Thí sinh giỏi ngoại ngữ nhận nhiều ưu tiên xét tuyển Đại học
Mới đây, Bộ GD-ĐT báo cáo Thủ tướng về phương án thi, tuyển sinh năm 2021 và định hướng đến năm 2025 nhằm đảm bảo phù hợp với bối cảnh Việt Nam và xu hướng chung trên thế giới. Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã rục rịch công bố đề án tuyển sinh 2021 và có xu hướng tập trung tuyển chọn thí sinh giỏi ngoại ngữ. Trong đó, phổ biến nhất là ưu tiên xét tuyển những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, chứng chỉ SAT, A-Level. Thậm chí có trường nhận cả thí sinh có tổng điểm thi thập hơn nhưng giỏi ngoại ngữ.
Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Ngoài ra, trường vẫn xét tuyển theo phương thức tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT và xét tuyển các kết quả thi chuẩn hoá quốc tế SAT, ACT, A-Level, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS và tương đương. Tương tự, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ xét tuyển theo 3 phương thức trong đó có phương thức xét tuyển thẳng hồ sơ năng khiếu dành cho đối tượng là học sinh lớp chuyên với học lực giỏi, học sinh có chứng chỉ quốc tế về tiếng anh, chứng chỉ SAT, A-Level.
Năm 2020, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân áp dụng xét tuyển với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 6.5+, TOEFL ITP 550+, TOEFL iBT 90+ và có tổng điểm thi THPT năm 2020 của môn Toán và 01 môn bất kỳ (trừ môn tiếng anh) đạt từ 14 điểm trở lên (gồm điểm ưu tiên) sẽ được ưu tiên xét tuyển. Điều kiện xét tuyển Trường đại học Ngoại thương là sở hữu chứng chỉ quốc tế IELTS 6.5 trở lên kèm điều kiện riêng cho thí sinh học hệ chuyên và không chuyên.
Vì sao các trường “săn” thí sinh giỏi ngoại ngữ?
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT các năm qua cho thấy tỷ lệ thí sinh sử dụng các tổ hợp môn tiếng anh để xét tuyển chưa nhiều. Phổ điểm môn tiếng anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thấp so với mặt bằng chung. Nhưng vài năm gần đây các trường đại học vẫn có xu hướng tăng cường môn ngoại ngữ trong các tổ hợp xét tuyển. Các tổ hợp chứa môn ngoại ngữ dần thay thế các môn khác với mục tiêu tuyển được người học có kỹ năng ngoại ngữ tốt ngay từ đầu vào.
TS.Lê Văn Sơn, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, tại các hệ đào tạo chất lượng cao, việc sinh viên có thể đọc hiểu, nghiên cứu tài liệu, giáo trình phục vụ trên lớp là vô cùng quan trọng. Với các chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh nên sinh viên phải đạt trình độ tiếng Anh nhất định đủ để theo học, tiếng anh từ 5.0 hoặc 5.5 IELTS hoặc tương đương. Đó gần như là yêu cầu tiên quyết đối với sinh viên khi đăng ký hệ này.
Không chỉ điều kiện bắt buộc trong dự tuyển đầu vào, việc học tập trong các hệ này cũng yêu cầu thông thạo tiếng Anh. Sinh viên cần rất nhiều kỹ năng tiếng Anh chuyên sâu để trực tiếp nghiên cứu và phát triển chuyên môn. Việc điều chỉnh chính sách tuyển sinh đầu vào ưu tiên người giỏi ngoại ngữ nhằm tăng chất lượng đào tạo nói chung, năng lực ngoại ngữ nói riêng cho người học đại học trong bối cảnh mới. Nhằm đáp ứng được chuẩn đầu ra tiếng Anh của các trường.
Theo TS.Phạm Thị Tuyết Nhung, Trường Đại học Lao động và Xã hội, hiện nay chuẩn tiếng Anh đầu ra của một số trường đang ở mức 5.0 IELTS nhưng sắp tới có thể tiếp tục nâng lên. Những sinh viên giỏi ngoại ngữ ra trường có cơ hội việc làm cao hơn. Nhận thức tầm quan trọng của kỹ năng này trong tương lai nên nhiều trường đại học thực hiện ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.