Bảo đảm công bằng
Bởi không thể cùng tham gia một đợt thi nên tâm lý lo lắng của thí sinh về cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ bằng hình thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp là điều khó tránh khỏi.
Giải đáp băn khoăn của thí sinh tại Giao lưu trực tuyến với chủ đề Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021: Không lo “mất chỗ” do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức, các chuyên gia khuyến cáo thí sinh bình tĩnh, giữ sức khoẻ, ôn tập tốt để chinh phục kỳ thi. Cơ hội xét tuyển đối với thí sinh của 2 đợt thi là như nhau.
Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng): Đề thi tốt nghiệp THPT ở cả 2 đợt thi sẽ đều có độ khó tương đương nhau. Số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THTP ở đợt 2 cũng đủ lớn nên phổ điểm sẽ tương đương với đợt 1. Điều này có thể thấy rõ qua 2 đợt thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên tham khảo phổ điểm thi tốt nghiệp THPT cả nước của cả 2 đợt ở tổ hợp mà mình dự định xét tuyển năm nay và so sánh với phổ điểm tương ứng các năm trước. Cụ thể, gồm điểm trung bình, điểm trung vị và điểm có nhiều thí sinh đạt nhất. Sau đó, thí sinh có thể tham khảo điểm trúng tuyển của ngành thí sinh muốn xét tuyển với điểm trúng tuyển ở 2 năm trước (trong đề án tuyển sinh mà các trường công bố).
Ví dụ thí sinh dự định xét tuyển vào ngành có tổ hợp xét tuyển A00 (Toán, Vật Lý, Hóa học) thì các em nên tham khảo phổ điểm thi THPT năm 2021 của tổ hợp A00 để xem phổ điểm và điểm trung bình chung cua tổ hợp năm nay (2021) cao hơn hay thấp hơn các năm trước. Tiếp theo tham khảo điểm xét tuyển vào ngành mình đã chọn ở 2 năm trước với tổng điểm thi THPT (của tổ hợp xét tuyển) của thí sinh.
Về vấn đề này, TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang (TPHCM) thông tin thêm: Hiện nay ảnh hưởng của bệnh dịch khá căng thẳng, phức tạp, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thi cử cho các em. Hiểu được tâm lý đó, Bộ GD&ĐT nói chung và Trường ĐH Văn Lang nói riêng cũng đang rất nỗ lực đưa ra các biện pháp hỗ trợ tối ưu nhất cho các em trong giai đoạn căng thẳng này. Cụ thể, năm nay, Bộ đã có chỉ đạo gộp 2 đợt thi tốt nghiệp rồi xét tuyển 1 lần.
Điều chỉnh nguyện vọng theo “chiến thuật”
Điểm mới của Quý chế tuyển sinh năm nay là thí sinh sẽ được thay đổi nguyện vọng xét tuyển 3 lần bằng phương thức trực tuyến. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên thí sinh nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng quyền này.
ThS Đỗ Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm thông tin và truyền thông, Trường ĐH Mở Hà Nội khuyên: Trước khi thực hiện “chiến thuật” điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, em cần đánh giá lại “danh mục” nguyện vọng của mình với điều kiện, nhu cầu, đam mê cá nhân và kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Chỉ nên điều chỉnh nguyện vọng trong các trường hợp sau: Lựa chọn các ngành đăng ký chưa phù hợp với năng lực của bản thân và gia đình; Sắp xếp thứ tự nguyện vọng chưa phù hợp; Tìm hiểu thấy ngành mới phù hợp hơn với bản thân; Kết quả thi Tốt nghiệp THPT có sự thay đổi lớn so với dự tính ban đầu.
Khi điều chỉnh nguyện vọng, em có thể tham khảo những nguyên tắc: Tìm hiểu kỹ về ngành học, ưu tiên chọn ngành hơn là chọn trường. Chia các ngành đã đăng ký và dự kiến đăng ký thêm làm 3 nhóm theo mức điểm chuẩn trung bình các năm: cao hơn (từ 1-3 điểm), tương đương và thấp hơn điểm thi (từ 1-4 điểm) của em. Căn cứ thêm phổ điểm của năm nay để so sánh với các năm trước cho chính xác. Nguyện vọng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên giảm dần về sự phù hợp và yêu thích của bản thân với ngành nghề và trường. Nếu điểm thi tốt nghiệp THPT quá thấp, hãy nghĩ đến giải pháp đăng ký xét tuyển học bạ.
Cũng theo ThS Đỗ Ngọc Anh: Không phải ai đi thi cũng đều có được kết quả như mong muốn. Vì vậy, em hãy tạm gác lo lắng lại để tỉnh táo và có được lựa chọn thông minh nhất. Đầu tiên, em sẽ có cơ hội để điều chỉnh nguyện vọng của mình theo các nguyên tắc trên. Nếu điểm thi quá thấp, em có thể đăng ký xét tuyển học bạ. Rất nhiều trường có lựa chọn này cho các thí sinh. Trong trường hợp em vẫn mong muốn học ngành mà em yêu thích nhưng điểm chuẩn quá cao. Hãy nghĩ đến một hệ đào tạo đang mở rất nhiều cơ hội học tập cho mọi người – đào tạo từ xa, trực tuyến.
PGS.TS Đoàn Quang Vinh khuyên thí sinh: Đầu tiên, em tham khảo phổ điểm thi THPT năm nay so với 2 năm gần nhất để đánh giá mức độ khó của đề thi và chất lượng thí sinh giữa các năm. Sau đó, so sánh điểm thi của mình với điểm trúng tuyển 2 năm gần đây nhất của ngành dự định xét tuyển (được công bố ở đề án tuyển sinh các trường) để biết cơ hội trúng tuyển của mình.
Khi đăng ký điều chỉnh nguyện vọng, nên chọn các ngành có cơ hội trúng tuyển cao (những ngành có điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất thấp hoặc không cao hơn nhiều so với điểm thi THPT dùng để xét tuyển của thí sinh), sau đó sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên theo sở thích của thí sinh và theo cơ hội trúng tuyển (theo điểm trúng tuyển của các năm trước từ cao xuống thấp).