Tưởng niệm 23.000 nạn nhân Covid-19: Nỗi đau, sự tiếc thương dành cho những người đã mất

GD&TĐ - Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 19/11 tại Hội trường Thống Nhất và TP Thủ Đức cùng các quận - huyện (Thành phố Hồ Chí Minh).

Tưởng niệm 23.000 nạn nhân Covid-19: Nỗi đau, sự tiếc thương dành cho những người đã mất

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu đợt dịch thứ 4 đến 16/11, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 17.263 ca tử vong vì Covid-19. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số ca tử vong cao nhất, chiếm 74% trong 23.270 ca tử vong do Covid-19 trên cả nước.

Trong số các trường hợp tử vong, số ca tử vong ở nữ cao hơn nam, cụ thể nam chiếm 41,5% và nữ chiếm 58,5%. 86,5% ca tử vong trên 50 tuổi. Trong các trường hợp tử vong có 38 trẻ em, 62 phụ nữ mang thai.

Đến giờ, hẳn nhiều người vẫn chưa thể nguôi ngoai, chưa thể tin là những người thân thiết của mình không còn hiện hữu.

Trong số 2500 đứa trẻ mồ côi vì dịch bệnh tàn khốc có 4 đứa là con của chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ, ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Chị Lệ cùng chồng, người dì ruột và là "vú nuôi" của 4 em nhỏ nêu trên đều mất do dịch Covid-19. Trước biến cố quá lớn của gia đình, bà ngoại già yếu cũng suy sụp rồi qua đời không lâu sau đó.

Được biết, những ngày đầu tháng 6, một tháng trước khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, vợ chồng chị Lệ cùng vài người quen sống xung quanh thường thức khuya, dậy sớm, mỗi ngày nấu hơn 100 phần cơm thịt kho để phát miễn phí cho người nghèo, người vô gia cư, tài xế xe ôm thất nghiệp do dịch bệnh.

Tất cả chi phí đều do vợ chồng chị Lệ tự bỏ ra. Lo những gia đình bị cách ly, phong tỏa thiếu thốn lương thực, chồng chị khoác bộ áo bảo hộ lên người rồi mang gạo, thức ăn đến tận nơi để phát miễn phí. Mấy ngày sau đó, vợ chồng chị Lệ phát hiện mắc Covid-19. Sau thời gian điều trị, cả hai đều không qua khỏi.

Anh Cường "béo" (tên thật là Vũ Quốc Cường; SN 1975; ngụ phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) - một trong 18 cá nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ truy tặng bằng khen do có nhiều thành tích đóng góp cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trước khi bị nhiễm Covid-19, anh Cường là chủ 2 quán ăn cơm chay hỗ trợ người nghèo, lo bữa cơm cho tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Internet.
Trước khi bị nhiễm Covid-19, anh Cường là chủ 2 quán ăn cơm chay hỗ trợ người nghèo, lo bữa cơm cho tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Internet.

Anh Cường là chủ nhân quán cơm chay xã hội Cường "béo". Nhiều năm qua, anh Cường mở 2 quán cơm chay xã hội để hỗ trợ người nghèo. Dù nằm trong hẻm nhỏ nhưng quán cơm luôn là địa chỉ thân thuộc của hàng ngàn người nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi dịch bệnh bùng phát, anh Cường và bạn bè tiếp tục thành lập bếp cơm từ thiện để nấu các bữa cơm cho tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, sau 2 tháng thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện cho bà con nơi tâm dịch, anh nhiễm Covid-19 rồi qua đời. 

Trước khi qua đời vì Covid-19, anh Cường "béo" vẫn bình thản gửi lời động viên, dặn dò cộng sự tiếp tục giúp đỡ người khó khăn, nghèo đói. Thông tin anh qua đời khiến nhiều người đau buồn, xót xa bởi sự tử tế của anh là tấm gương sáng, sống hết mình vì cộng đồng.

Ca sĩ Phi Nhung nằm trong danh sách hơn 23.000 người mất vì Covid-19. Cô đã cống hiến cho nghệ thuật với nhiều ca khúc dân ca, bolero đi cùng năm tháng và nhận được sự yêu mến của nhiều thế hệ khán giả. Cô qua đời vào ngày 28/9 vừa qua, sau hơn một tháng chống với Covid-19 tại bệnh viện Chợ Rẫy. Cô mắc Covid-19 vì có tiếp xúc gần với vài ca F0.

Bên cạnh những cống hiến về nghệ thuật nữ ca sĩ còn nhận được sự yêu mến khi liên tục làm thiện nguyện đồng thời nhận nuôi nhiều trẻ mồ côi và khó khăn.

Đặc biệt, trong thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh bùng phát dịch Phi Nhung cũng liên tục làm thiện nguyện để hỗ trợ bà con và y bác sĩ tuyến đầu. 

Phi Nhung tích cực nấu cơm, tặng suất ăn từ thiện và phát quà cho người nghèo ở nhiều nơi và ủng hộ phòng chống dịch, nữ ca sĩ còn kêu gọi ủng hộ và tự đóng góp mua máy thở cho các bệnh viện để phục vụ công tác điều trị. 

Sự ra đi của nữ ca sĩ đã để lại nhiều tiếc thương cho bạn bè đồng nghiệp và nhiều thế hệ khán giả.

Ca sĩ Phi Nhung tích cực nấu cơm, tặng suất ăn từ thiện và phát quà cho người nghèo trong đại dịch trước khi qua đời. Ảnh: Internet.
Ca sĩ Phi Nhung tích cực nấu cơm, tặng suất ăn từ thiện và phát quà cho người nghèo trong đại dịch trước khi qua đời. Ảnh: Internet.

Chia sẻ những nỗi đau, mất mát với những gia đình có người thân mất vì dịch

Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngành y tế có 3 trường hợp nhân viên y tế mất do Covid-19. Trong đó, một bác sĩ và một điều dưỡng tử vong do lây nhiễm khi chăm sóc bệnh nhân và tử vong, nhân viên y tế còn lại mất do lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo ông Võ Trọng Nam - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 sẽ diễn ra lúc 20h ngày 19/11 tại Hội trường Thống Nhất (quận 1) và các điểm cầu Thành phố Thủ Đức và các quận huyện.

Ngoài nghi thức thắp nến, các quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình sẽ tổ chức thả đèn hoa đăng trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé lúc 20h35 ngày 19/11.

Tàu, thuyền, sà lan... đang lưu đậu tại các cụm cảng sẽ kéo còi tưởng niệm; các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) đồng loạt đánh chuông tưởng niệm vào 20h30 cùng ngày.

Cùng thời gian trên, Thành phố Hồ Chí Minh vận động người dân tắt đèn, thắp nến tại khu vực công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, khách sạn, văn phòng, nhà dân... để tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch.

Chương trình lễ tưởng niệm được truyền hình trực tiếp trên VTV, điểm cầu chính tại Hội trường Thống Nhất, điểm cầu phụ tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội). Nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, buổi lễ này không chỉ tưởng niệm, chia sẻ với đồng bào, gia đình có người thân mất vì Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở cả nước.

Buổi lễ này nhằm để tưởng nhớ những người đã không may mất vì Covid-19, chia sẻ những nỗi đau, mất mát với những gia đình có người thân mất vì dịch, cũng như chia sẻ với đồng bào vừa trải qua một trận đại dịch rất lớn. "Làm ấm lòng người đi, chia sớt phần nào nỗi đau người ở lại" – ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, qua tưởng niệm lần này, nhắc nhở chúng ta rằng chuyện thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào cũng như những gì chúng ta đã trải qua từ trận đại dịch để có sự chuẩn bị tốt hơn nhằm đối diện với những hoàn cảnh như vậy tương lai, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại.

Dịch bệnh Covid-19 đã cướp đi bao sinh mạng, trong đó không thể kể đến đội ngũ tiên phong chống dịch như bác sĩ, chiến sĩ cùng những người hết mình làm từ thiện,...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Tản văn: Lựa đồ để 'cho'

GD&TĐ - Làm từ thiện từ “tâm”, “cho đi là còn mãi”. Hãy biết cách “cho” và lựa đồ để “cho”.

Tấm Huy chương Đồng quý giá của đại kiện tướng Lê Tuấn Minh tại Olympiad Cờ vua 2024. Ảnh: ITN

Lặng thầm cống hiến

GD&TĐ - Với thành tích bất bại đó, chú đã đạt được 9 điểm sau 11 vòng đấu, để đạt được Huy chương Đồng Cá nhân bàn ba bảng mở rộng Olympiad Cờ vua...

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Món quà diệu kỳ

GD&TĐ -Nhà thơ Tô Hà đã phác họa bức tranh về một lớp học đặc biệt dành cho trẻ em khiếm thính mà ở đó toát lên niềm đam mê và khát khao con chữ của học trò