Đối chiếu hồ sơ, gọi thí sinh vào phòng thi |
(GD&TĐ) - Sau khi Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 và lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội, lập tức nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Nhiều chuyên gia tuyển sinh, các nhà khoa học và quản lý giáo dục đã đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT sớm ban hành dự thảo để lấy ý kiến.
Đã có không ít băn khoăn cho rằng, việc tuyển sinh riêng của các trường để có ngưỡng an toàn cho người học và xã hội thì cần có một lộ trình hợp lý. Còn đến thời điểm này, Dự thảo được công bố, nhiều trường vẫn khẳng định sẽ tuyển sinh theo “3 chung”, ngay cả trường đại học nằm trong số 17 trường đề xuất tuyển sinh riêng thì cũng phân vân trong việc lựa chọn thi riêng hay vẫn theo “3 chung”.
Lối mở cho tuyển sinh riêng
Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 có 6 trường đại học ngoài công lập trình lên Bộ GD&ĐT phương án tuyển sinh riêng, sau khi lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội đều thấy chưa khả thi nên các phương án tuyển sinh của những trường này chưa được triển khai trong năm đó.
Mở đầu cho mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 này, đã có 17 trường ĐH đề xuất phương án tuyển sinh riêng. Đề xuất của 17 trường này cũng nằm trong lộ trình đổi mới tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và cũng theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục đại học giao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các nhà trường.
Như vậy, coi như 17 trường này và cả các trường khác đều có quyền tự chủ, xây dựng phương án tuyển sinh cho riêng mình trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 này. Để đảm bảo quá trình chuyển từ phương thức thi “3 chung” do Bộ GD&ĐT tổ chức sang phương án tuyển sinh riêng do từng trường đảm nhiệm diễn ra trong trật tự, an toàn, nghiêm túc, không gây xáo trộn lớn trong xã hội cũng như sự lo lắng của học sinh và phụ huynh. Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện đúng theo chức năng quản lý nhà nước của mình là thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh của các trường.
Để tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh riêng, nói như Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ GD&ĐT đã rất “mở” trong đợt tuyển sinh này, các trường có thể được chọn môn thi, không theo khối, theo ngành, tùy thuộc vào yêu cầu của trường.
Hình thức thi cũng đa dạng, phù hợp với ngành nghề cũng như mục tiêu mà các trường đang đào tạo. Một trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng cho một số ngành như Đại học Quốc gia Hà Nội, hoặc các trường có thể phối hợp với nhau tổ chức thi như khối trường Y tổ chức thành khối thi hay như khối trường nghệ thuật vừa qua tổ chức thi riêng.
Và lo lắng khi được tự chủ
Được quyền tự chủ, tuyển sinh riêng cũng đồng nghĩa với việc các trường phải đảm bảo công tác tuyển sinh của trường mình là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.
Cùng với đó là việc thực hiện chế độ thông tin kịp thời và báo cáo kết quả sau khi kết thúc kì thi tuyển sinh riêng theo quy định. Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Ngoài ra, phải công bố rộng rãi phương thức tuyển sinh của nhà trường để thí sinh, phụ huynh và xã hội giám sát.
Đề cập đến việc tuyển sinh riêng của các trường, không ít lần chuyên gia tuyển sinh hàng đầu của Bộ GD&ĐT là TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp - cho rằng: Cứ để các trường đề xuất tuyển sinh riêng đi, xã hội sẽ thẩm định và thanh lọc ngay, sẽ có trường phải đóng cửa vì không có người học.
Điều TS Nghệ nói cũng là suy nghĩ của nhiều chuyên gia tuyển sinh khi cho rằng, khó khăn trong tuyển sinh vài năm trở lại đây chủ yếu là rơi vào các trường mới thành lập, đặc biệt là các trường ngoài công lập. Thế nên, nếu những trường này tuyển sinh riêng, việc khó khăn trong tuyển sinh là điều rất dễ xảy ra, vì thực tế là tâm lý chung trong xã hội đang có sự so sánh giữa các trường đại học với nhau.
Tuy nhiên, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT lại muốn vẹn cả đôi đường. Muốn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ phải bảo đảm công bằng, chính xác và khách quan, quyền lợi của người học phải được bảo đảm; và cũng mong muốn tạo điều kiện để các trường mới thành lập, trường ngoài công lập có thêm nguồn tuyển, thêm người học.
Nhưng thực tế cho thấy, không phải cứ mong muốn là được. Mong muốn có một kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế thì cả xã hội phải vào cuộc. Còn để các trường tuyển sinh riêng, đặc biệt đối với những trường đại học mới thành lập, trường ngoài công lập thì đòi hỏi cần phải có lộ trình thích hợp.
Ở mỗi đợt thi ĐH, giám thị đều có những buổi nhắc nhở thí sinh về quy chế thi |
Chiếc áo “3 chung” vẫn vừa vặn
Đến thời điểm này, dù muốn hay không thì các nhà trường cũng phải thừa nhận “3 chung” đã trở nên quá an toàn và phù hợp đối với họ. Cũng cần phải nhắc lại rằng, để thực hiện “3 chung” Bộ GD&ĐT đã có không ít những lo lắng, từ khâu ra đề thi sao cho không có sai sót, phù hợp với năng lực thí sinh từng khu vực, vùng miền... cho đến tổ chức thi và chấm thi phải đảm bảo an toàn, chính xác.
Thực tế là xã hội, các nhà trường cũng đã thừa nhận, “3 chung” đã trở thành một lộ trình bài bản và hợp lý, với sự vào cuộc của cả xã hội, và từ khi được tổ chức theo hình thức này đến nay luôn được đánh giá là an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Thực tế cũng lý giải vì sao những đại học lớn khi được đề xuất thí điểm tuyển sinh riêng nhưng vẫn chưa dám quyết để rời “3 chung”, vì “3 chung” đang có tính ổn định rất lớn. Nếu tuyển sinh riêng, các trường sẽ phải tự ra đề, chấm thi cùng với kế hoạch tuyển sinh riêng sẽ khá phức tạp. Một chuyên gia tuyển sinh từng cho rằng:
Với những trường tốp trên, độ an toàn của “3 chung” giúp những trường này rảnh tay lo nhiều việc khác. Còn với các trường tốp giữa, tham dự “3 chung” không chỉ là việc thu hút những thí sinh khá, giỏi vào trường mình mà việc tổ chức thi cũng tạo dựng uy tín của mỗi trường với xã hội.
Còn các trường tốp dưới và trường ngoài công lập, nhiều trường cũng vẫn tổ chức thi vì có như vậy mới giúp họ chủ động trong nguồn tuyển và lớn hơn cả là mong muốn tạo vị thế xã hội cho trường mình. Thế nên, dù biết là tổ chức thi tốn kém, vất vả nhưng nhiều trường vẫn làm.
Trao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các nhà trường là việc cần làm và nên làm, Luật Giáo dục đại học quy định rõ điều đó. Nhưng được tự chủ tuyển sinh rồi, chưa biết sẽ có bao nhiêu trường thực hiện trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 này hay lại vẫn trở về với “3 chung”, để chờ đến một lộ trình thích hợp hơn sau năm 2015.
Còn nhớ trước khi Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thi hành, không ít ý kiến cho rằng chiếc áo “3 chung” nay quá chật. Nhưng sau khi Bộ đưa ra dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, theo đó các trường sẽ được tự chủ, đề xuất phương án tuyển sinh riêng thì lập tức nhiều phản hồi lại cho rằng “3 chung” là tốt, là an toàn, ngay cả có trường nằm trong số 17 trường đề xuất phương án tuyển sinh riêng nay cũng đã cân nhắc xem có tuyển sinh riêng trong năm 2014 này hay vẫn theo “3 chung”. |
Bạch Ngọc Dư