Đề xuất mở rộng đối tượng chất vấn trong dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - ĐBQH đề xuất mở rộng chủ thể được chất vấn là các cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương nơi trực tiếp thực hiện việc thực hiện Nghị quyết.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn).
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn).

Bổ sung quy định về thành phần mời tham dự

Chiều ngày 2/11, thảo luận dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) cho biết, dự thảo mới chỉ quy định thành phần được mời tham dự trong trường hợp kỳ họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp. Dự thảo chưa quy định thành phần mời tham dự trong trường hợp kỳ họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thành phần mời tham dự trong trường hợp kỳ họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Đồng thời, giao Trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh quyết định thành phần mời tham dự để phù hợp nội dung phiên họp.

Về những tài liệu lưu hành tại kỳ họp, Điều 7 của dự thảo quy định, những tài liệu thuộc về bí mật nhà nước sẽ lưu hành văn bản giấy. Tán thành phương thức lưu hành này, đại biểu cho biết, có những văn bản chỉ có vài chi tiết là bí mật nhà nước, nhưng lại đóng dấu mật toàn bộ tài liệu. Điều đó, gây khó khăn cho các đại biểu trong nghiên cứu, khai thác, sử dụng.

Đại biểu kiến nghị bổ sung một khoản giao Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì phối hợp với các cơ quan rà soát. Trong trường hợp văn bản chỉ có một vài thông tin mật, đề nghị tách riêng các thông tin này để lưu hành theo chế độ mật. Không đóng dấu toàn bộ văn bản, tạo điều kiện cho đại biểu trong quá trình nghiên cứu, khai thác, sử dụng.

Mở rộng chủ thể được chất vấn

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho rằng, nhằm nâng cao hiệu quả của phiên chất vấn, cần mở rộng chủ thể được chất vấn là các cơ quan, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương nơi trực tiếp thực hiện hoặc chịu tác động trực tiếp việc thực hiện Nghị quyết.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương).

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương).

Về lựa chọn nội dung chất vấn để tránh trùng lặp, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị, nội quy kỳ họp cần quy định một số nguyên tắc lựa chọn vấn đề chất vấn. Trong đó bao gồm: số lượng vấn đề chất vấn phải phù hợp với thời lượng dành cho một chức danh được chất vấn, các vấn đề lựa chọn chất vấn có mối liên quan hệ trực tiếp với nhau, những vấn đề bức xúc nhất hiện tại hoặc tồn đọng lâu dài không được giải quyết, những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng đề nghị Quốc hội sớm thiết kế cơ sở dữ liệu trực tuyến, định hướng rõ các vấn đề trọng tâm, quy trình, cách thức cho ý kiến và bố trí thời gian hợp lý để đại biểu nghiên cứu cho ý kiến. Đồng thời thống kê, đánh giá kết quả, tỷ lệ đại biểu Quốc hội cho ý kiến đối với từng vấn đề.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhấn mạnh, nếu kỳ họp là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội, thì thảo luận là trung tâm trong hoạt động của Kỳ họp. Cho rằng hoạt động thảo luận của Quốc hội hiện nay còn phần nhiều là tham luận, đại biểu nhận định, đổi mới căn bản nhất là đổi mới phương thức thảo luận của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau).

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau).

Đại biểu đề nghị cần định nghĩa rõ hai hình thức thảo luận. Đó là thảo luận ở tổ, ở đoàn, để làm rõ. Đây là bước để sàng lọc vấn đề, để khi thảo luận tại Hội trường, Quốc hội chỉ tập trung vào các vấn đề quan trọng, có ý kiến khác nhau. Đại biểu cho rằng, làm được điều này sẽ giúp tăng tính minh bạch, rạch ròi cho những vấn đề đã thống nhất khi thảo luận ở đoàn, ở tổ. Khi thảo luận tại Hội trường sẽ hướng đến phân tích những vấn đề lớn, phức tạp hơn.

Đại biểu cũng cho rằng, việc đổi mới phương thức thảo luận sẽ nâng cao năng lực tranh luận, tranh biện của đại biểu Quốc hội. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đại biểu đề nghị cần thay đổi phương thức thảo luận tại tổ, chuyển đổi mạnh mẽ từ tham luận sang tương tác, biện luận trực tiếp. Cụ thể, cần có thay đổi trong thủ tục tiến hành thảo luận tại tổ, thủ tục thảo luận tại các phiên họp toàn thể, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tọa phiên họp. Đồng thời, đảm bảo phiên họp diễn ra với hiệu quả cao, đạt được kết quả thực chất.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, với những phiên họp có quá nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, cần rút ngắn thời lượng phát biểu của các đại biểu ngay từ đầu phiên họp. Qua đó, tránh tình huống rút ngắn thời gian của các đại biểu phát biểu sau, không đảm bảo tính bình đẳng trong tổ chức phiên họp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.