Dù công tác tuyển sinh 2 năm trở lại đây của hệ thống giáo dục nghề nghiệp có nhiều khởi sắc nhưng theo dự báo của nhiều chuyên gia, các trường nghề vẫn sẽ đối diện nhiều thách thức.
Dịch bệnh tác động lớn đến tâm lý người học
Số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tính đến 31/12/2021, cả nước tuyển sinh được 1.915.548 người, đạt 85,14% kế hoạch, trong đó trình độ CĐ, TCCN là 375.108 người, đạt 65,81%. Chỉ một số ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt như máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, du lịch... Con số trên đã phần nào nói lên bức tranh đầy khó khăn của các trường nghề trong việc cạnh tranh và tìm kiếm nguồn tuyển.
Nhìn thẳng vào thực tế, ông Trần Thành Đức - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt - cho rằng, năm 2020 và 2021 các trường nghề khó khăn trong tuyển sinh là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khá lớn. Tuy nhiên, nhìn vào gốc rễ vấn đề là do các trường TCCN không có chi phí dành cho công tác truyền thông tuyển sinh.
“Trong khi các trường đại học bắt đầu làm công tác tuyển sinh từ đầu năm học trên hàng loạt phương tiện truyền thông, hoặc đến trực tiếp từng trường THPT để tuyển sinh thì các trường nghề chỉ có thể dùng những biện pháp ít tốn kém như đăng trên website trường, phát tờ rơi, gửi email quảng cáo... Đó là chưa kể đến hàng loạt khó khăn khác như lương giáo viên thấp khó tạo động lực để đầu tư bài giảng, thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị dạy học, trong khi đây là khâu cực kỳ quan trọng trong công tác dạy nghề...”, ông Đức nói.
Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH - nhìn nhận trong 2 năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh như ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các công cụ truyền thông và mạng xã hội vào công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh; thực hiện tuyển sinh, tư vấn theo các hình thức trực tuyến. Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều học sinh đã chọn hướng đi khác thay vì chờ đợi.
“Đặc thù của giáo dục nghề nghiệp là học phần thực hành chiếm phần lớn thời gian đào tạo. Năm 2021 dịch Covid-19 kéo dài suốt nhiều tháng đã khiến kế hoạch học tập của nhiều học sinh thay đổi, ảnh hưởng ít nhiều đến công tác tuyển sinh của các trường”, ông Hùng đánh giá.
Không giấu khỏi lo lắng, ông Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM - cho biết năm 2022, ngay sau Tết, trường ông đã bắt đầu đẩy mạnh công tác tuyển sinh bằng nhiều giải pháp kết hợp. Tuy vậy, tín hiệu nhận về vẫn chưa thấy có gì triển vọng khi tỉ lệ học sinh quan tâm vẫn khá nhỏ giọt.
“Dịch đã tác động quá nhiều đến tâm lý của học sinh. Năm 2021, tổng số hồ sơ học sinh đăng ký và con số thực tế nhập học chênh nhau quá lớn. Vì vậy, năm nay ngoài đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, chính sách học bổng, việc làm, trường còn đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh xuống từng trường. Tuy nhiên, dù đã bước vào giai đoạn cao điểm của mùa tuyển sinh 2022 nhưng số lượng hồ sơ và học sinh quan tâm vẫn chưa đạt con số như kỳ vọng, khó khăn và thách thức trước mắt là rất nhiều”, ông Sáng cho biết.
Thách thức không nhỏ từ những nguyên nhân cũ
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH, mục tiêu được đề ra trong năm 2022 là sẽ tuyển sinh tăng 10% so với số thực hiện năm 2021. Qua đó, cả nước sẽ có 2.249.500 người tốt nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, trình độ CĐ, TC là 501.500 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 1.748.000 người.
Con số trên nếu xét trên quy mô dân số trong độ tuổi lao động của nước ta không có gì là quá lớn. Nhưng theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, tổng chỉ tiêu hơn nửa triệu học sinh, sinh viên theo đuổi con đường học nghề (CĐ, TCCN) là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh các trường ĐH ngày một “mở rộng cửa” xét tuyển.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM - nhìn nhận thách thức của các trường nghề và hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh đến từ rất nhiều nguyên nhân. Nhưng trong đó trọng tâm là ở 3 nguyên nhân chính: Tâm lý không thích trường nghề của học sinh, các chính sách phân luồng chưa phát huy tác dụng và cuối cùng là các trường đại học đang “mở cửa” quá mức khi số lượng chỉ tiêu tuyển sinh tăng dần đều qua từng năm.
“Thực tế, vài năm qua có những trường CĐ, TCCN tuyển sinh rất tốt và luôn đủ chỉ tiêu, nhưng con số trường tuyển không đạt vẫn chiếm số đông. Vì vậy, để đạt được con số mà kế hoạch đưa ra, các trường nghề phải thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp, vừa phải nâng cao chất lượng đào tạo vừa phải đẩy mạnh truyền thông tuyển sinh. Phải thực hiện biện pháp tuyển sinh đa dạng, đồng bộ từ việc tuyển sinh trực tiếp gắn với tuyển sinh trực tuyến thông qua các website, Facebook, đặc biệt cần làm tốt công tác phân luồng, các trường phải cương quyết có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, thì mới có khả năng thoát khỏi những thách thức trong mùa tuyển sinh 2022”, ông Tuấn nói.
Có chung góc nhìn, ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH - cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên của giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 là năm bản lề trong tăng tốc, đột phá về tuyển sinh và đào tạo của toàn ngành. Tuy vậy, việc phê duyệt kế hoạch thực hiện ở nhiều địa phương còn chậm. Đặc biệt, công tác phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề làm chưa tốt, mới đạt khoảng 15% so với mục tiêu 30% người tốt nghiệp.
“Tuyển sinh đại học với quy mô và số lượng lớn, các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp FDI) tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo với số lượng lớn với mức lương hấp dẫn. Tất cả những điều này đã tác động lớn tới công tác tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp”, ông Dũng chia sẻ.
Để giúp hệ thống giáo dục nghề nghiệp thực hiện tốt công tác tuyển sinh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn liền với thị trường lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề.
Cụ thể, các địa phương đẩy mạnh, quan tâm hướng nghiệp, phân luồng học sinh từ bậc THCS, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm, lấy chất lượng việc làm của người học sau khi tốt nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả. Đặc biệt, tổng kinh phí đầu tư công trung hạn phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 là 31.420,703 tỉ đồng tăng gấp 4 lần so với giai đoạn 2016 – 2020 chính thức khởi động để thúc đẩy, hỗ trợ nhiều hơn cho các trường.