Quang Hải, Văn Hậu, Thành Chung, Đức Chinh, Tiến Dũng,... sẽ tiếp tục phải trải sức cho giải trẻ sau khi "cày" giải lớn. Nhiều ý kiến cho rằng bóng đá Việt Nam nên tập trung tối đa nhân lực cho vòng loại World Cup, thay vì bắt Quang Hải, Văn Hậu dù đã là trụ cột ĐTQG và khẳng định tên tuổi ở các giải lớn vẫn phải về chinh chiến... "ao làng".
Từ giờ đến hết năm 2019, bộ đôi của Hà Nội FC sẽ phải chơi tối thiểu 10 trận nữa cùng Hà Nội FC (số trận tăng lên nếu đội bóng Thủ đô đi sâu hơn ở AFC Cup và cúp Quốc gia). Con số với ĐTQG là 5 trận. Tại SEA Games, U22 Việt Nam sẽ đá 7 trận nếu vào chung kết, chưa kể còn giao hữu, tập huấn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ với ĐTQG vào giữa tháng 11, bộ đôi này cùng thầy Park sẽ lên đường sang Philippines để chuẩn bị SEA Games.
U18 Việt Nam gây thất vọng. |
Số trận "gối nhau" liên tục kéo dài đến năm 2020 với vòng chung kết U23 châu Á - giải đấu U23 Việt Nam đang là đương kim Á quân và cũng muốn đi sâu để có vé dự Olympic. Kết thúc vòng chung kết, các tuyển thủ sẽ trở lại đá... V-League, vòng loại World Cup, tiếp tục guồng quay mới và không có thời gian ngơi nghỉ.
Sau vòng chung kết U23 châu Á 2018, các tuyển thủ đang phải quen dần với mật độ trên dưới 50 trận/mùa, trước đây vốn chỉ dành cho các cầu thủ chuyên nghiệp tại châu Âu dù chế độ dinh dưỡng, tập luyện, phục hồi tại Việt Nam kém rất nhiều so với các CLB ở lục địa già.
Mật độ thi đấu dày đặc khiến Quang Hải có thời điểm "chán bóng đá". Nhiều tuyển thủ U23 tại Thường Châu 2018 như Đình Trọng, Văn Đức, Tiến Dũng, Đức Chinh vật lộn cùng chấn thương do quá tải, không được chăm sóc y tế đủ tốt ở CLB. Tại Hà Nội FC, Quang Hải, Văn Hậu đá liên tục ở cả ba đấu trường và đội bóng này không có HLV thể lực. Phải phân sức ở nhiều mặt trận, rất khó để các ngôi sao giữ sự tập trung và phong độ cho một đấu trường cụ thể.
Khó hơn nữa cho Quang Hải, Văn Hậu ở chỗ: nếu các tuyển thủ châu Âu được luân phiên nghỉ ngơi và có thể bỏ qua một vài sân chơi, các tuyển thủ Việt Nam không có nhiều lựa chọn. Quang Hải, Văn Hậu đã ở đẳng cấp rất cao so với SEA Games, nhưng vẫn phải đá SEA Games. HLV Park Hang Seo cầm quân dự Asian Cup, nhưng vẫn phải cố "chia sức" cho giải "ao làng" vì huy chương vàng SEA Games là danh hiệu bóng đá Việt Nam chưa bao giờ chạm tới.
Nòng cốt dự SEA Games 2019 của Việt Nam là lứa cầu thủ dự U20 World Cup và giúp U20 Việt Nam có điểm số lịch sử như Tiến Sinh, Hoàng Đức, Đức Chinh, Quang Hải, Tiến Dũng, Tiến Dụng,... Cũng giống SEA Games 2017, U22 Việt Nam sẽ dự giải với tâm thế "bây giờ hoặc không bao giờ".
Sự chín muồi của lứa cầu thủ trẻ sau quãng thời gian tích luỹ lâu dài cộng với tài năng của thầy Park biến bóng đá Việt Nam trở thành ứng viên nặng ký nhất cho chức vô địch. Song, đó vẫn chưa phải lý do lớn nhất khiến U22 Việt Nam bất chấp "sống chết" cho SEA Games.
U22 Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho SEA Games |
Thất bại đau đớn của U18 Việt Nam ở giải Đông Nam Á gióng lên hồi chuông báo động. Sau lứa Quang Hải, thế hệ 2000, 2001 dường như không còn tên tuổi nào triển vọng, hoặc nói như chuyên gia Nguyễn Thành Vinh thì "cầu thủ tốt có, nhưng không đủ để lập thành một đội mạnh".
3 năm liên tiếp, U18 Việt Nam đều bị loại ở vòng bảng Đông Nam Á, điều dường như chưa từng xảy ra trước đây. Khoảng trống của lứa cầu thủ kế cận Quang Hải, Công Phượng khiến những người làm bóng đá lo lắng.
Nếu không dồn hết vật lực, công sức và bỏ lỡ SEA Games 2019, liệu bóng đá Việt Nam có cơ hội vô địch SEA Games 2021 với lứa U18 hôm nay dù có lợi thế sân nhà đi nữa? Khi xác định đây là lứa cầu thủ "trăm năm có một", Quang Hải, Văn Hậu sẽ bị... "tận dụng" đến cùng.
Nói đâu xa, Văn Hậu từng "phải" đá cho U18 Việt Nam ở giải Đông Nam Á 2017 dẫu đã lên ĐTQG từ trước. Kết quả là, Văn Hậu lạc lõng giữa các đồng đội, chơi mờ nhạt trong trận thua U18 Myanmar 1-2 ở lượt cuối và bị loại ở vòng bảng. Độ chênh giữa các tuyển thủ QG và phần còn lại của U22 Việt Nam đá SEA Games vẫn là dấu hỏi lớn.
"Những năm trước, bóng đá Việt Nam ít điểm sáng, nhiều điểm tối. Lứa U19 Việt Nam với bộ khung trưởng thành từ học viện HAGL JMG của bầu Đức lại trở thành cứu cánh hay làn gió mát lành, song giờ là lúc phải nhìn ngược lại, tư duy từ đỉnh. Điều quan trọng là ĐTQG của chúng ta đi xa đến đâu.
Hồi trước, U19 Việt Nam là điểm sáng, ấn tượng trong năm của bóng đá Việt Nam khi chúng ta đang tăm tối, còn giờ phải nhìn từ ĐTQG. Lứa trẻ tốt thì tốt, còn không thì coi giải đấu này là cữ dợt để các cầu thủ trưởng thành", BLV Quang Huy nhận định.
Nhìn chung, giành ưu tiên cho ĐTQG vẫn là nước đi đúng đắn. Mọi áp lực dồn lên cầu thủ trẻ và các giải trẻ đều là "mông muội". Nhưng, bóng đá Việt Nam có lẽ vẫn muốn dùng giải trẻ để thúc đẩy nền bóng đá, dẫu tư duy này, đặt trong bối cảnh hôm nay, không còn cho thấy sự phù hợp.
Khi các lò đào tạo còn đang chững lại và chưa có thêm những sản phẩm mới, số lò đào tạo chất lượng ở V-League đếm trên đầu ngón tay, cầu thủ trẻ hầu hết dự bị, không được tạo điều kiện thi đấu, huy chương vàng SEA Games vẫn còn là nỗi ám ảnh, buộc các tuyển thủ QG sinh năm 1997 trở lại đóng vai trò "cứu tinh" một tay che trời.