Mặt mạnh
Năm 2015, ĐHQG Hà Nội đã mạnh dạn tổ chức kỳ thi ĐGNL dành riêng cho các thí sinh có nguyện vọng dự thi vào ĐHQG Hà Nội (và các trường khác lấy kết quả của ĐHQG HN để xét tuyển). Kỳ thi đầu tiên được tổ chức tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An và Đà Nẵng. Đối tượng là người học hết chương trình THPT, đã tốt nghiệp THPT hoặc đã tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và có bằng tốt nghiệp THPT.
Bài thi ĐGNL gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài là 195 phút. Thí sinh hoàn thành bài thi ĐGNL trong một ca thi của mỗi đợt thi. Kết quả bài thi ĐGNL được bảo lưu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi. Trong hai năm tổ chức, kỳ thi được đánh giá là hết sức thành công, đạt được những tiêu chí mong muốn, ĐHQG Hà Nội chỉ dừng kỳ thi này khi Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh có thể lấy điểm để xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Năm 2018, lần đầu tiên ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi ĐGNL để xét tuyển sinh vào trường, một số trường đại học khu vực phía Nam cũng đã dùng kết quả này để xét tuyển sinh. Bước sang năm 2019, đồng loạt nhiều trường đại học khu vực phía Nam công bố cũng tổ chức thi riêng. Nhiều trường trong số này là trường ngoài công lập, như Đại học quốc tế Hồng Bàng (3 đợt), Đại học Hoa Sen (6 đợt), Đại học Công nghệ TPHCM (ngày 13 và 14/7), Đại học Nguyễn Tất Thành (ngày 14/7)... Đại diện các trường này cho biết đề thi do trường tự biên soạn, sẽ bảo đảm nội dung kiến thức trải đều trong 3 năm THPT, tập trung vào lớp 12 như đề thi theo chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT.
Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, việc một số trường tổ chức kỳ thi đánh giá riêng cho mình với tên chung là kỳ thi ĐGNL đã cho thấy tinh thần đổi mới tự chủ đang rất cao. Việc tổ chức kỳ thi này hoàn toàn nên khuyến khích vì trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh thì trường có quyền tự tổ chức hình thức đánh giá để tuyển. Thêm nữa, các trường cũng chỉ lấy trong khoảng từ 20 – 30 tổng chỉ tiêu xét tuyển dành cho những thí sinh tham dự kỳ thi này.
Việc tự tổ chức kỳ thi ĐGNL với các trường trong một quy mô nhỏ, số lượng thí sinh tham gia không quá đông, giảng viên cùng phối hợp với các trường THPT và với giáo viên uy tín làm đề thi, bám sát nội dụng học tập THPT của học sinh, phương thức tuyển sinh bằng việc tổ chức kỳ thi ĐGNL này được đánh giá là phù hợp.
Ảnh minh họa |
Nhiều cái hay và được
Có một quyết tâm đổi mới thi đánh giá được các trường triển khai trong mùa tuyển sinh 2019 qua việc tổ chức kỳ thi ĐGNL, đó là tăng tính tự chủ phù hợp với định hướng của Bộ GD&ĐT là các trường tự chủ tuyển sinh. Ở phía Bắc từng có tốp các trường tuyển sinh riêng mà con số trường tham gia đã lên tới 57 trường vào năm 2018. Còn ở phía Nam, chắc chắn mùa tuyển sinh 2019 này sẽ sớm hình thành các nhóm trường tuyển sinh chung, ít nhất là nhóm trường do ĐHQG TP Hồ Chí Minh chủ trì, có trường tận Nam Trung bộ như Trường Đại học Nha Trang cũng đã thông báo lấy kết quả xét tuyển từ kỳ thi ĐGNL do ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng các trường nên cân nhắc vì cho đến thời điểm này nhiều trường vẫn còn bỡ ngỡ, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với kỳ thi này. Có ý kiến cho rằng, trường tổ chức thi ĐGNL cũng chỉ là một phương án mới để thêm kênh xét tuyển sinh nhằm thu hút thí sinh.
Chính vì thế có lời khuyên được đưa ra, đành rằng quyền tổ chức đánh giá thi, xét tuyển sinh là của các trường, nhưng nếu để tổ chức một kỳ thi ĐGNL riêng mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đề thi không tốt dẫn đến việc xã hội cho rằng nặng tính hình thức, không chỉ khó đánh giá năng lực người học, mà còn khiến trường mất uy tín. Thêm nữa, các trường cũng phải tính đến nếu số thí sinh dự thi đông là thành công của kỳ thi, nhưng ngược lại nếu số lượng thí sinh đăng ký ít sẽ rất tốn kém.