Bộ GD&ĐT vẫn nên “cầm cái” khâu ra đề
Nhận xét về Kỳ thi THPT quốc gia 2019, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, kỳ thi năm nay rất thành công. Phổ điểm phản ánh thực chất của thí sinh. Năm nay, phổ điểm lệch sang phải là tín hiệu tốt hơn. Tỷ lệ học sinh đạt điểm 8 cao hơn năm ngoái. Nếu như năm ngoái điểm 5 - 6 rất nhiều thì năm nay dao động từ 7 - 8 điểm nhiều hơn. Đó là thành công của kỳ thi năm nay, nhất là về công tác ra đề.
“Tôi rất đồng tình với đánh giá của Bộ GD&ĐT, kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia không chỉ là cơ sở xét tốt nghiệp, xét tuyển ĐH mà còn là cơ sở đánh giá thực trạng GD ở các vùng miền” - GS Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, năm nay các trường có thêm điều kiện để tuyển được thí sinh tốt và rất yên tâm về kết quả thi THPT quốc gia. Thành công này không thể không nhắc đến vai trò của các trường ĐH tham gia vào công tác coi thi và chấm thi.
Khẳng định đến giờ phút này, Kỳ thi THPT quốc gia đã thành công, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ, sau nhiều năm, đây là kỳ thi hài lòng nhất với những gì đã diễn ra.
Liên quan đến việc xác định chỉ tiêu, ông Tú đề xuất: Đây là việc quan trọng vì thế Bộ GD&ĐT cần làm đầu mối để việc xác định chỉ tiêu mang tính hệ thống và có cơ sở khoa học. Cần xác định chỉ tiêu theo kế hoạch và theo thực tế ngành đào tạo.
Riêng về khoa học sức khỏe, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý: Nhu cầu còn nhiều nhưng vấn đề chất lượng cần được quan tâm. Một số trường tư thục có đào tạo về khoa học sức khỏe như đào tạo về y, dược, sẽ phải lưu ý vì tới đây sẽ kiểm tra; bởi nếu không hậu kiểm sẽ dẫn đến chất lượng không bảo đảm.
Với Kỳ thi THPT quốc gia, các trường ĐH đã giảm bớt rất nhiều về trách nhiệm vì đã được các địa phương san sẻ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm trong khâu phối hợp để được tốt hơn, trong đó, điều kiện và chế độ làm việc của các thầy, cô được cải thiện hơn.
Cũng theo đề xuất của Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, trong vài năm tới, dù kỳ thi có được cải tiến thế nào đi chăng nữa thì Bộ GD&ĐT vẫn nên “cầm cái” khâu ra đề. Bởi việc này, không có trường nào làm tốt hơn Bộ GD&ĐT.
Liên quan đến khâu tuyển sinh, GS Nguyễn Hữu Tú cho rằng, chúng ta đã tương đối hoàn chỉnh khâu xét tuyển có tính liên thông. Chưa bao giờ công tác tuyển sinh lại thuận lợi như hiện nay. Theo đó, các trường có thể chọn được những thí sinh tốt nhất và thí sinh cũng chọn được trường tốt nhất, phù hợp nhất với mình. Và đây chính là điểm nhấn quan trọng nhất mà chúng ta làm được trong Kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Ảnh minh họa |
Đào tạo GV: Cung - cầu phải bám sát nhau
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội II cho rằng, thành công của Kỳ thi THPT quốc gia được hợp thành bởi nhiều yếu tố, trong đó có công tác phối hợp giữa tất cả các cơ quan liên ngành, sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.
Nêu ý kiến về chỉ tiêu tuyển sinh, PGS Nguyễn Quang Huy trao đổi, đào tạo sư phạm cần theo nhu cầu thực tế. Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã nỗ lực cùng với các địa phương để thống kê số liệu GV. Bên cạnh những địa phương thừa thiếu GV cục bộ thì cũng có những tỉnh thiếu GV.
Qua tìm hiểu, có những địa phương Sở GD&ĐT không có quyền tuyển dụng GV mà việc này bên Sở Nội vụ chủ trì. Vấn đề đặt ra là, những trường thiếu GV môn này lại không có chỉ tiêu tuyển dụng trong khi ở bộ môn kia đang thừa GV thì lại được bổ sung. Vì thế, nếu chúng ta thống kê được số liệu GV thiếu của từng môn học thì sẽ cụ thể hơn.
Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị “Công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH” vừa được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây sẽ phải có mã số định danh từng GV.
“Khi thống kê số lượng thừa thiếu GV và theo chuẩn nghề nghiệp GV, chúng tôi sẽ chiết xuất và yêu cầu địa phương chủ động các phương án chuẩn bị GV. Các trường sư phạm phải chủ động đồng hành, phải bám sát với các địa phương trong việc đào tạo cung cấp nguồn nhân lực GV cho các địa phương” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói, đồng thời nhấn mạnh: Dự báo nhu cầu phải gắn với nguồn cung và năng lực.