Tỷ lệ vi phạm về xây dựng đã giảm

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, các vi phạm về xây dựng rất khó khắc phục hậu quả. Theo báo cáo mới, tỷ lệ vi phạm về xây dựng đã giảm.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, các vi phạm về xây dựng là rất khó khắc phục hậu quả.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, các vi phạm về xây dựng là rất khó khắc phục hậu quả.

Hạn chế vi phạm trật tự xây dựng

Liên quan đến xây dựng sai phép, không phép, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, các vi phạm về xây dựng là rất khó khắc phục hậu quả. Do đó, phát hiện, khắc phục phòng ngừa là giải pháp ưu tiên. Theo Bộ trưởng, pháp luật về quản lý trật tự xây dựng tương đối chặt chẽ và đồng bộ theo hướng tăng nặng xử phạt, buộc phá dỡ các công trình vi phạm. Theo báo cáo mới đây, tỷ lệ vi phạm về xây dựng đã giảm hằng năm.

Về vấn đề vi phạm trật tự xây dựng, Bộ trưởng cho biết, các quy định về xử lý vi phạm hành chính tương đối đầy đủ, chế tài đã rõ. Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn đôn đốc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý theo đúng quy định. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh bổ sung văn bản, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nghiêm các quy định.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, trong thời gian tới, Bộ sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung quy định kịp thời, để quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế vi phạm trật tự xây dựng.

Nhiều dự án nhà tái định cư bỏ hoang

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, việc phát triển nhà ở tái định cư trong thời gian qua khi Nhà nước thu hồi đất còn nhiều bất cập. Nơi có nơi không mà không thì nhiều hơn. Có nơi xây dựng chưa tính đến nhu cầu của người dân nên không có người ở để hoang hóa, gây thất thoát, lãng phí. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp xử lý tình trạng trên.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Bên cạnh đó, nhiều năm qua vai trò của doanh nghiệp, người dân trong phát triển nhà ở cho công nhân rất quan trọng. Tuy nhiên, cũng còn nhiều bất cập, diện tích nhà không đạt, không đảm bảo cho an toàn phòng cháy, chữa cháy. Vậy, Bộ trưởng có giải pháp như nào để khắc phục những hạn chế trên? Đồng thời, có cơ chế, chính sách khuyến khích để cho doanh nghiệp và người dân đầu tư, góp phần chia sẻ gánh nặng cho ngân sách nhà nước, xây dựng nhà ở cho công nhân?

Trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa về nhà ở tái định cư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận nhiều dự án nhà tái định cư bỏ hoang. Theo Bộ trưởng, các dự án nhà tái định cư này chủ yếu hình thành trước khi có Luật Nhà ở. Nguyên nhân do người dân không có nhu cầu ở. Công tác tái định cư người dân có chỗ ở nhưng giải quyết công ăn việc làm chưa được quan tâm. Nhà tái định cư xuống cấp vị trí dự án không thuận lợi về giao thông, cơ sở hạ tầng…

Về giải pháp sắp tới, Bộ trưởng cho biết tiếp tục hoàn thiện nhà ở về đất đai đồng bộ. Giải quyết nơi ở mới, cũng như giải quyết đồng bộ các hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm kết nối. Đồng thời, rà soát công tác quy hoạch, nguồn vốn thực hiện dự án tái định cư hướng nâng chất lượng, bảo đảm đời sống người dân.

Trong khi đó, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho biết, theo báo cáo của Bộ Xây dựng gửi các đại biểu, còn một số quy hoạch thiếu tầm nhìn. Một số nội dung thiếu khả thi, chưa tính toán đầy đủ và thiếu nguồn lực thực hiện, chưa đồng bộ, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác như là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng. Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của tình trạng trên là gì, trách nhiệm thuộc về các cơ quan, tổ chức nào và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang).

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang).

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng nhà ở, quy hoạch phát triển đô thị còn có nội dung chưa thống nhất và chưa đồng bộ.

Cùng với đó, các công cụ quản lý cũng chưa kiểm soát hết hiệu quả một số vấn đề về đầu tư xây dựng về đất đai, nhà ở. Trình độ, năng lực của cán bộ tham gia quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị cũng như năng lực của cán bộ các cơ quan tư vấn lập quy hoạch cũng còn hạn chế.

Việc áp dụng công nghệ thông tin trong quy hoạch đô thị cũng còn hạn chế. Sự phối hợp về lập và thẩm định quy hoạch tại địa phương cũng còn hạn chế và chưa thống nhất. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tập trung hoàn thiện quy trình lập quy hoạch, hoàn thiện quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch cũng như quy định về về thành phần, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quy hoạch. Đồng thời, bổ sung các quy định, yêu cầu đảm bảo kiểm soát tốt sự tuân thủ các cấp độ quy hoạch cũng như đồng bộ quy hoạch giữa các cấp độ. Bổ sung nội dung ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong các loại quy hoạch. Quy định chi tiết hơn về nội dung, quy hoạch và mức độ thể hiện trong các đồ án quy hoạch.

Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, bổ sung, hoàn thiện lý luận về phương pháp luận trong công tác lập quy hoạch. Tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra công tác quy hoạch tại các địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.