Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, sáng mai (22/1), bộ phận không khí lạnh rất mạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi phía Bắc và đông bắc Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và các tỉnh ven biển Trung Bộ.
Tuyết rơi tại Sa Pa vào tháng 1/2013. Ảnh: Hoàng Anh. |
Ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 23-27/1 nhiều khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại diện rộng, vùng núi có khả năng cao xảy ra băng giá và mưa tuyết. Hà Nội sẽ có mưa từ thứ Sáu (22/1) tới thứ Tư tuần sau (27/1), nhiệt độ 6-9 độ C trong các ngày 25-27/1.
"Nhiều khả năng tuyết sẽ rơi trong 3 ngày 23-25/1, nhất là ngày 24/1", ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định.
Các điểm tuyết rơi (nếu có) là Sa Pa, Ô Quý Hồ (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Đồng Văn (Hà Giang). Ngoài ra, không loại trừ cả những vùng núi cao trên 1.500 m giống như Kỳ Sơn, Nghệ An năm 2015.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh này, thời tiết khu vực Nam Bộ cũng bị ảnh hưởng. Khối không khí lạnh khuếch tán khiến ngày 23 và 24/1, Nam Bộ sẽ có mưa vào chiều tối và đêm.
Đêm Chủ nhật (24/1) và sáng thứ Hai đầu tuần sau (25/1), nhiệt độ tại TP HCM dự kiến sẽ giảm mạnh, xuống ở mức thấp nhất, 18-20 độ C, kèm theo sương mù. Tại Long Khánh (Đồng Nai) có thể xuống còn 17 độ C. Nhưng phần lớn miền Tây chỉ ở mức 19-22 độ C.
Dù vậy, tới ngày 26/1 ảnh hưởng của đợt không khí lạnh sẽ chấm dứt, Nam Bộ sẽ nhanh chóng tăng nhiệt.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dòng xiết gió Tây trên cao nên từ đêm nay (21/1), ở Bắc Bộ có mưa, mưa nhỏ. Các tỉnh ven biển Trung Bộ có mưa rào và dông, gió chuyển hướng Đông Bắc cấp 3-4.
Từ chiều mai, vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6-8, giật cấp 9-10, biển động rất mạnh. Từ ngày 23/1, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ, toàn bộ khu vực biển Đông (bao gồm cả 2 vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-10; biển động rất mạnh, sóng biển cao 3-5 m.