Tương truyền về ngày cuối đời của anh hùng yểu mệnh Tôn Sách

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tương truyền, đạo sĩ Vu Cát có lần tiếp xúc với Tôn Sách nhận ra rằng, Tôn có tướng người cao ngạo, chủ quan... dễ gặp nạn lớn.

Tôn Sách được mệnh danh là Tiểu Bá vương.
Tôn Sách được mệnh danh là Tiểu Bá vương.

Người Việt Nam hầu như ai cũng biết nàng Thúy Kiều, nhân vật trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Còn người Trung Quốc cũng có 2 nàng Kiều. Đó là hai người con gái đẹp nổi tiếng thời Tam quốc được La Quán Trung và nhiều sách sử nhắc đến.

Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên

Tương truyền rằng, họ Kiều, chủ nhân một gia trang lớn, đẹp đẽ, gần vùng núi của quận Cối Kê, xứ Giang Đông có 2 người con gái xinh đẹp tuyệt trần. Người chị tên là Đại Kiều (sinh khoảng năm 178 sau CN, cuối thời Hán, có sách chép hiệu là Kiều Ngọc Hồng).

Còn người em tên là Tiểu Kiều (sinh khoảng năm 180 sau CN, hiệu là Kiều Hồng Liên). Nàng Đại Kiều hiền hậu và nhút nhát, nàng chú tâm vào việc nữ công gia chánh. Dù là đại tiểu thư, nhưng nàng chỉ thích làm bánh, mứt, thêu thùa, chăm sóc hoa lá... Dã sử chép rằng nàng có vẻ đẹp đẫy đà, mắt buồn, hay khóc.

Thời đó, trong vùng nổi tiếng 2 thanh niên anh hùng là Tôn Sách và Chu Du đã làm nên những chiến công trong thời loạn li, chiến tranh của nạn cát cứ phong kiến thời Đông Hán.

Tôn Sách tự là Bá Phù, quê ở Phú Xuân (nay là Phú Dương, tỉnh Triết Giang, thuộc Ngô Quận). Tôn Sách sinh năm Hy Bình thời Đông Hán (năm 175 sau CN) trong một gia đình đại quí tộc.

Năm 191, cha của Tôn Sách là Tôn Kiên tước Ô hoàn hầu, kịch chiến với Hoàng Tổ (tướng của Lưu Biểu, thứ sử Kinh Châu) ở Tương Dương thì bị trúng tên chết. Tôn Sách đem thi hài cha mình về Khúc A (nay thuộc Giang Tô) để mai táng rồi tiến về Đan Dương (nay thuộc An Huy), địa bàn do cậu của mình là Ngô Cảnh là thái thú.

Sau đó ông lập ra một đội quân vài trăm người. Lực lượng nhỏ này quá yếu để Tôn Sách có thể giành được quyền lực riêng, vì thế năm194, Tôn Sách đành phải theo Viên Thuật (Lãnh chúa và là em cùng cha khác mẹ với Viên Thiệu, quân phiệt mạnh, chiếm cứ vùng Hà Bắc rộng lớn).

Chí anh hùng không đợi tuổi lớn, thấy Sách tuổi trẻ tài cao, Viên Thuật cũng trao lại các đơn vị quân đội trước đây thuộc quyền Tôn Kiên cho Tôn Sách. Nhưng sau mấy lần Viên Thuật thất hứa, biết không phải là chỗ nương nhờ được lâu, Sách ngầm nuôi chí riêng nên xin Viên Thuật mang quân đi đánh thứ sử Lưu Do ở Dương Châu.

Được phê chuẩn, Tôn Sách đem khoảng 1.000 bộ binh cùng một lực lượng nhỏ kỵ binh và vài trăm người dũng mãnh tình nguyện theo mình. Trên đường hành quân, Sách đã mộ quân, tăng cường lực lượng lên tới hơn 5.000 nhờ thu được nhiều hào kiệt vùng Giang Đông. Sau đó, ông bắt đầu tấn công dọc theo sông Dương Tử và dần chiếm được nhiều đất đai vào năm 195.

Do luôn giữ vững kỷ luật quân đội nên Tôn Sách thu phục được sự ủng hộ của người dân khu vực và thu dụng được nhiều tuấn kiệt như Chu Du, Chu Thái, Trần Vũ, Tưởng Khâm, Trương Chiêu, Lã Phạm, Lỗ Túc.... Chưa đầy 1 năm, Sách đã chiếm được toàn bộ khu vực Đông Nam sông Dương Tử.

Năm 197, nhờ được Tào Tháo đề cử, Sách được triều Hán phong làm Thảo nghịch tướng quân, tước Ngô Hầu. Trước đó, các nhân tài như Chu Du, Lỗ Túc, Trương Chiêu... đã giao tình rất gần gũi với Tôn Sách. Lỗ Túc bán nhiều thóc gạo, xuất tiền cùng Chu Du mộ quân cho Tôn Sách.

Có binh hùng, tướng mạnh, Tôn Sách như hổ mọc thêm cánh, chỉ trong vòng 4 năm, đánh đông dẹp bắc tiêu diệt hầu hết các thế lực chống đối ở 6 quận Đơn Dương, Ngô quân, Cối kê, Dự Chương, Lư giang, Lư lăng.

Năm 199, Tôn Sách đã chiếm được toàn bộ miền Nam Trung Quốc, được chư hầu tôn xưng là Tiểu Bá vương (Hạng Vũ trẻ) của Giang Đông rộng lớn, còn Chu Du trở thành cánh tay phải, là yếu nhân không thể thiếu được của Tôn Sách.

Trong một dịp đến thăm Kiều gia trang ở Hoãn Thành (nay thuộc An Huy) để tận mắt biết 2 giai nhân họ Kiều, Tôn Sách và Chu Du đều mê mẩn 2 nàng Kiều. Kết quả, cô chị trở thành phu nhân của Tôn Sách, cô em làm bạn trăm năm của Chu Du.

Nàng Đại Kiều rất yêu chồng, thường tự tay làm các món ăn cho chồng. Ngoài việc chinh chiến, Tôn Sách rất thích đi săn. Khi chồng săn được các giống hổ, gấu, hươu nai, gà rừng, Đại Kiều thường cùng gia nhân chế biến thành các món ăn rất ngon.

Tuy nhiên, có một điều nàng và các tướng tâm phúc không yên tâm là Giang Đông mới bình định. Nhiều tên quân phiệt bị Tôn Sách giết nhưng thủ hạ cũ, môn khách của họ vẫn lẩn trốn và tìm cách trả thù cho chủ, trong khi Tôn Sách hay chủ quan, khi đi săn hoặc đi thăm thú thường mang rất ít tùy tùng.

Sự ẩn ức của một anh hùng

Năm 200, trong khi Tào Tháo, Viên Thiệu đang giằng co nhau ở Quan Độ, hậu phương lỏng lẻo, Tôn Sách, Chu Du bèn chuẩn bị binh lực nhằm thực hiện kế hoạch “Đánh lén vào Hứa xương, rước vua nhà Hán” làm Tào Tháo rất lo ngại.

Một hôm rảnh rỗi, Tôn Sách dậy sớm như thường lệ để đi săn, nàng Đại Kiều tự nhiên thấy lòng không yên cũng dậy, nàng hấp bánh bao và nói với chồng: Hôm nay kỷ niệm 2 năm ngày cưới, thiếp lại làm bánh bao để nhớ đến ngày đầu tiên gặp gỡ, đã từng đãi chàng bánh này.

Vừa ăn bánh vừa uống trà, Tôn Sách âu yếm vợ: Sắp có đánh lớn ta muốn khuây khoả bình tinh bằng cách đi săn. Tự nhiên, chàng thấy yêu vợ vô cùng. Còn nàng Đại Kiều có điều gì đấy lo lắng, nước mắt cứ tự nhiên trào ra nàng muốn ôm lấy chồng nhưng lễ giáo không cho phép.

Tôn Sách hơi ngạc nhiên, hỏi: Nàng có điều gì buồn chăng hay tại đứa con trong bụng quấy nàng? Đừng cả nghĩ! Trong nhà, con gái yêu của chúng ta càng lớn càng xinh đẹp, hiếu thuận, nó sẽ giúp nàng chăm em đấy. Còn nhìn bụng của nàng mà đoán, vả lại đại phu cũng đã nói là mấy tháng nữa chắc sẽ sinh quý tử (Sau quả nhiên nàng sinh con trai).

Nói rồi chàng an ủi: Hôm nay, ta sẽ về sớm và nếu Chu Du không sang bàn việc quân thì sẽ ở bên nàng thật lâu. Như thường lệ Tôn Sách chỉ mang mấy hộ vệ đi săn ở vùng núi Tây sơn.

Trong khi đang đuổi theo một con nai, ông thấy 3 người cầm giáo, đeo cung nấp trong bụi. Một người cầm giáo nhằm đâm vào đùi Tôn Sách, ông vội rút gươm xông tới chém, không ngờ gươm bị gẫy. Một thích khách khác giương cung bắn trúng gò má của Tôn Sách.

Ông rút mũi tên đó ra và bắn trả lại làm tên đó chết ngay. Hai tên còn lại múa giáo đâm Tôn Sách tới tấp vừa đánh vừa hô: Chúng tao là gia khách thái thú Ngô quận Hứa Cống đã bị mày giết. Nay chúng tao báo thù cho chủ đây. May có tướng Trình Phổ được nàng Đại Kiều sai ngầm theo bảo vệ đến kịp giết chết hai tên thích khách và vực Tôn Sách về Phủ.

Đại Kiều cùng Thái y vội mang thuốc vào. Tôn Sách biết khó qua khỏi bèn cầm tay vợ nước mắt chảy dài mà than rằng: Ta vì khinh suất mà thiệt thân để lại nàng cô quạnh nơi trần thế, thật đau lòng. Đại Kiều phủ phục trên ngực Tôn Sách khóc không thành tiếng.

Tôn Sách kíp truyền gọi em trai là Tôn Quyền cùng Chu Du, Lỗ Túc, Trương Chiêu và các tướng soái đến. Ông chỉ kịp dặn Tôn Quyền: Lo cố kết nhân tâm, xây dựng lực lượng, việc trong nhà nếu khó thì hỏi Trương Chiêu, việc ngoài nếu khó thì hỏi Chu Du. Ông cầm tay vợ mấp máy điều gì đó rồi mất, thọ gần 26 tuổi.

Tương truyền, đạo sĩ Vu Cát có lần tiếp xúc với Tôn Sách nhận ra rằng: Tôn có cặp mắt hướng lên trên nhìn ngước, đó là tướng người cao ngạo, chủ quan, tự tin thái quá; cằm vênh lên tự đắc, dễ gặp nạn lớn.

Phu nhân Đại Kiều bị phá cách bởi dù rất đẹp nhưng người hơi đẫy mà tiếng nói lại khẽ quá; da mặt hồng mà mũi lại trắng, sớm muộn phải để tang chồng sớm, sau quả đúng như vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.