Phối hợp chặt chẽ với các khoa của trường sư phạm
Theo cô Thu Anh, trường thực hành cần phối hợp chặt chẽ với các khoa của Trường Đại học Sư phạm để xây dựng kế hoạch thực hành sư phạm cụ thể và triển khai có hiệu quả các nội dung này.
Cô Thu Anh cho biết: Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã thường xuyên tổ chức các hoạt động như: Tổ chức trao đổi giữa giảng viên các khoa với giáo viên của nhà trường về nội dung thực hành sư phạm để có sự thống nhất giữa học lý thuyết với thực hành.
Chẳng hạn như: Trao đổi về nội dung, phương pháp dạy học, cách thức đánh giá các kỹ năng viết bảng, thuyết trình… cho sinh viên năm thứ nhất,
Ngoài ra, phối hợp với các khoa để xây dựng các tiêu chí đánh giá và những mục tiêu sinh viên cần đạt khi tham gia thực hành, thực tập sư phạm. Giảng viên các khoa phối hợp với giáo viên của nhà trường đánh giá chính xác kết quả thực hành, thực tập sư phạm của sinh viên.
“Chúng tôi luôn tạo điều kiện để sinh viên sư phạm tham gia nhiều hơn các hoạt động giáo dục tại trường. Chẳng hạn như: đối với tình nguyện viên thì các bạn sinh viên tình nguyện sẽ tham gia các hoạt động giảng dạy và giáo dục học sinh ở nhà trường. Đối với câu lạc bộ nghiên cứu khoa học thì khuyến khích sinh viên hướng dẫn học sinh phổ thông nghiên cứu khoa học…” - Cô Thu Anh chia sẻ.
Cũng theo cô Thu Anh, hiện nhà trường đang phối hợp với các khoa của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội triển khai quy trình 4 bước để hướng dẫn sinh viên rèn luyện khả năng tổ chức các hoạt động dạy học, thiết kế giáo án. Cụ thể:
Bước 1: Nghe hướng dẫn tại giảng đường Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Bước 2: Quan sát giờ dạy mẫu bằng cách dự giờ tại Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành hoặc xem băng tư liệu
Bước 3: Dạy thử. Sinh viên dạy thử tiết học tự thiết kế cho giảng viên sư phạm và các sinh viên khác dự tải giảng đường Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để các thầy, cô và các bạn góp ý.
Bước 4: Dạy thật. Những sinh viên dạy tốt nhất lớp sẽ được các thầy, cô giảng viên giới thiệu dạy thật tại Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành để các sinh viên khác và thầy, cô giáo dự giờ. Một tiết dạy có thể để 3 đến 4 sinh viên cùng tổ chức, mỗi em phụ trách mộ thoạt động dạy học.
“Tuy nhiên nếu thực hiện theo quy trình trên, các giảng viên phụ trách phương pháp giảng dạy ở các khoa của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phải có kiến thức thực tế vững vàng và phải làm việc vất vả hơn nhiều với sinh viên và kết nố chặt chẽ hơn với trường phổ thông để sinh viên có những trải nghiệm thực tế hình thành kỹ năng nghề dạy học” – cô Thu Anh trao đổi.
Xây dựng nguồn tư liệu thiết thực
Theo cô Thu Anh, việc xây dựng hệ thống tư liệu phục vụ công tác thực hành sư phạm sẽ giải quyết được vấn đề khó khăn về cơ sở vật chất của trường thực hành và tạo nguồn tư liệu cần thiết để giảng viên tổ chức hoạt động giảng dạy cho sinh viên.
“Theo đó chúng tôi đã triển khai xây dựng lại hệ thống tư liệu sau: Kế hoạch bài dạy các môn học; xây dựng đĩa hình các tiết học, các giờ sinh hoạt lớp, giờ chào cờ, các hoạt động ngoài giờ lên lớp;
Viết các tình huống sư phạm đã xảy ra ở thực tiễn và đề xuất cách xử lý đạt hiệu quả giáo dục cao; xây dựng mẫu báo cáo công tác chủ nhiệm lớp; xây dựng đĩa hình các hoạt động ngoài giờ lên lớp; xây dựng các đĩa hình các giờ sinh hoạt lớp theo chủ đề các giá trị sống như: Yêu thương, giản dị, trách nhiệm và tôn trọng…” – Cô Thu Anh trao đổi.