Tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2023 của Vĩnh Phúc là 63%

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Quyết định số 278 về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch đào tạo năm 2023.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, quy mô học sinh đầu năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo chỉ tiêu kế hoạch là 329.086 em, tăng 11.767 em so với kế hoạch năm học trước. Trong đó học sinh Mẫu giáo là 57.645; Nhà trẻ là 9.658; học sinh Tiểu học là 127.156; học sinh THCS là 96.692; học sinh THPT là 37.955.

Tổng số học sinh tuyển mới vào đầu cấp hệ công lập là 70.050 em, tăng 10.915 học sinh so với năm học trước, bao gồm: 25.450 học sinh lớp 1 (tăng 1.765 em); 30.855 học sinh lớp 6 (tăng 7.949 em); 13.745 học sinh lớp 10 (tăng 1.210 em).

Tổng số lớp hệ công lập cũng tăng từ 6.933 lớp lên 7.106 lớp (tăng 173 lớp).

Quyết định của UBND tỉnh cũng giao chỉ tiêu đào tạo chi tiết, cụ thể tại các trường: Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc, Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc, Cao đẳng Vĩnh Phúc và Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh.

Căn cứ vào các chỉ tiêu định hướng trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu cho UBND các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở để tuyển sinh các lớp đầu cấp theo đúng quy định.

Sở LĐTB&XH và Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo các trường, trung tâm thực hiện tuyển sinh, đào tạo và liên kết đào tạo đúng quy định hiện hành, hoàn thành các chỉ tiêu được giao; phối hợp cùng các sở, ngành liên quan chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện; chủ động triển khai việc thanh tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch…

Hiện, tỉnh Vĩnh Phúc có 508 trường học và cơ sở giáo dục các cấp. Trong đó, Mầm non có 177 trường (163 trường công lập, 14 trường tư thục) và 217 cơ sở mầm non tư thục. Tiểu học có 145 trường. THCS có 132 trường (trong đó có 1 trường Dân tộc nội trú) và 16 trường liên cấp Tiểu học - THCS. Có 31 trường THPT (29 trường công lập và 2 trường tư thục). Khối GDTX có 1 trung tâm GDTX tỉnh và 7 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ