Nội dung này được nhấn mạnh tại Thông tư số 30/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT “Quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến đối với giáo dục đại học” (Thông tư 30).
Các trường bắt nhịp
Thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục đại học chủ động trong đào tạo trực tuyến. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TPHCM) thành lập Cổng đào tạo trực tuyến nhằm cung cấp tài liệu học tập cho sinh viên, bao gồm lịch học, lịch thi, bài giảng, sách giáo trình, tài liệu tham khảo, bài tập và nhiều nguồn kiến thức khác. Sinh viên có thể truy cập tài liệu này mọi lúc, mọi nơi thông qua Internet. Ngoài ra, Cổng đào tạo trực tuyến cung cấp đầy đủ tài liệu hướng dẫn sử dụng E-learning đến sinh viên và giảng viên, để phục vụ quá trình học và thi.
Mới đây, ĐH Quốc gia Hà Nội công bố thành lập Trung tâm Đào tạo trực tuyến trực thuộc Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục. Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho hay, các chương trình và khóa học trực tuyến chất lượng cao sẽ được cung cấp tới không chỉ người học trong ĐH Quốc gia Hà Nội, mà cả cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng khác trên cả nước. Qua đó lan tỏa được giá trị học thuật xuất sắc và các kết quả nghiên cứu khoa học giá trị tới cộng đồng, xã hội.
Việc đưa đào tạo trực tuyến trở thành một thành tố quan trọng của hệ sinh thái đào tạo tại ĐH Quốc gia Hà Nội, đồng thời thể hiện sự tham gia có trách nhiệm về giáo dục, nhất là vấn đề chuyển đổi số và hội nhập quốc tế trong GD-ĐT.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm đào tạo từ xa, những năm qua, Trường ĐH Mở Hà Nội triển khai thành công phương thức đào tạo trực tuyến và trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều đơn vị học tập, chia sẻ kinh nghiệm, TS Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng khẳng định, đào tạo trực tuyến là nhu cầu tất yếu, tự thân đối với cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nói chung và trường có đào tạo từ xa nói riêng.
Đào tạo trực tuyến đáp ứng nhu cầu “cá nhân hóa”. Ảnh: INT |
Ngày càng phổ biến
Ứng dụng công nghệ thông tin đem lại hiệu quả, thành công tích cực cho công tác đào tạo nói chung và cơ sở giáo dục đại học nói riêng. Theo TS Dương Thăng Long, triển khai đào tạo trực tuyến nên chia thành 2 cấp độ, gồm: Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học và quản lý, có thể là khảo thí, đánh giá.
Ở mức cao hơn là có một hệ thống đào tạo trực tuyến đầy đủ, mà ở đó gồm cả chính sách, hành lang pháp lý để phát triển. Cấp độ tiếp theo liên quan đến yếu tố con người, bao gồm người dạy và người học, nhà quản lý. Vấn đề là, tổ chức như thế nào, giải quyết bài toán ra sao để tạo nên hệ thống đào tạo trực tuyến tổng thể.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội trao đổi, đối với đào tạo trực tuyến, cần thay đổi phương pháp học tập, xây dựng nội dung thiết kế kịch bản, tổ chức dạy học và khả năng tương tác đa chiều. Ngoài ra, phương pháp đánh giá kết quả học tập và liên thông giữa kết quả học tập và quản lý cũng phải thay đổi. Một hệ thống đào tạo trực tuyến cần có các yếu tố như: Hệ thống văn bản quy định; đội ngũ nhân lực; người học; chương trình, tài liệu bồi dưỡng; hạ tầng công nghệ; hệ thống giáo trình, học liệu; chương trình đào tạo.
Đào tạo trực tuyến là xu thế tất yếu trong giáo dục đại học hiện đại, TS Phạm Như nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhìn nhận. Hình thức đào tạo này đáp ứng nhu cầu người học theo hướng cá thể hóa. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, đào tạo trực tuyến không phải phiên bản online của buổi học trực tiếp. Đó là kết quả quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, phương pháp giảng dạy, cách thức đánh giá và ứng dụng công nghệ phù hợp.
Đào tạo trực tuyến giúp người học có thể học ở bất kỳ thời điểm nào, nơi nào và trên nhiều phương tiện, thiết bị khác nhau. Vì thế, nếu được triển khai đúng cách, đào tạo trực tuyến giúp người học có lộ trình học tập phù hợp với quỹ thời gian và các điều kiện cá nhân. Đây chính là cơ sở cho việc thực hiện cách tiếp cận cá thể hóa trong giáo dục.
Nhận thấy, mô hình dạy học, đào tạo trực tuyến ngày càng phổ biến, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, ranh giới giữa mô hình đào tạo truyền thống với đào tạo trực tuyến có sự dịch chuyển. Trên cơ sở đó, cơ sở giáo dục đại học cần ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, công nghệ thông tin vào giáo dục, đào tạo. Qua đó, nhằm nâng cao hiệu quả học tập của người học. Với mô hình đào tạo trực tuyến, chúng ta có thể đào tạo theo hướng “cá nhân hóa”. Theo đó, người học có thể lựa chọn những tài liệu tốt nhất cho mình.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, cần có nguyên tắc, yêu cầu chung về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến; trong đó chú trọng phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục trong đào tạo trực tuyến.
Đào tạo trực tuyến phải bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của chương trình đã được ban hành; quy trình, nội dung, chất lượng đào tạo trực tuyến phải liên tục được cải thiện và luôn cập nhật công nghệ tiên tiến, phù hợp nhất. Đồng thời, bảo đảm công bằng trong tiếp cận, tham gia các hoạt động đào tạo trực tuyến, lấy lợi ích của người học làm trung tâm.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ tán thành với Thông tư 30 khi yêu cầu cơ sở đào tạo có thể tự đầu tư hoặc thuê dịch vụ công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật để tổ chức triển khai đào tạo trực tuyến. Cùng đó, phải tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thông tin, thông tin cá nhân, an ninh mạng và sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật. Mặt khác, phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tối thiểu theo quy định của Thông tư này.
Theo TS Trương Tiến Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội, việc cơ sở giáo dục đại học chịu trách nhiệm về chất lượng và thực hiện các giải pháp bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến là cần thiết. Quy định này phát huy quyền tự chủ, tính chủ động của các trường khi triển khai đào tạo trực tuyến.