Thời gian để… mua sắm
Việc chuẩn bị đón thêm một em bé chắc chắn sẽ rất bận rộn và cha mẹ nên tận dụng chính điều này để nhờ con giúp đỡ.
Hãy để con giúp bạn lựa đồ cho em bé, ví dụ như chọn quần áo hay tông màu trang trí phòng… Điều này sẽ giúp con dần hình thành cảm giác trách nhiệm và cảm thấy mình đã “lớn”.
Cảm nhận về em bé
Ở những tháng cuối thai kỳ, mẹ có thể để tay con lên bụng và hai mẹ con cùng cảm nhận sự chuyển động của em bé.
Đôi khi, mẹ có thể hỏi con: “Con đoán em bé đang làm gì?” rồi chờ đợi một câu trả lời thú vị đến từ con. Ngoài ra, cha mẹ có thể cùng đưa con đi gặp bác sĩ sản khoa và tạo cơ hội cho con theo dõi em bé cũng như lắng nghe nhịp tim của em bé.
Giải thích cho con hiểu
Hãy thẳng thắn nói về những điều sẽ thay đổi khi em bé chào đời để con hiểu rằng em bé sẽ cần nhiều yêu thương và sự chú ý từ tất cả mọi người.
Tuy nhiên, tình yêu của cha mẹ thì luôn luôn lớn dần lên và sẽ không bị phân chia giữa con lớn, con bé. Giống như con ban đầu yêu bố, sau đó con lại yêu mẹ nhưng con vẫn luôn yêu cả hai bố mẹ.
Chào hỏi ngọt ngào
Sau giây phút vượt cạn mỏi mệt, mẹ đã nghỉ ngơi lại sức và có thể đưa con vào thăm tại bệnh viện. Khi ấy, hãy dành cho con một cái ôm thật chặt, để cho con hiểu con vẫn rất quan trọng với mẹ và rồi mẹ sẽ ân cần giới thiệu cho con biết rằng con đã có một người em nhỏ.
Ngoài ra, trong vài tuần đầu tiên, việc chăm lo cho nhóc tì mới chào đời có thể sẽ rất bận rộn nên cha mẹ có thể gửi con tới nhà ông bà hoặc cô dì để con không cảm thấy bị cô đơn.
Hãy để cho con có cơ hội tham gia vào cuộc sống của em bé. Ví dụ khi bạn thay bỉm cho em bé, hãy nhờ con mang túi bỉm sạch tới cho bạn hoặc khi bạn tắm cho em bé, hãy nhờ con mang quần áo sạch… Có như vậy, con mới cảm thấy mình là một phần quan trọng và đang đỡ đần phần nào cho cha mẹ.
Một món quà nhỏ
Trẻ nhỏ thường thích được nhận quà. Và khi em bé chào đời, cha mẹ đã được nhận rất nhiều lời chúc mừng và quà cáp từ bạn bè, người thân. Vì vậy, đừng ngần ngại chuẩn bị thêm một món quà nhỏ cho con, để con không cảm thấy bị bỏ rơi.
Góc nhìn tích cực
Hãy chú ý tới những gì bạn nói về nhóc tì mới chào đời. Ví dụ con muốn bạn đưa đến công viên chơi, thay vì than thở rằng: “Mẹ mệt quá vì em bé quấy khóc suốt cả đêm qua”, hãy nói với con rằng: “Mình có thể ở nhà chơi đoán ô chữ được không con, vì mẹ quá buồn ngủ để đến công viên vào lúc này”.
Cha mẹ nên chú ý, nếu dành những từ ngữ mang tính kể lể, đổ tội cho em bé thì con cũng sẽ dần nảy sinh tâm lý thù địch với em bé.