Tuyển sinh đại học năm 2018: Cân nhắc để lựa chọn ngành học phù hợp

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2018 đã diễn ra tốt đẹp, an toàn, nghiêm túc,  đúng quy chế và được dư luận đánh giá cao. Hiện các Sở GD&ĐT đang gấp rút hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của việc chấm thi, ráp phách, lên điểm, gửi dữ liệu kết quả về Bộ GD&ĐT. Dự kiến ngày 11/7, Bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp PTTH 2018. Theo quy chế, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp, thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học từ 19/7 đến 26/7.

Ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo và cung ứng nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ thông tin giữa Học viện Quản lý giáo dục và Công ty phần mềm CMC
Ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo và cung ứng nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ thông tin giữa Học viện Quản lý giáo dục và Công ty phần mềm CMC

Để nhận diện những điểm mới ưu việt trong quy chế tuyển sinh đại học năm 2018 và giúp thí sinh lựa chọn ngành học phù hợp với khả năng, nguyện vọng đồng thời cơ hội trúng tuyển cao hơn so với điểm đạt được của kỳ thi tốt nghiệp, trao đổi với phóng viên báo Giáo dục và Thời đại về sự lựa chọn ngành học của thí sinh, TS. Cao Xuân Liễu – Phó trưởng phòng Đào tạo, Học viện Quản lý giáo dục cho biết:

Theo quy chế ban hành của Bộ GD&ĐT thì năm 2018, tuyển sinh đại học có bốn điểm mới mà thí sinh cần lưu ý để thực hiện khi đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng.

Một là, so với năm 2017 thì năm 2018 mức điểm cộng ưu tiên khu vực cho thí sinh thấp hơn. Điểm ưu tiên khu vực cao nhất năm 2018 là 0.7 điểm thay vì 1.5 điểm như năm trước. Điều này giúp thí sinh có sự cạnh tranh công bằng hơn trong việc xét tuyển vào các trường đại học.

Hai là, năm nay điểm xét tuyển được làm tròn đến hai chữ số thập phân nên ranh giới giữa “đậu” và “rớt” sẽ tường minh và chính xác hơn.

Ba là, trừ các ngành đào tạo giáo viên, Bộ GD&ĐT không quy định điểm sàn hay ngưỡng đảm bảo chất lượng vào các trường đại học. Các trường đại học sẽ được tự chủ trong việc xác định điểm đầu vào cho phù hợp với chính sách chất lượng, kế hoạch tuyển sinh của từng trường. Như vậy, có thể cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học của thí sinh sẽ cao và phong phú hơn.

Thí sinh sẽ có nhiều sự lựa chọn vào những ngành học mình yêu thích do điểm chuẩn của các trường không bị phụ thuộc vào quy định của Bộ GD&ĐT. Đây là điểm nhấn rất ưu việt của quy chế khi trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học trong tuyển sinh.

Mặt khác, các em sẽ có thêm cơ hội trúng tuyển vào đại học khi một số trường đại học đang thực hiện phương thức xét tuyển học bạ dựa trên kết quả học tập và rèn luyện của thí sinh.    

Bốn là, bắt đầu từ năm nay các trường đại học phải công bố trên trang web của trường tỉ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp của 2 năm cận kề trước đó. Tôi cho rằng, Bộ GD&ĐTđã rất đúng khi đưa quy định này vào trong quy chế tuyển sinh đại học năm 2018. Điều này sẽ giúp các em thí sinh có thêm nguồn thông tin quan trọng liên quan đến ngành mà mình định lựa chọn theo học. Nó sẽ giúp thí sinh định hướng và có thể điều chỉnh nguyện vọng đăng ký theo học các ngành mà tỉ lệ ra trường có việc làm phù hợp cao và lại phù hợp với nguyện vọng của bản thân.

TS. Cao Xuân Liễu – Phó trưởng phòng Đào tạo, Học viện Quản lý giáo dục (NAEM) tại ngày Hội tư vấn tuyển sinh đại học tháng 3/2018
TS. Cao Xuân Liễu – Phó trưởng phòng Đào tạo, Học viện Quản lý giáo dục (NAEM) tại ngày Hội tư vấn tuyển sinh đại học tháng 3/2018

 PV: Mặc dù chưa có công bố điểm chính thức về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018, nhưng hiện nay đã có một số Sở GD&ĐT đã công bố sơ bộ về kết quả thi vừa rồi. Ông nhận định như thế nào về kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay và có lời khuyên gì đối với thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đại học?

TS. Cao Xuân Liễu: Theo thông tin từ các Sở GD&ĐT cho biết, hiện nay về cơ bản các Sở đã hoàn tất công tác chấm thi, đang triển khai việc ráp điểm và chuẩn bị gửi dữ liệu cho Bộ GD&ĐTđể thực hiện công bố chính thức điểm tốt nghiệp THPT năm 2018.

Theo đó, so với năm ngoái dự đoán có thể phổ điểm sẽ thấp hơn khá nhiều. Một số thí sinh đã đạt điểm tuyệt đối các môn thi là 10 nhưng số lượng rất hạn hữu so với năm 2017 (năm 2017, số thí sinh đạt điểm 10 các môn thi là hơn 1000 em). Năm 2018, số lượng thí sinh đạt điểm 10 môn Toán còn rất ít, môn Ngữ Văn mới chỉ có đạt mức 9.75.

Ví dụ: với môn Toán ở Thành phố Hồ Chí Minh, có 63.04% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên; có 1.19% bài đạt từ 8 điểm trở lên. Môn Ngữ Văn phổ điểm chủ yếu từ 5 – 6.5 điểm và chỉ có 1% thí sinh đạt từ 8 điểm trở lên.

Qua phân tích dữ liệu sơ bộ về hai môn chính của các tổ hợp xét tuyển của một địa phương như vậy, có thể nói rằng, điểm xét tuyển đại học chắc chắn sẽ thấp hơn so năm 2017, có thể giảm từ 2 – 3 điểm tùy trường và tùy ngành, kể cả các trường được xem là tốp trên.

Tuy nhiên, thí sinh cũng cần lưu ý rằng mặc dù phổ điểm nói chung và điểm xét tuyển vào trường, ngành sẽ thấp hơn so với năm 2017 và Bộ GD&ĐT cho phép các trường đại học tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, nhưng chắc chắn các trường sẽ không hạ ngưỡng điểm xét tuyển quá thấp. Vì điều này ảnh hưởng đến uy tín chất lượng đào tạo của trường.

Từ ngày 19/7 đến ngày 26/7, thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (chỉ điều chỉnh một lần), thí sinh nên cân nhắc dựa trên phân tích phổ điểm, nhu cầu nguyện vọng, sở thích của cá nhân một cách hết sức thông minh khi lựa chọn ngành. Theo tôi, các em nên tìm hiểu kỹ các thông tin tuyển sinh của các trường và chỉ nên điều chỉnh đăng ký 3 – 5 nguyện vọng để tránh sự phân tán trong việc xác định ngành xét tuyển.

PV: Xin ông cho biết một số thông tin về công tác tuyển sinh đại học năm 2018 của Học viện Quản lý giáo dục

TS. Cao Xuân Liễu: Cùng với các trường Đại học khác trong cả nước, năm 2018, hướng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội, Học viện Quản lý giáo dục tuyển 400 chỉ tiêu với các ngành Quản lý giáo dục, Tâm lý học giáo dục, Công nghệ thông tin, Kinh tế giáo dục, Giáo dục học.

Năm 2018, Học viện triển khai đào tạo chất lượng cao các ngành Quản lý giáo dục, Tâm lý học giáo dục, Công nghệ thông tin. Đặc biệt, Học viện cam kết đài thọ thêm về kinh phí và học bổng cho các chương trình đào tạo chất lượng cao vừa kể trên. Tiếp nối những kết quả thành công của các năm trước, Học viện hợp tác, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để giới thiệu và cam kết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. 

Thông tin chi tiết về xét tuyển đại học năm 2018 của Học viện Quản lý giáo dục, thí sinh có thể truy cập đường link dưới đây:

(http://phongdaotao.naem.edu.vn/thong-bao-thay-doi-de-tuyen-sinh-dai-hoc-chinh-quy-nam-2018.html)     

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.      

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ