Tin tưởng chất lượng nguồn tuyển

GD&TĐ - Hài lòng và yên tâm tin tưởng để tuyển sinh, đó là chia sẻ của rất nhiều đại biểu về kết quả thi THPT quốc gia khi tham dự Hội nghị “Công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH”.

Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet

Nhận định trên không hẳn chỉ là cảm tính mà có cơ sở dựa trên những số liệu đã được Bộ GD&ĐT tổng hợp. Nhắc lại câu chuyện về công tác coi thi, chấm thi; Bộ GD&ĐT đã tổng kết: Kỳ thi THPT quốc gia 2019 được tổ chức đúng quy chế, an toàn nghiêm túc. Thành công của kỳ thi có sự góp sức không nhỏ của các trường ĐH và các lực lượng xã hội khác.

Đáng chú ý, phân tích phổ điểm cho thấy, kết quả thi THPT quốc gia đã phản ánh trung thực chất lượng GD của các địa phương, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương, các vùng, miền. Qua đó thể hiện tính khách quan, trung thực của kỳ thi. Kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; đồng thời cung cấp dữ liệu làm cơ sở để tuyển sinh ĐH, CĐ và cung cấp thông tin bổ sung về chất lượng GD phổ thông. Vừa bảo đảm kiến thức, kỹ năng cơ bản của THPT, vừa có tính phân loại cao để tuyển sinh ĐH, CĐ.

Có thể nói, đến thời điểm này, kỳ thi đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Phần còn lại là công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, làm sao để xã hội yên tâm, tin tưởng về chất lượng tuyển sinh; từ khâu kỹ thuật, phương thức cho đến nguồn tuyển.

Bộ GD&ĐT luôn tôn trọng quyền tự chủ của các trường ĐH và luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất có thể để các trường tuyển sinh. Tuy nhiên, không vì thế mà các trường có thể “phớt lờ” Quy chế tuyển sinh và các văn bản hướng dẫn của Bộ để tuyển sinh bằng mọi giá và tuyển sinh theo kiểu “vơ bèo vạt tép”. Tự chủ tuyển sinh nhưng các trường vẫn phải bảo đảm chất lượng, có trách nhiệm với người học và xã hội.

Thực ra, điểm đến của các trường ĐH không phải là công tác tuyển sinh, cũng không phải là quá trình đào tạo, mà điểm đến của các trường ĐH là sản phẩm đầu ra phải đạt chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tức là sinh viên ra trường phải có việc làm và không phải đào tạo lại. Thiết nghĩ, công tác tuyển sinh chỉ là một mắt xích quan trọng để các trường đào tạo ra những sản phẩm có chất lượng như mong muốn.

Nói như Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh, công tác tuyển sinh chỉ là một chỉ số, quá trình đào tạo cũng là một chỉ số nhưng cái quan trọng nhất và có tính căn cơ bài bản là các điều kiện bảo đảm chất lượng của các trường ĐH. Thực tế cho thấy, những cơ sở nào chăm lo đến các điều kiện bảo đảm chất lượng thì chất lượng đào tạo của trường đó đều tốt.

Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đề án tuyển sinh và phương án xét tuyển, việc cần làm lúc này là, các trường cần bảo đảm chất lượng ngay từ khâu tuyển sinh đầu vào. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý: Chúng ta tiếp cận theo khung trình độ quốc gia; chuẩn chất lượng không chỉ chú trọng đầu vào mà cần chú trọng trong quá trình tổ chức đào tạo và chất lượng đầu ra. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.