hệ thống radar cảnh giới SMART-L và điều khiển hỏa lực APAR, cho phép phát hiện và đánh chặn nhiều loại mục tiêu, bao gồm cả máy bay tàng hình và tên lửa hành trình.

Mang định danh là tàu hộ vệ tên lửa, lớp Sachsen sở hữu hỏa lực đánh chặn không thua kém các tàu khu trục của Mỹ. Trang bị chính của Sachsen là 24 tên lửa tầm xa SM-2 Block IIIA của Mỹ, mỗi quả có giá khoảng 2 triệu USD và tầm bắn khoảng 160 km.

Chuyên gia Alex Luck cho rằng, phương án duy nhất để bảo đảm nguồn cung tên lửa phòng không tầm xa cho tàu chiến Sachsen là chuyển sang sử dụng phiên bản SM-2 Block IIIC.

"Để làm được điều đó, cả ba chiến hạm phải về nhà máy để hiện đại hóa hệ thống quản lý chiến đấu, cũng như điều chỉnh kết cấu để có thể mang phóng loại tên lửa mới. Dòng SM-2 Block IIIC đang trong giai đoạn chế tạo sơ bộ với sản lượng thấp, khiến Đức không thể nhanh chóng xây dựng kho tên lửa dự trữ cho lớp Sachsen", vị chuyên gia này nói.

Thực tế đáng lo ngại hơn với hải quân Đức khi Hessen không phải chiếc duy nhất của lớp Sachsen gặp vấn đề với tên lửa đánh chặn SM-2 do Mỹ sản xuất.

Hồi tháng 12/2023, tàu hộ vệ Sachsen được lắp bệ phóng thẳng đứng Mark 41 mới, thay cho cụm Mark 41 hư hỏng sau vụ tên lửa SM-2 phát nổ ngay trên bệ phóng khi diễn tập ngoài khơi Na Uy hồi năm 2019.

Quá trình thay thế bệ phóng liên tục bị trì hoãn, khiến Sachsen phải làm nhiệm vụ suốt 5 năm mà không có vũ khí đánh chặn như thiết kế.

Tất cả 3 tàu chiến lớp Sachsen chuẩn bị trải qua đợt nâng cấp giữa vòng đời với những thiết bị tối tân, trong đó có lắp đặt radar TRS-4D/LR ROT và nâng cấp hệ thống quản lý chiến đấu.

Gói nâng cấp này cho phép chiến hạm Đức phát hiện và bám bắt tên lửa đạn đạo, nhưng vẫn không có khả năng trực tiếp đánh chặn mục tiêu do hạn chế của SM-2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ