Tuyệt chiêu tránh lộ bí mật vì thông báo trên màn hình smartphone

Dù khóa điện thoại bằng mật khẩu, nhiều người lại sơ suất để hiển thị nội dung tin nhắn SMS, Messenger, Viber... trên màn hình.

Tuyệt chiêu tránh lộ bí mật vì thông báo trên màn hình smartphone

Anh Bình (Hà Đông, Hà Nội) vừa phải "giải trình" với vợ sau khi bị phát hiện tham gia một nhóm Facebook bàn tán về các cô gái nóng bỏng ở phòng gym. "Anh em lập nhóm chat chủ yếu để rủ nhau đi tập, có nói thêm mấy chuyện vui bên lề chứ không có gì nghiêm trọng", anh phân trần. "Nhưng đúng là để phụ nữ đọc được thì chẳng hay".

Anh Bình cho biết vợ chồng luôn tin tưởng nên không có chuyện kiểm tra hay xem điện thoại của nhau. Tuy nhiên, hôm đó anh để máy trên bàn rồi đi tắm, vợ vô tình nhìn thấy các đoạn chat ngay trên màn hình khóa. "Tôi có cài mật khẩu smartphone nhưng chỉ chặn vào các ứng dụng bên trong, trong khi đó nhiều thông báo riêng tư như tin nhắn, Facebook lại hiện ngay ra màn hình", anh nói.

Không riêng anh Bình, nhiều người cũng rơi vào tình huống điện thoại được bảo vệ bằng mật khẩu, vân tay..., nhưng các thông tin nhạy cảm vẫn hiển thị hết ra ngoài. Chị Thanh Hương, nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy (Hà Nội) mấy ngày qua cảm nhận rõ sự khác thường trong cách đối xử của sếp. Nguyên nhân là sếp vô tình thấy được tin nhắn trên điện thoại của chị về việc lên kế hoạch sang công ty khác trong hai tháng tới.

Thông thường, người dùng đặt mật khẩu, vân tay, khuôn mặt cho smartphone nhằm tránh người khác truy cập vào các dữ liệu riêng tư. Điều này sẽ giúp bảo vệ được danh bạ, ảnh, các ứng dụng được cài đặt... Tuy nhiên, thông báo tin nhắn lại để hiển thị cả nội dung ngay trên màn hình khóa khiến người khác có thể vô tình đọc được.

"Tôi gặp khá nhiều người vô tình để thông báo trên màn hình khóa", Phạm Tuấn Việt, một người làm trong lĩnh vực công nghệ, chia sẻ. "Khi bạn ngồi cafe, đi ăn... hay có thói quen để điện thoại trên bàn. Khi có tin nhắn, cập nhật từ mạng xã hội... màn hình sẽ sáng lên và dù người khác không cố tình xem, nhưng có thể vô tình đọc được".

Thực tế, người dùng có thể chỉnh trong phần cài đặt để ẩn các nội dung trên màn hình khóa. Lúc này máy bạn có tin nhắn đến hay có trò chuyện Facebook thì thiết bị chỉ thông báo chung mà không hiển thị nội dung cụ thể là gì. Thiết lập này có thể áp dụng trên cả thiết bị Android hay iOS.

Điện thoại khi tắt hiển thị thông tin nhạy cảm trên thông báo.

Với iPhone, người dùng vào Settings > Notifications và tìm đến mục Show Previews để áp dụng cho mọi phần mềm hoặc chọn riêng ứng dụng mà bạn muốn quản lý. Tại đây, bấm Never để tắt xem trước nội dung hoặc When Unlocked để xem trước thông báo chỉ khi thiết bị được mở khóa.

Trên các thiết bị Android, vào Settings > App & Notifications > Notifications. Tại phần On the lock screen, người dùng chọn Hide sensitive notification content để ẩn các nội dung thông báo riêng tư. Cách này sẽ áp dụng với mọi chương trình cài đặt trên thiết bị.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.