Sai lầm của các bậc cha mẹ khi dạy con về tiền bạc
Trước khi trở thành CEO của công ty Berkshire Hathaway, nhà đầu tư huyền thoại đã bắt đầu kinh doanh nhỏ lẻ từ năm sáu tuổi. Khi đó ông đã mua một lốc 6 lon Coca với giá 25 xu và bán lại với giá 1 nickel (1 nickel = 5 xu) mỗi lon. Ông cũng bán tạp chí và kẹo cao su trực tiếp từ cửa hàng sản xuất.
Trong một bài phỏng vấn, ông từng chia sẻ: “Cha là nguồn cảm hứng lớn nhất của tôi. Từ nhỏ ông đã dạy tôi tiết kiệm là một trong những bài học quan trọng nhất”.
Khi được hỏi ông nghĩ gì là sai lầm lớn nhất mà cha mẹ mắc phải khi dạy con về tiền bạc, tỷ phú Warren Buffett nói: “Đôi khi, các bậc phụ huynh cứ chờ cho đến khi con của họ bước vào tuổi vị thành niên mới bắt đầu nói đến chuyện quản lý tiền nong với chúng - vốn dĩ họ có thể bắt đầu nói đến chuyện đó khi con họ còn đang học ở trường mẫu giáo”.
Thời gian là vàng. Theo quan điểm của Buffett, các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng 80% sự phát triển não bộ của chúng ta xảy ra khi 3 tuổi.
Một nghiên cứu từ Đại học Cambridge cho thấy trẻ em đã có thể nắm bắt các khái niệm tiền cơ bản trong độ tuổi từ 3 đến 4. Và đến 7 tuổi, các khái niệm cơ bản liên quan đến các hành vi tài chính trong tương lai thường sẽ phát triển.
Ông Buffett thừa nhận: “Hầu hết các bậc cha mẹ đều biết tầm quan trọng của việc dạy con cái về tiền bạc và cách quản lý nó đúng cách. Nhưng có một sự khác biệt giữa biết và hành động”.
Theo khảo sát năm 2018 của T. Rowe Price đã thu thập phản hồi từ 1.014 phụ huynh (có con trong độ tuổi từ 8 đến 14) và hơn 1.000 thanh niên (từ 18 đến 24 tuổi), chỉ 4% phụ huynh cho biết họ bắt đầu thảo luận chủ đề tài chính với con khi con 5 tuổi.
30% cha mẹ bắt đầu giáo dục con cái về tiền từ 15 tuổi trở lên, trong khi 14% cho biết họ không bao giờ đề cập với con về chuyện đó.
Bài học về tài chính Warrent Buffett đã dạy những đứa trẻ của chính mình
Cách trở thành một người suy nghĩ linh hoạt
Mục tiêu của bài học này là khuyến khích con bạn không từ bỏ chỉ vì một cái gì đó không hoạt động ngay lần đầu tiên. Khả năng suy nghĩ sáng tạo sẽ có ích khi chúng gặp phải những thách thức tài chính trong tương lai.
Ý tưởng hoạt động:
Hãy đưa con đi đến một bảo tàng nghệ thuật và thảo luận về các phong cách khác nhau của mỗi bức tranh. Sau đó, khuyến khích con vẽ một cái gì đó theo ý mình. Yêu cầu con động não sử dụng các công cụ khác nhau bên cạnh cọ vẽ như tăm bông, ngón tay,...
Hãy biến những thứ bỏ đi thành kho báu bằng cách thách thức con bạn đưa ra những cách sử dụng mới cho những thứ cũ quanh nhà (ví dụ một hộp ngũ cốc rỗng có thể được biến thành một hộp đựng tạp chí).
Điều này sẽ giúp dạy con suy nghĩ chín chắn về tiết kiệm tiền cũng như việc bảo vệ môi trường.
Cách bắt đầu tiết kiệm tiền
Ben Franklin đã từng nói: “Kiếm được một xu phải tiết kiệm một xu”. Để giúp con bạn học cách quản lý tiền của mình, điều quan trọng là chúng phải hiểu được sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu .
Ý tưởng hoạt động:
Đưa cho mỗi đứa trẻ của bạn hai hũ tiền: Một để tiết kiệm và một để chi tiêu. Mỗi lần con nhận được tiền (ví dụ như một món quà, khoản trợ cấp) hãy nói chuyện với con về cách con muốn chia tiền mà con nhận được thành tiền tiết kiệm và tiền chi tiêu như thế nào.
Cha mẹ hãy giúp trẻ lập danh sách gồm 5 đến 10 thứ chúng muốn mua. Sau đó, cùng chúng xem qua từng món đồ và đánh dấu thử xem món đồ đó là thứ chúng muốn hay thứ chúng cần (ví dụ, món đồ chơi mới là thứ chúng muốn, trong khi đó chiếc cặp mới là thứ chúng cần).
Cách phân biệt giữa giá cả và giá trị
Tất cả chúng ta đều cảm thấy có lỗi khi trả nhiều tiền hơn cho một đôi giày hàng hiệu hoặc thiết bị tuyệt vời khi chúng ta có thể có được một mặt hàng tương tự cũng tốt với giá thấp hơn.
Ý tưởng đằng sau bài học này là giúp trẻ em hiểu những cách khác nhau mà các nhà quảng cáo khiến chúng ta mua dịch vụ hoặc sản phẩm của họ, cũng như làm thế nào để biết cái gì và cái gì không đáng để trả tiền.
Ý tưởng hoạt động:
Lập danh sách những món đồ bạn cần mua ở siêu thị, sau đó kiểm tra các tờ rơi, báo và trang web cùng con bạn để tìm những món đồ có trong danh sách xem chúng có đang được giảm giá không. So sánh các mức giá với nhau và xem thử cửa hàng nào bán giá tốt nhất cho một sản phẩm cụ thể nào đó.
Cùng con bạn lấy một quyển tạp chí và chọn một mẩu quảng cáo để đánh giá. Hãy hỏi con bạn: Vật phẩm nào đang được bán? Mẩu quảng cáo đang muốn truyền tải thông điệp gì? Điều gì ở mẩu quảng cáo đã thu hút sự chú ý của chúng? Mẩu quảng cáo đó khiến chúng cảm thấy như thế nào? Mẩu quảng cáo đó đã cố gắng thuyết phục chúng mua sản phẩm như thế nào?
Cách đưa ra quyết định đúng đắn
Chìa khóa để đưa ra quyết định thông minh là suy nghĩ về cách các lựa chọn khác nhau có thể ảnh hưởng đến kết quả trong tương lai.
Ý tưởng hoạt động:
Ông Buffet đề nghị hãy mô hình hóa các kỹ năng đưa ra quyết định hay và hãy nói với con bạn về những quyết định mà bạn đã đưa ra cũng như bất cứ hiệu ứng domino nào có thể xảy ra theo sau quyết định đó.
Ví dụ: “Chúng ta muốn mua một chiếc tivi mới, nhưng bộ đầu thu của chúng ta đã bị hư rồi và chúng ta cần tiết kiệm tiền để sửa nó. Nếu chúng ta không làm vậy, bộ đầu thu sẽ trở nên rất nóng vào mùa hè. Một khi bộ đầu thu được sửa, chúng ta có thể nghĩ đến việc mua tivi sau”.
Hãy rèn cho con bạn có thói quen đưa ra những quyết định tốt về cách tiết kiệm tiền. Có khi chúng muốn mua một chiếc DVD nào đó. Hãy hỏi chúng liệu chúng có thực sự cần chiếc DVD đó không hoặc hỏi thử xem chúng có thể thuê chiếc DVD đó từ tiệm được không.
“Không bao giờ là quá sớm”. Thấm nhuần thói quen tài chính lành mạnh ở trẻ là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để giúp con có một tương lai thành công.