Tuyển sinh ĐH, CĐ: Tạo sự cạnh tranh bình đẳng

GD&TĐ - Tại Hội nghị trực tuyến công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được tổ chức sáng 17/7, các đại biểu đến từ các trường ĐH bày tỏ hài lòng về Kỳ thi THPT quốc gia và tin tưởng vào công tác tuyển sinh ĐH trong thời gian tới.

Cần đẩy mạnh công tác truyền thông về GD-ĐT
Cần đẩy mạnh công tác truyền thông về GD-ĐT

Kỳ thi đáp ứng được ba mục tiêu

TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT ĐH FPT nhận định, đến thời điểm này, chúng ta yên tâm vì Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra suôn sẻ. Kết quả cũng đã công bố, phổ điểm cũng đã được phân tích. Ngày 18/7, các địa phương sẽ chốt lại danh sách thí sinh tốt nghiệp và trong tháng tới, các trường ĐH sẽ thực hiện công tác tuyển sinh.

Để đạt được thành tích như vậy, TS Lê Trường Tùng cho rằng, có sự tham gia rất tích cực của các địa phương và các trường ĐH; đặc biệt là sự lãnh đạo quyết liệt của Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành khác. Với các giải pháp kỹ thuật được thay đổi, bổ sung và với cách thức tổ chức thi, cách ra đề như hiện nay thì trong năm tới sẽ bảo đảm được tính ổn định. “Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tính tới những gì cần thay đổi để phù hợp với lộ trình của Chương trình GD phổ thông mới” – TS Lê Trường Tùng đặt vấn đề.

Theo TS Lê Trường Tùng, Kỳ thi THPT quốc gia đáp ứng ba mục tiêu. Một là để xét tốt nghiệp THPT. Hai là, hỗ trợ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Ba là cung cấp số liệu để đánh giá chất lượng GD của các địa phương, từ đó có những giải pháp để hỗ trợ. Cả ba mục tiêu này chúng ta đều thực hiện theo lộ trình.

Còn theo GS.TS Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý GD, đến thời điểm này, chúng ta tương đối hài lòng với Kỳ thi THPT quốc gia. Điều thành công nhất là, chúng ta có được lòng tin của xã hội. Xã hội tin tưởng vào sự nghiêm túc của một kỳ thi được diễn ra ở tất cả các địa phương. Các trường ĐH yên tâm, tin tưởng dựa vào kết quả của kỳ thi, để làm căn cứ tuyển sinh.

Từ thành công của kỳ thi năm nay, GS Phạm Quang Trung cho rằng, cần tiếp tục rút ra bài học kinh nghiệm cho năm sau, đó là: Thứ nhất, sự chỉ đạo rất quyết liệt xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Thứ hai, rất cần dựa vào công nghệ cao nhưng không nên quá chủ quan, bởi công nghệ gì cũng liên quan đến yếu tố con người. “Năm nay chúng ta đã tăng cường thanh tra, kiểm tra. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của kỳ thi” - GS Phạm Quang Trung nhấn mạnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Xử lý nghiêm các trường vi phạm quy chế tuyển sinh

Liên quan đến công tác tuyển sinh, PGS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, năm nay đã có chuyển biến rất tốt, công tác xét tuyển ổn định. Việc xét tuyển theo nhóm cũng là thể hiện quyền tự chủ của các trường, đồng thời có sự hợp tác liên kết với nhau để tạo sức mạnh ưu thế chung.

PGS Hoàng Minh Sơn đề xuất: Trong thời gian tới, nếu có các hình thức tổ chức tuyển sinh khác nhau thì các trường vẫn liên kết để lọc ảo và thí sinh vẫn có nhiều nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Việc tránh tỉ lệ ảo này sẽ rất tốt cho các trường và cũng tốt cho thí sinh. Nếu các trường tuyển sinh tốt thì thí sinh cũng được đáp ứng nguyện vọng của mình, còn các trường tuyển sinh không tốt thí sinh sẽ mất đi cơ hội để học theo đúng nguyện vọng.

Nêu lên thực tế hiện nay là khá nhiều trường xét tuyển theo học bạ với hình thức “tuyển thẳng” PGS Hoàng Minh Sơn phản ánh, nhiều trường yêu cầu thí sinh phải xác nhận trúng tuyển trước thời gian quy định về xét tuyển chung. Như vậy sẽ làm mất đi tính cạnh tranh, bình đẳng giữa các trường.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, các trường công bố điểm nhận hồ sơ/ “sàn” xét tuyển trước 22/7; tham mưu cho Bộ GD&ĐT xác định điểm sàn khối sư phạm, sức khỏe trước 21/7. Mọi phương thức tuyển sinh đều phải tuân thủ điểm sàn. Quy trình xét tuyển, lọc ảo sẽ được thực hiện từ 6/8 đến 8/8/2019. Khi đã công bố danh sách trúng tuyển (cùng thang điểm xét tuyển và tiêu chí phụ) thì trường không được điều chỉnh danh sách này. Các trường cần cập nhật danh sách thí sinh đã xác nhận nhập học của mọi phương thức xét tuyển, theo đúng cấu trúc dữ liệu và thời gian quy định. Kết quả tuyển sinh sẽ chốt vào ngày 31/12”. 

“Với thí sinh, nhiều em đang đứng giữa ngưỡng cửa lựa chọn xét “tuyển thẳng” hay chờ kết quả thi THPT quốc gia để chọn ngành, trường theo nguyện vọng. Nếu các trường yêu cầu các em phải nộp hồ sơ sớm và xác nhận quyền trúng tuyển sớm, nghĩa là làm mất quyền lựa chọn của các em. Đề nghị Bộ GD&ĐT có chỉ đạo các trường phải nghiêm túc thực hiện Quy chế tuyển sinh, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các trường” - PGS Hoàng Minh Sơn nói.

Lưu ý đề án tuyển sinh của một số trường còn chưa chính xác về giảng viên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) nhắc lại Công văn số 2460/BGDĐT-GDĐH, yêu cầu các trường gửi danh sách giảng viên, chi tiết đến số chứng minh nhân dân, chuyên ngành… để dần xây dựng cơ sở dữ liệu giảng viên chuẩn của GDĐH.

Liên quan đến xác định tổ hợp theo yêu cầu ngành đào tạo, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, các tổ hợp truyền thống bao quát hầu hết nhu cầu của ngành đào tạo (90% nguyện vọng/5 tổ hợp), không cần đặt ra quá nhiều tổ hơp, trừ các ngành đặc thù (thực tế, 133 tổ hợp còn lại chiếm gần 10% nguyện vọng).

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng nhắc nhở một số trường về đề án tuyển sinh như: Thông tin về điểm nhận hồ sơ xét học bạ của một số ngành sức khỏe không rõ; thông báo kết quả xét tuyển học bạ trước khi xét tốt nghiệp THPT và nhấn mạnh, các trường phải chịu trách nhiệm giải trình về những việc này…

Cơ sở GDĐH vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý: Trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính theo quy định, không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo. Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức…; bị phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ sai phạm” - bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.