Nở rộ phương thức tuyển sinh đại học

GD&TĐ - Bên cạnh việc mở thêm một số ngành mới, năm nay ghi nhận sự nở rộ phương thức tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học.

Học sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ vào UEF. Ảnh: TG
Học sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ vào UEF. Ảnh: TG

Cùng với đó, các trường cũng mở rộng đối tượng xét tuyển, áp dụng ở một số phương thức xét tuyển ngành học mới. 

Nhiều nét mới

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, Phó Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Năm 2021, ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển sinh hơn 11.200 chỉ tiêu, với 132 ngành/chương trình đào tạo chuẩn, chất lượng cao, tài năng, tiên tiến thuộc các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên; khoa học xã hội và nhân văn; công nghệ - kỹ thuật; kinh tế - luật; y – dược; khoa học GD-ĐT giáo viên. 

Các phương thức xét tuyển tương tự năm 2020. Cụ thể: Xét tuyển thẳng theo Quy định của Bộ GD&ĐT, Quy định đặc thù trong đào tạo bậc THPT chuyên và hướng dẫn tuyển sinh đại học chính quy của ĐH Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; Xét tuyển các thí sinh có chứng chỉ quốc tế, như: Chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh với tổ hợp kết quả 3 môn thi theo các khối thi quy định của ngành đào tạo tương ứng - Mức điểm mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60); thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400 trở lên; thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa ACT (American College Testing) đạt điểm từ 22/36; Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc Ngữ văn).

Ngoài ra, ĐH Quốc gia Hà Nội còn xét tuyển thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực do Trung tâm Khảo thí tổ chức đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của ngành/chương trình đào tạo theo quy định. Kết quả thi đánh giá năng lực được sử dụng như một phương án xét tuyển, song song với phương thức xét tuyển theo kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT và các phương thức khác được ĐH Quốc gia Hà Nội sử dụng trong năm 2020.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hồ Chí Minh cho hay: Năm nay, nhà trường mở rộng quy mô hệ đào tạo nhân tài với khoảng 130 chỉ tiêu ở 6 ngành. Các thí sinh trúng tuyển vào hệ nhân tài học hoàn toàn bằng tiếng Anh và được miễn 100% học phí trong 4 năm học. Tuy nhiên, nhà trường sẽ xét lại từng năm theo kết quả học tập. Đối tượng đăng ký xét tuyển vào các lớp đào tạo nhân tài là học sinh THPT có điểm sàn xét tuyển (theo điểm thi THPT) đạt 26 điểm trở lên (ưu tiên học sinh trường chuyên) hoặc học sinh giỏi đạt giải Nhất, Nhì, Ba cấp quốc gia các môn: Toán, Lý, Hóa, Tin học và Tiếng Anh.

Được biết, năm 2021, tổng chỉ tiêu tuyển sinh bậc đại học của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh là 6.500 chỉ tiêu, với 42 ngành; trong đó có thêm 2 ngành mới (quản lý khai thác hạ tầng giao thông và ngành thương mại điện tử - Chương trình chất lượng cao).Thí sinh được đăng ký tối đa 20 nguyện vọng (gấp đôi so với năm ngoái). Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nét mới trong năm nay, nhà trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển hoàn toàn bằng hình thức online. Đây là lần đầu tiên nhà trường áp dụng hình thức này.

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm học 2015 – 2016. Ảnh: NTCC
 Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm học 2015 – 2016. Ảnh: NTCC

Xét tuyển sớm để ổn định nguồn tuyển

Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) và Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) là hai trường công bố sớm nhất, dành tới 30% chỉ tiêu/tổng số chỉ tiêu của đơn vị cho xét học bạ. Kế đó, các trường khác như ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Gia Định, ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng công bố nhận hồ sơ xét tuyển học bạ THPT bắt đầu từ 1/3. 

Trong số những trường công bố nhận hồ sơ xét tuyển học bạ THPT có nhiều trường dành số lượng chỉ tiêu khá lớn cho phương thức tuyển sinh này. Cụ thể, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) dành tới 38% trên tổng số 4.210 chỉ tiêu. Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM dành tới 40% trên tổng số 3.500 chỉ tiêu. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và ĐH Gia Định dành tới 45% tổng chỉ tiêu. 

Theo ông Nguyễn Việt Thái - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, việc các trường dành nhiều chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét học bạ THPT là điều được dự báo trước, khi dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đặc biệt, trong vài mùa tuyển sinh trở lại đây, việc đa dạng các phương thức xét tuyển được các trường ĐH-CĐ đặc biệt chú trọng. Trong đó, phương thức xét bằng điểm học bạ THPT được các chuyên gia giáo dục và nhà trường đánh giá bảo đảm được nguồn tuyển một cách chính xác nhất. 

HUTECH và UEF yêu cầu thí sinh phải đạt từ 18 điểm trở lên cho phương thức xét tuyển học bạ 3 học kỳ (gồm 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12). Với phương thức xét tuyển học bạ 5 học kỳ, thí sinh cần có tổng điểm trung bình 5 học kỳ xét tuyển (gồm 2 học kỳ lớp 10, 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 30 điểm trở lên.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM và ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng yêu cầu thí sinh phải có điểm trung bình cộng của tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành xét tuyển của 3 năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên. Tổng điểm lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển, ứng với từng ngành xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên mới được nộp hồ sơ xét tuyển.

Nhìn nhận về phương thức tuyển sinh bằng xét học bạ, các chuyên gia tuyển sinh cho biết, đây là phương thức “chống cháy” nguồn tuyển hiệu quả nhất 3 năm trở lại đây của các trường. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng:

Ngoài việc giúp các trường bảo đảm nguồn tuyển, phương thức xét học bạ THPT còn giúp thí sinh chủ động hơn trong việc học tập và thi cử. “Các em có thời gian để học các môn để thi tốt nghiệp THPT nhiều hơn, kỹ càng hơn. Với thí sinh có kết quả cao trong các năm lớp 10, 11 và học kỳ I của lớp 12, tỉ lệ đỗ ngay vào trường mình yêu thích rất lớn, bởi đợt tuyển sinh đầu tiên bao giờ cũng nhiều cơ hội. Còn nếu thí sinh có kết quả của lớp 10, 11 không được cao nhưng lớp 12 lại vượt hẳn lên, cơ hội trúng tuyển cho các em ở phương thức xét tổng điểm lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển vẫn cao” - Thạc sĩ Sơn nói.

Tương tự, theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Phó Trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TPHCM, phương thức xét tuyển học bạ ngày càng được nhiều thí sinh và phụ huynh tin tưởng lựa chọn. Đặc biệt từ năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến lịch trình kết thúc năm học và thi cử có nhiều biến động, tâm lý chung của thí sinh là chọn các phương thức xét tuyển ổn định, có thể tận dụng lợi thế sẵn có (điểm học tập đã tích lũy từ các học kỳ trước) để xét tuyển đại học. 

“Các thí sinh đã nỗ lực học tập, rèn luyện ở bậc phổ thông hoàn toàn xứng đáng có lợi thế trong cuộc cạnh tranh vào đại học mà không cần phải phụ thuộc vào kết quả một kỳ thi duy nhất. Ngoài ra, thí sinh chủ động đăng ký xét tuyển học bạ sớm cũng có thể giảm bớt áp lực, tránh tình trạng căng thẳng khi vừa ôn thi vừa phải “nghe ngóng” thông tin xét tuyển, chuẩn bị giấy tờ hồ sơ xét tuyển.

Điểm ưu việt của phương thức xét học bạ còn ở chỗ hồ sơ đăng ký khá đơn giản và hình thức đăng ký linh hoạt. Hồ sơ xét tuyển học bạ tại HUTECH gồm phiếu đăng ký xét tuyển, bản photo công chứng học bạ THPT và bản photo công chứng giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Trong đó, với mỗi phiếu đăng ký, thí sinh có thể chọn cả hai phương thức xét tuyển học bạ. Và mỗi phương thức xét tuyển, thí sinh có thể chọn tối đa 3 ngành (tức chọn tối đa 6 ngành với bộ hồ sơ xét tuyển)” - Thạc sĩ Dung nói. 

Không ít học sinh đã lựa chọn phương thức xét học bạ để gia tăng cơ hội trúng tuyển. Ảnh minh họa
 Không ít học sinh đã lựa chọn phương thức xét học bạ để gia tăng cơ hội trúng tuyển. Ảnh minh họa

Phát huy quyền tự chủ 

PGS.TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết: Ngoài 9 ngành đang đào tạo, năm nay Học viện dự kiến mở thêm 2 ngành mới là: Công nghệ thông tin và Xã hội học. Đặc biệt, trên nền tảng hợp tác trao đổi sinh viên với Nga, Đài Loan, Hàn Quốc…, Học viện mở thêm chương trình đào tạo cử nhân hệ chính quy chất lượng cao và liên kết đào tạo quốc tế với ngành Quản trị kinh doanh. Học viện Phụ nữ Việt Nam áp dụng 2 phương thức xét tuyển: Tuyển thẳng với thí sinh trúng tuyển vào Học viện có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế còn thời hạn (tính đến ngày xét tuyển) đạt IELTS 5.0 trở lên hoặc tương đương; Xét tuyển với thí sinh trúng tuyển vào Học viện theo quy định. 

Ngoài ra, Học viện tuyển sinh các khối ngành A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh). Riêng ngành Truyền thông đa phương tiện, thí sinh có thể xét tuyển theo tổ hợp của khối V00 (Toán, Lý, Vẽ) và H1 (Toán, Văn, Vẽ). Trường xét tuyển theo 3 phương thức gồm tuyển thẳng, xét tuyển học bạ và dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Mức điểm xét tuyển theo hình thức học bạ từ 18 điểm với tất cả các ngành. 

Theo TS Nguyễn Thanh Bình – Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ trong tuyển sinh nên dù là hình thức xét tuyển nào cũng do trường chủ động xây dựng và được công bố công khai trong đề án tuyển sinh riêng. Nét mới trong năm nay, có một số trường áp dụng hình thức phỏng vấn để tuyển sinh. Đây cũng là cách để các trường tăng chất lượng đầu vào và tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh học đại học. 

Đồng quan điểm, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Trường đại học được quyền tự chủ trong tuyển sinh, vì thế việc “nở rộ” các phương thức tuyển sinh không có gì bất ngờ. Với sự linh hoạt, đa dạng phương thức tuyển sinh, phong phú về ngành nghề đào tạo sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thí sinh có thêm nhiều cơ hội đạt được nguyện vọng học đại học. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, các trường không nên “lạm dụng” để tuyển sinh theo kiểu “vơ bèo vạt tép”.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, thí sinh được quyền lựa chọn để có thể đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH của ĐH Quốc gia Hà Nội bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực trong số chỉ tiêu được đơn vị phân bổ theo ngành/chương trình đào tạo; chi tiết sẽ được công bố trong Đề án tuyển sinh đại học 2021 của ĐH Quốc gia Hà Nội. Dự kiến có khoảng 10.000 thí sinh đăng ký dự thi và được tổ chức thi trên địa bàn Hà Nội, với khoảng 4 - 5 đợt/năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.