Báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho thấy, 67 triệu trẻ em trên toàn cầu, trong đó có gần 250.000 trẻ em Việt Nam bị bỏ lỡ một hoặc nhiều liều vắc-xin trong hơn 3 năm dịch Covid-19.
Nguyên nhân là do các dịch vụ tiêm chủng bị gián đoạn vì hệ thống y tế quá tải, nguồn lực khan hiếm và bị phân tán. Tình trạng xung đột và dễ bị tổn thương, sự sụt giảm niềm tin của người dân vào tiêm chủng cũng là nguyên nhân góp phần vào tình trạng này.
Cụ thể, tỷ lệ trẻ em không được tiêm chủng ở thành thị cao hơn khoảng 1,5 lần so với trẻ em sống ở nông thôn (6,3% - 4,2%). Trong khi đó, tỷ lệ này ở nhóm các hộ gia đình nghèo nhất cao gần gấp đôi so với nhóm những hộ giàu nhất (13,5% - 6,6%).
Bà Lesley Miller - Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam - cho biết, khi đại dịch bùng phát, hoạt động tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn ở hầu hết các quốc gia, kể cả Việt Nam.
Lý do là nhu cầu tăng cao đối với hệ thống y tế, điều chuyển nguồn lực tiêm chủng thường xuyên sang tiêm chủng chiến dịch vắc-xin Covid-19, sự thiếu hụt nhân viên y tế và thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà.
Một nguyên nhân nữa là sự chậm trễ trong công tác mua sắm cung ứng vắc-xin hiện nay. UNICEF bày tỏ sự quan ngại về khả năng bùng phát các dịch bệnh đáng ra có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng, đặc biệt là sởi.
Trẻ em được sinh ra ngay trước hoặc trong thời gian xảy ra đại dịch đang bước qua độ tuổi thông thường đã được tiêm chủng. Điều này cho thấy sự cần thiết phải hành động một cách nhanh chóng, cấp thiết. Từ đó, kịp thời chủng ngừa cho những trẻ em chưa được tiêm phòng đầy đủ. Đồng thời, ngăn chặn sự bùng phát của các dịch bệnh có thể gây chết người.
Báo cáo của UNICEF cho thấy, phụ nữ là lực lượng tiến hành tiêm chủng ở tuyến đầu. Song, họ thường nhận được mức lương thấp, công việc không chính thức, thiếu đào tạo chuyên môn bài bản, ít cơ hội phát triển nghề nghiệp. Đồng thời, họ cũng phải đối mặt với các mối đe dọa về an toàn.
Nhằm giải quyết vấn đề về khủng hoảng liên quan đến sự sống còn của trẻ em, UNICEF kêu gọi các chính phủ tăng cường cam kết về gia tăng nguồn lực tài chính cho công tác tiêm chủng.
Đồng thời, hợp tác với các bên liên quan để khai thác nguồn lực sẵn có, khẩn trương thực hiện và đẩy nhanh nỗ lực tiêm chủng. Từ đó, bảo vệ trẻ em và ngăn ngừa các dịch bệnh bùng phát.
Báo cáo kêu gọi các chính phủ nhanh chóng xác định và tiếp cận tất cả các trẻ em, đặc biệt là những trẻ không được tiêm chủng trong đại dịch Covid-19.
Theo bà Lesley Miller, kinh nghiệm của Việt Nam trong việc triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng toàn dân lớn nhất chống lại Covid-19 đã tạo một nền tảng tốt.
Từ đó, để Việt Nam có thể giải quyết nhanh chóng tình trạng chậm cung ứng vắc-xin hiện nay. Đồng thời, nhanh chóng tiêm bổ sung cho những em chưa được chủng ngừa.
“Tiêm chủng thường xuyên và hệ thống y tế vững mạnh là những cách thức tốt nhất để ngăn chặn mất mát và tử vong không nên có, cũng như phòng ngừa đại dịch trong tương lai”, bà Lesley Miller nhấn mạnh.